- Khi cô hoa hậu thấy cụ tỷ phú đã ngoại bát tuần, quyết định chọn cụ để sửa túi nâng khăn, và hình dung ra cái ngày không lâu la gì cô ôm gọn cái gia sản kếch sù, sống vương giả bên người mình yêu, thì biết đâu, khi cô đã hết duyên và cạn mọi ham muốn cụ vẫn sờ sờ ra đó. Bởi cô mới biết cái tuổi thời gian mà chưa biết tuổi sinh học của cụ.
TIN LIÊN QUAN
Tuổi cũng có nhiều loại
Trong những đặc trưng để nhận biết một con người trên bất cứ thứ giấy tờ nào cũng có một thông số luôn luôn biến động nhưng chẳng bao giờ vắng mặt, ấy là tuổi. Tuổi tác cho biết một người đã xế chiều hay còn son trẻ, “đang xoan” hay “đã toan về già”… Phòng tổ chức quan tâm đến tuổi của một cán bộ trước khi đề bạt để cân nhắc xem còn sử dụng được tài năng này trong bao lâu nữa. Các vị “phó” ghi nhớ tuổi của “sếp” trưởng để nuôi hy vọng một ngày nào mình được ngồi vào chiếc ghế béo bở của ông ta…
Một trong những đặc trưng để nhận biết con người trên bất cứ thứ giấy tờ nào và cũng luôn luôn biến động, đó là tuổi. |
Thế nhưng bạn đừng nghĩ người ta chỉ có một loại tuổi. Các nhà khoa học đưa ra nhiều khái niệm về tuổi để đánh giá một con người. Cứ tạm kể thế này thôi: tuổi thời gian, tuổi sinh học, tuổi tâm lý, tuổi trí tuệ, tuổi chức năng…
Tuổi thời gian (chronological age) căn cứ vào ngày sinh tháng đẻ chỉ cung cấp cho ta một khái niệm rất trung tính, dùng như một con số thống kê, nói lên những tính chất chung chung về một con người, vì khi cùng tuổi người ta vẫn có thể khác nhau ghê gớm.
Tuổi sinh học (biological age) thể hiện của tuổi từng bộ phận trong cơ thể dựa trên chất lượng sinh học hiện tại của các tế bào và các mô của bộ phận đó khi so sánh với những giá trị quy định làm chuẩn mực. Tuổi này phụ thuộc vào sự trưởng thành sinh học và các ảnh hưởng bên ngoài.
Tuổi tâm lý (psycholigical age) được tính theo khả năng thích nghi của một cá nhân, dựa trên những cách ứng xử và quan niệm của cá nhân phù hợp như thế nào với xã hội và thời đại. Nó phản ánh những kinh nghiệm sống, sự từng trải của một người, nói cách khác, nó là sự chín mùi của tâm lý.
Tuổi trí tuệ (mental age) chỉ ra sự thông minh, khả năng nhạy bén, phản ứng linh hoạt trước một tình huống, một sự cố, cách suy nghĩ logic so sánh với chuẩn mực quy định tương ứng với lứa tuổi. Một dạng thể hiện của nó là thương số IQ quen thuộc.
Còn tuổi chức năng (functional age) là loại tuổi mà các nhà sinh lý học “âm mưu” tổng hợp mọi loại tuổi kể trên thành một, còn gọi là tuổi thực (real age) phản ánh đầy đủ nhất tuổi của một người, bất chấp người đó có tuổi thời gian - thường dùng nhất và cũng có thể phản ảnh tương đối đúng nhất, nhưng cũng khá nhiều ngoại lệ - là bao nhiêu. Nếu bằng cách nào đó tính được tuổi này, thì nó chính là thực chất để đánh giá một con người, mà tuổi thời gian chỉ là hình thức. Nó có thể trùng với tuổi thời gian, có thể thấp hơn hoặc cao hơn, tuỳ người. Nó loại trừ được hiện tượng muốn tự mình “trẻ hoá cán bộ” mà chữa giấy khai sinh, mà trồng răng, nhuộm tóc, “tút tát dung nhan”, đáp ứng tiêu chuẩn đề bạt cả về giấy tờ và hình thức, nhưng tư duy thì già cỗi, mất tính nhạy bén và linh hoạt, cơ thể rệu rã, tối về lăn ra ngủ để lấy sức “cầm cự” ngày hôm sau. Nó cũng loại trừ cả hiện tượng lãng phí những tài năng, về tuổi thời gian đã “hết đát”, bị rơi vào công thức “lão lai tài tận” nhưng thực ra thì đang ở tuổi cống hiến được nhiều nhất.
Có lẽ chỉ có tâm hồn là thứ không thể đong, đếm được.
Một thí dụ chắc nhiều người biết: nhà văn hóa Hữu Ngọc, nay đã 92, nhưng vẫn ngày ngày đến cơ quan cũ làm việc, tuần nào cũng có bài đăng báo, vẫn tiếp khách, vẫn thuyết trình về văn hóa Việt Nam với cử tọa nước ngoài mà đa số là trí thức, hàng năm vẫn xuất bản những công trình hàng ngàn trang… Mấy năm trước đây khi phụ trách các Quỹ văn hóa với các nước Bắc Âu, ông vẫn hăng hái đi điền dã mà cả thanh niên cũng khó theo kịp. Ông cho biết, chính từ sau khi nghỉ hưu (lần thứ nhất) cho đến nay (ở tuổi 90) mới chính là lúc ông làm được nhiều việc nhất. Xem như vậy mới thấy tuổi tác là chuyện không đơn giản.
Trong khi người ta còn lúng túng trong việc tính tuổi chức năng như thế nào, thì suy cho cùng chỉ hai loại tuổi trong số đó là tuổi thời gian và tuổi sinh học là quan trọng hơn cả.
-
Tuấn Hà