- Sinh vật ngoại lai trong nước dằn tàu có thể gây độc cho con người bằng nhiều cách, phá vỡ hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường...
Nước dằn tàu là nước hồ, sông, nước biển được bơm vào trong tàu nhằm điều chỉnh giữ cho tàu ổn định khi di chuyển. Nước này thường chiếm từ 30-40% trọng tải của tàu. Khi tàu lấy hàng sẽ xả nước dằn ra, cùng theo đó là hàng nghìn sinh vật ngoại lai, chủ yếu là phiêu sinh thực vật, phiêu sinh động vật, động vật không xương sống.
Trong 200 mẫu nước sông Sài Gòn thì có tới 64% có sinh vật ngoại lai được các nhà khoa học của Trường ĐH KHTN TP.HCM phát hiện.
TS. Trần Triết, ĐH KHTN TP.HCM, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Sinh vật ngoại lai trong nước dằn tàu”, cho biết, sau khi nghiệm thu ở Sở KHCN TP.HCM vào giữa tháng 4, nhóm nghiên cứu sẽ chuyển cho cảng vụ hàng hải TP.HCM tham khảo để có hướng phát triển ứng dụng thực tế.
64% trong 200 mẫu nước sông Sài Gòn mà các nhà khoa học của Trường ĐH KHTN TP.HCM thu nhận có sinh vật ngoại lai. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: Thái Phương
Theo TS. Trần Triết, đây là đề tài đầu tiên ở VN nghiên cứu về mối nguy hại của sinh vật ngoại lai cũng như phương hướng xử lí. Sinh vật ngoại lai trong nước dằn tàu có thể gây độc cho con người bằng nhiều cách, làm phá vỡ hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường... Mặc dù có nhiều nguy hại nhưng đến nay vấn đề kiểm soát vẫn thả lỏng.
Được biết, ở Mỹ và nhiều nước khác, việc kiểm soát sinh vật ngoại lai trong nước dằn tàu rất chặt chẽ. Theo đó, tàu biển trước khi cập cảng một quốc gia nào đó bắt buộc phải xả nước dằn tàu ra biển trước và thay nước. Mục đích để sinh vật ngoại lai trong nước dằn tàu sẽ bị triệt tiêu do thay đổi điều kiện sống giữa nước ngọt và nước mặn. Quy định này không hề được quan tâm ở VN.
Ngoài quy định trên, tàu cập cảng cần phải được kiểm tra nước dằn tàu khi vào cảng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của TS. Trần Triết, chỉ rất ít tàu cập các cảng TP.HCM được kiểm tra và nếu có thì cũng vì mục đích kiểm dịch chứ không vì ngăn chặn sinh vật ngoại lai.
- Đức Toàn