(TinnhanhVietNamNet)-Mất khoảng 2,7 tỷ đồng ở Việt Nam và nhiều gấp 10 lần như thế ở nước ngoài nếu muốn xác định chính xác niên đại của hạt thóc cổ vừa được tìm thấy.
Các cây lúa cổ. Ảnh: L.V |
Trả lời trên báo điện tử Bee, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, GĐ Viện Nghiên cứu Lúa - ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Xét về quỹ gen của lúa thì không có gì đặc biệt. Vì bản thân cây lúa sẽ tiến hóa thành cây lúa trồng trọt và cả theo hướng cỏ dại. Nước ta có 20 loài lúa thì trong đó có tới 9 loài hoang dại.
Và ông Hoan cho rằng, rất có thể đó chỉ là một sự nhầm lẫn của các nhà khảo cổ. Sở dĩ dư luận quan tâm là vì nó khó hiểu. Nếu là hạt lúa 3.000 năm tuổi thì bộ gen là thứ đáng quan tâm nhất và sau đó sẽ phải lý giải tại sao nó lại có thể được bảo quản chừng đó năm trong điều kiện tự nhiên.
Do đó, cần phải có các các xét nghiệm cơ bản. Nếu để đánh giá sơ sơ thì mất ít nhất khoảng 200 triệu đồng. Nếu làm đầy đủ thì mất khoảng 2,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hoan vẫn đặt giả thuyết nghi ngờ đây là "một cú lừa về mặt khoa học".
Trước đó, VietNamNet có đưa tin về việc “hạt thóc 3.000 năm” khai quật được tại di chỉ Thành Dền (Cổ Loa). Hiện các nhà khoa học đang chăm sóc cây mạ để chờ đến tháng 10 trổ bông.
TS. Phạm Xuân Hội, trưởng phòng Bệnh học phân tử, người trực tiếp chịu trách nhiệm chăm sóc các cây lúa cổ cho biết, 8 cây mà viện tiếp nhận đợt đầu đã có hai cây cao 17 cm. Hai cây đợt sau phát triển ngang nhau.
Về hình dạng và quá trình sinh trưởng, TS. Phạm Xuân Hội, cho biết ngoài hình thái lá hơi mảnh, hẹp, những “cây mạ 3.000 tuổi” này sinh trưởng không khác nhiều so với những cây lúa hiện đại.
Dự định, trong tuần tới những cây lúa cổ sẽ được chuyển ra trồng cố định và vỏ trấu được trả lại để tiến hành xét nghiệm xác minh niên đại chính xác của chúng.
-
Cẩm Anh (tổng hợp)