Bạn đã từng nghe đến những cái tên này chưa: Star, Snuppy, CC và ANDi? Đây là tên của một con heo, một con chó, một con mèo, và một con khỉ; tất cả chúng đều là phiên bản vô tính đầu tiên của loài mình.
TIN LIÊN QUAN
Cừu Dolly |
Có thể bạn đã quen thuộc với cái tên Dolly – một con cừu nổi tiếng ngang ngửa với thần tượng nổi tiếng của bạn – là động vật có vú đầu tiên được nhân bản thành công từ những tế bào của 1 con cừu trưởng thành. Nhưng nó không phải là động vật nhân bản đầu tiên trên thế giới. Vào năm 1952, các nhà khoa học đã nhân bản thành công một con nòng nọc.
Và kể từ đó, có ít nhất khoảng hơn một chục các loài khác nhau đã được nhân bản, bao gồm cả các loại gia súc.
Vào năm 2008, FDA công bố rằng các sản phẩm thực phẩm lấy từ những gia súc nhân bản như bò, heo và dê rất an toàn cho người sử dụng.
Ngoài việc giúp nông dân sản xuất được những sản phẩm có chất lượng ổn định, việc nhân bản vô tính còn có các lợi ích khác như bảo tồn giống, phục vụ các nghiên cứu hóa sinh, sản xuất thuốc và nội tạng thay thế…
Xin giới thiệu 5 loài động vật được nhân bản phổ biến nhất.
Thú cảnh nuôi
Năm 2005, các nhà khoa học Hàn Quốc công bố con chó nhân bản đầu tiên – một con chó săn giống Afghan, và họ đặt tên là Snuppy. Trước đó, vào năm 2001, con mèo nhân bản đầu tiên của thế giới ra đời với tên CC (viết tắt của “CopyCat”). Kể từ đó, có ít nhất khoảng 40 con chó và một số lượng mèo đã được nhân bản.
Bản sao Snuppy và “bố” của nó | Mèo CC |
Có rất nhiều người đã chịu chi trả khoảng 1000 đôla mỗi năm cho việc bảo quản mô của con chó hoặc mèo yêu quý của họ để dùng cho việc nhân bản trong tương lai, khi con vật cưng của họ qua đời. Việc thương mại hóa dịch vụ nhân bản vô tính đang còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên, hiện nay nó đang khá phổ biến do nhu cầu của thị trường khá cao vì có rất nhiều người muốn làm “hồi sinh” con vật cưng của mình.
Công ty công nghệ sinh học RNL Bio của Hàn Quốc đã đưa vào kinh doanh loại hình này, và sau đợt nhân bản thành công 5 con cún vô tính vào tháng 8/2008, công ty này tuyên bố là “nhà dịch vụ nhân bản chó thương mại đầu tiên”. Họ đã nhân bản thêm hơn 20 con chó và dự định sẽ nhân bản khoảng 300 con mỗi năm. Vậy, nếu bạn có ít nhất 150 ngàn đô và một con vật cưng mà bạn muốn ở bên nó mãi mãi, hãy làm một chuyến đi Hàn Quốc.
Dê và cừu
Tưởng nhớ cừu Dolly Cừu Dolly thu được sự chú ý và cảm tình của đông đảo công chúng khi được sinh ra vào năm 1996. Sự kiện cừu Dolly đã đưa công nghệ nhân bản đến gần với công chúng hơn. Dolly sống tại viện Roslin ở Scotland và sau đó hạ sinh 6 cừu con theo cách truyền thống. Nhưng vào ngày Valentine của năm 2003, người ta đã đau lòng quyết định giúp Dolly thoát khỏi sự dày vò của bệnh viêm khớp và ung thư phổi; lúc đó Dolly chỉ mới có 6 tuổi.
Đối với các nhà khoa học và những người chăn nuôi, thay vì ngắm 1 con chó nhân bản chạy quanh sân, họ quan tâm hơn đến việc việc nhân bản dê và cừu – công việc hứa hẹn nhiều lợi ích hơn.
Chẳng hạn như cừu, bằng việc sử dụng công nghệ gen, họ có thể sản xuất các thuốc để chữa bệnh cho con người. Một ví dụ là cừu Polly, một con cừu nhân bản được “thiết kế” để sản xuất một loại sữa có chứa loại protein mà những người mắc chứng máu không đông bị thiếu. Về mặt lý thuyết, những con cừu như Polly có thể được sản xuất hàng loạt để chế tạo các loại thuốc. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp nông dân có thể bảo tồn được những cá thể cừu cho nhiều lông nhất.
Tương tự như vậy, một số con dê có chất lượng sữa và thịt ngon cũng được nhân giống.
Heo nhân bản
Những con heo được nhân bản vô tính.
Những con heo nhân bản cho thịt có chất lượng không thua kém gì heo thường, nhưng nếu bạn không thích ăn thịt heo, có thể bạn sẽ quan tâm đến lợi ích y tế của việc nhân bản heo vì nội tạng của chúng phù hợp để cấy ghép cho người.
Việc đưa các tế bào, mô, hay nội tạng từ một loài vào cơ thể một loài khác gọi là “ghép dị chủng”. Đây là một giải pháp đầy hứa hẹn trong các ca cấy ghép nội tạng trong tình hình nội tạng và mô cùng chủng loại đang khan hiếm.
Hiện tại có khoảng hơn 500 con heo nhân bản trên thế giới. Và với chứng nhận an toàn từ FDA (tương tự như dê), việc nhân bản heo còn có thể mở rộng hơn nữa.
Gia súc nhân bản
Mặc dù gần đây chúng bị "lên án” vì thải quá nhiều khí metan vào khí quyển, nhưng loài bò sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, đặc biệt là khi giờ đây các nông dân đã có thể nhân bản những con giống tốt để cho ra những đàn bò với chất lượng hạng nhất.
Nếu bạn cảm thấy khó chịu với việc ăn các sản phẩm từ bò vô tính, bạn đừng vội lo. Hiện tại, việc nhân bản 1 con bò sẽ làm tiêu tốn từ 10-20 ngàn đôla (trong khi chỉ tốn khoảng 50 đô cho 1 con được sinh theo cách thông thường), thì những con gia súc nhân bản chỉ dành cho mục đích gây giống mà thôi.
Hiện nay có 2 công ty của Mỹ là Trans Ova Genetics và ViaGen đang cung cấp dịch vụ nhân bản cho người chăn nuôi. Mỗi năm, 2 công ty này sản xuất khoảng 400 con gia súc nhân bản. Hiện tại có khoảng 4 ngàn con gia súc nhân bản trên toàn thế giới.
Chuột nhân bản
3 thế hệ chuột nhân bản.
Chuột là loài được sử dụng nhiều nhất trong phòng thí nghiệm. Con chuột nhân bản đầu tiên – Cumulina – được sinh vào tháng 6/1998. Nếu như các nhà khoa học phải chịu thất bại 277 lần trước khi tạo ra Dolly thành công thì họ đã cùng lúc tạo được đến 10 phiên bản vô tính giống nhau từ một con chuột, và Cumulina là chị cả. Trong vòng 5 tháng sau, họ tạo thêm được 60 phiên bản nữa.
Và vì chuột là loài vật thí nghiệm được ưa chuộng, nên các nhà nghiên cứu có lẽ sẽ muốn có nguồn cung cấp vô tận loài gặm nhắm này bằng công nghệ nhân bản. Mặc dù không có con số cụ thể đã có bao nhiêu con chuột được nhân bản nhưng chắc chắn chuột sẽ nằm đầu bảng những con vật được nhân bản nhiều nhất.
-
Đỗ Quyên (Theo HSW)