Trẻ hoang dã là những đứa trẻ vì một nguyên nhân nào đó, bị tách rời khỏi cộng đồng từ khi còn rất nhỏ, nên không được chăm sóc, không trải nghiệm những hành vi xã hội, không biết nói tiếng người. Chúng được các con vật nuôi nấng và lớn lên.
>> Cô bé hiểu được 100 ngôn ngữ của loài vật hoang dã
>> Tippi: "cô bé rừng xanh" đích thực
Tippi không là trẻ hoang dã
Tippi chưa đạt tiêu chuẩn trở thành "cô bé rừng xanh". |
Chúng ta đã được đọc những câu chuyện rất thú vị về Tippi, một cô bé thường được gọi là “cô bé hoang dã”. Thế nhưng, theo định nghĩa trên, Tippi chưa “đạt tiêu chuẩn”. Cô vẫn sống trong cộng đồng loài người, bộ lạc của người Bushmen, gần thiên nhiên và kết bạn với dã thú trong suốt 10 năm trời.
Thế nhưng cuộc trở về với nền văn minh của cô cũng đầy khó khăn và cho tới nay vẫn đầy trăn trở, chưa hòa nhập một cách hoàn toàn với một xã hội hiện tại.
Vậy những “trẻ em hoang dã” theo đúng nghĩa thì sao?
Chuyện kể và văn học – nghệ thuật
Trong các chuyện kể cũng như trong văn học đã có những nhân vật quen thuộc nói về loại trẻ em này như Tarzan (của Edgar Rice Burrough), Mowgli (của Rudyard Kippling, giải Nobel văn học 1907)... đã được dịch ra tiếng Việt và nhiều người đã đọc. Phim về đề tài này càng nhiều hơn nữa. Những nhân vật ấy được miêu tả như những người có trí thông minh bình thường của loài người, thực hiện được những kỹ năng và tính chất bẩm sinh của nền văn minh, kết hợp với sức khỏe phi thường, sự khéo léo và bản năng lành mạnh của dã thú, và sau đó đều hòa nhập với thế giới loài người không mấy khó khăn. Thường, không nhiễm những thói hư tật xấu của xã hội, nên tính cách của họ chất phác, hồn nhiên, dễ bị lừa và luôn luôn tốt bụng. Người ta còn dùng thuật ngữ “Hội chứng Mowgli (Mowgli syndrome)" để chỉ sự hòa nhập của trẻ hoang dã vào xã hội đương đại.
Tazan - nhân vật hư cấu |
Liệu hội chứng này có thật?
Thực tế
Trong thực tế thì ngược lại. Lịch sử ghi nhận không ít những đứa trẻ hoang dã được tìm thấy và mang về nuôi nấng. Tuy nhiên, sự hòa nhập gần như chưa bao giờ thành công. Chúng được dạy những kỹ năng xã hội cơ bản, từng chi tiết nhỏ nhất của sinh hoạt, văn hóa và đạo lý nhưng dường như chúng không thể tiếp thu. Việc học ngôn ngữ với chúng hoàn toàn không dễ dàng vì ở tuổi học nói, khả năng phát triển ngôn ngữ và nhận thức không được huy động và đã qua đi. Mọi sinh hoạt đối với chúng đều xa lạ, từ thói quen ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Cuộc sống tình cảm hầu như không tồn tại.
Nhiều tài liệu khoa học đã kết luận: các nhà giáo dục và tâm lý dù hết sức cố gắng nhưng đều bất lực khi chuyển một đứa trẻ bị tách khỏi cộng đồng từ nhỏ trở thành một thành viên bình thường của xã hội. Những cá thể như vậy đã khác hẳn đồng loại của mình và cần theo dõi sát sao suốt cả cuộc đời. Khi được “phát hiện”, người ta thường coi chúng như một đối tượng để nghiên cứu khoa học và sự quan tâm của các phương tiện truyền thông, gây hiếu kỳ cho khán giả.
Một khi tất cả những sự tò mò lắng xuống, những cố gắng dạy chúng về văn hóa và cách ứng xử xã hội chẳng ăn thua gì, thời gian còn lại của cuộc đời chúng thường là sống lay lắt từ nhà từ thiện này sang nhà từ thiện khác. Điều thường xảy ra nhất là chúng chết trẻ, mặc dù không thể biết cứ sống một cuộc sống giữa bầy thú, cuộc đời của chúng có thể kéo dài đến bao lâu.
Một số đứa trẻ hoang dã được tìm thấy từ trước đến nay. |
Người ta còn hiểu biết rất ít về những đứa trẻ hoang dã. Một trong những thí dụ quen thuộc nhất, cuốn “nhật ký chi tiết” của Riverend Singh, người đã tìm ra Amala và Kamala (hai cô bé được chó sói nuôi từ nhỏ) trong rừng rậm Ấn Độ công bố, gây xôn xao dư luận đã bị tố cáo là hoàn toàn bịa đặt để lấy tiền của Tổ chức bảo trợ trẻ em mồ côi. Các nhà khoa học khẳng định rằng Amala và Kamala từ lúc sinh ra đã bị thiểu năng cả thể xác và tâm thần.
Từ những tư liệu cổ
Herodotus, một sử gia thời cổ đại, viết rằng pharaon Ai Cập Psamtik đã tìm ra nguồn gốc của các bộ tộc Ai Cập bằng thí nghiệm trên hai đứa trẻ. Khi chúng vừa sinh ra, ông đem đến một người chăn cừu, với lệnh là để chúng sống với bầy cừu, bí mật theo dõi chúng để nghe xem những lời đầu tiên của chúng là gì. Ông cho rằng lời đầu tiên chúng thốt ra sẽ là ngôn ngữ của nguồn gốc dân tộc. Khi đứa trẻ kêu lên hai tiếng “be be” (âm tương tự tiếng kêu của cừu), người chăn cừu sung sướng tâu lại với nhà vua. Ngẫu nhiên, hai tiếng ấy, trong ngôn ngữ của bộ tộc Phrygian có nghĩa là bánh mì. Pharaon kết luận: người Phrygian chính là gốc gác của mọi tộc người Ai Cập.
Tượng cổ Romulus và Remus bú chó sói. |
Những tranh cãi và phê phán
Năm 2008, tờ báo Le Soir của Bỉ đã kết luận cuốn best-seller có tên là Misha: A Mémoire of the Holocaust Years (Misha: Hồi ức về những năm khủng khiếp) và cuốn phim Survivre avec les loups (Sống cùng chó sói) là hoàn toàn ngụy tạo. Giới truyền thông Pháp cũng phê phán tính nhẹ dạ cả tin của mọi người, hào hứng chấp nhận những cuốn sách kể về trẻ hoang dã, không dựa vào tư liệu mà trên lời đồn.
Theo nhà giải phẫu học Pháp Serge Arole trong tác phẩm L’Enigme des Enfants-loups, 2007 (Điều bí ẩn về trẻ em Người sói) dựa trên những tư liệu nghiêm túc đã phân tích và phê phán nhiều trường hợp lừa bịp để tạo scandal và nhưng câu chuyện hoàn toàn bịa đặt xưa nay.
Dĩ nhiên, sự phê phán một số trường hợp nói trên không có nghĩa là sự phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại trong thực tế không ít những đứa trẻ hoang dã.
- Tuấn Hà (tổng hợp)