Tên gọi, xuất xứ, cũng như một số đặc điểm khoa học của một số loài hoa rất thân quen với người dân cũng như những người yêu Đà Lạt.
Cẩm Tú cầu
Chi Tú cầu (Hydrangea) là một chi thực vật có hoa trong họ Tú cầu (Hydrangeaceae) bản địa Đông Á (từ Nhật Bản đến Trung Quốc), Nam Á, Đông Nam Á (Hymalaya, Indonesia) và châu Mỹ. Là cây thân mộc, hoa vô tính, lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng, màu hoa phụ thuộc vào độ pH của thổ nhưỡng, ưa bóng râm ẩm thấp. Tất cả bộ phân của cây chứa độc tố có thể gây ngộ độc ở người khi ăn phải.
Nếu đất có độ pH nhỏ hơn 7 (đất chua) sẽ cho hoa màu lam, nếu đất có độ pH là 7 thì cây cho hoa màu trắng sữa, nếu đất có độ pH lớn hơn 7 cây cho hoa màu hồng hoặc màu tím nên có thể diều chỉnh màu hoa thông qua việc điều chỉnh độ pH của đất trồng.
Muốn hoa có màu lam vào mùa hè thu bón dung dịch clorua sắt hay có thể chôn vài cây đinh gỉ vào gốc cây hoặc cũng có thể trôn vào đất một ít clorua nhôm , clorua magie. Muốn hoa có màu hồng có thể bón vào đất một ít vôi bột.
Hoa Hồng
Hoa Hồng là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae, với hơn 100 loài với màu hoa đa dạng, phân bố từ miền ôn đới đến nhiệt đới. Đa phần có nguồn gốc bản địa châu Á, số ít còn lại có nguồn gốc bản địa châu Âu, Bắc Mỹ, và Tây Bắc Phi. Các loài bản địa, giống cây trồng và cây lai ghép đều được trồng làm cảnh và lấy hương thơm. Đôi khi các loài này được gọi theo tiếng Trung là Tường vi.
Đây là các cây bụi mọc đứng hoặc mọc leo, thân và cành có gai. Lá kép lông chim lẻ, lá chét khía răng, có lá kèm. Hoa thơm, màu sắc đa dạng: hồng, trắng, vàng hay đỏ... Hoa thường có nhiều cánh do nhị đực biến thành. Đế hoa hình chén.
Hoa Bất tử
Hoa bất tử, hay còn gọi là cúc bất tuyệt, là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Tại Việt Nam được trồng phổ biến ở Đà Lạt, và tại đây nó được coi là biểu tượng cho tình yêu bất diệt. Hoa bất tử thường được các bạn trẻ tặng nhau để thể hiện tình yêu của mình. Những bông hoa bất tử nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc tuy bông hoa những cánh hoa đã chết song nó vẫn giữ được màu sắc ban đầu của mình chính vì điều ấy bất tử được thể hiện như minh chứng của tình yêu vĩnh cửu.
Hoa Lưu ly
Chi Lưu ly là tên gọi của một chi thực vật có danh pháp khoa học là Myosotis trong một họ thực vật có hoa là họ Mồ hôi (Boraginaceae - lấy theo tên cây mồ hôi Borago officinalis), tuy nhiên trong các văn bản về thực vật bằng tiếng Việt gọi nó là họ Vòi voi nhiều hơn, lấy theo tên loài vòi voi là Heliotropium indicum).Có khoảng 50 loài lưu ly trong chi này.
Trong một số ngôn ngữ, tên gọi của hoa lưu ly có nghĩa "xin đừng quên tôi". Tên tiếng Anh "Forget me not" được mượn từ tên tiếng Pháp cổ là "Ne m’oubliez pas" và được dùng lần đầu tiên vào khoảng năm 1532.
Vào thế kỷ 15 ở Đức, người ta cho rằng những người mang theo hoa này sẽ không bao giờ bị người tình quên lãng.
Hoa Đồng tiền
Chi hoa đồng tiền hay cúc đồng tiền (Gerbera) là một chi của một số loài cây cảnh trong họ Cúc (Asteraceae).
Chi này có khoảng 30-100 loài sống hoang dã, phân bổ ở Nam Mỹ, châu Phi đại lục, Madagascar và vùng nhiệt đới châu Á. Miêu tả khoa học đầu tiên về chi Gerbera đã được J.D. Hooker thực hiện trong tạp chí thực vật Curtis năm 1889 khi ông miêu tả Gerbera jamesonii, một loài ở Nam Phi được biết dưới tên gọi cúc Transvaal hay cúc Barberton.
Bông cúc Gerbera Daisy thuộc loài Gerbera jamesonii là một trong số các loại cây được trung tâm không gian NASA sử dụng trong quá trình nghiên cứu làm trong sạch không khí. Nó có khả năng lọc các chất khí độc Trichloroethylene và Benzene rất hiệu quả.
Hoa Mimosa
Mimosa có tên khoa học là Acacia Podalyriaefolia Cunn Mimosaceae, nguồn gốc từ Australia. Hoa tượng trưng cho tình yêu thầm kín và vẻ đẹp khiêm nhường. Mimosa không đẹp rực rỡ như các loài hoa khác nhưng có sắc vàng quyến rũ đến nao lòng. Vốn chỉ là một loài cây hoang dã, mọc ở rừng hoặc ven đường nên hoa phải chịu kiếp hoa dại, không bao giờ được trồng trong vườn nhà.
Tại Việt Nam, Mimosa bạt ngàn trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt và gần như trở thành loài hoa biểu trưng cho Đà Lạt. Nhiều bài thơ, bài ca đã được các nghệ sỹ sáng tác để ca ngợi loài hoa này
Hoa Đỗ quyên
Theo các nhà khoa học nghiên cứu về thực vật dân tộc học và dược học thì Đỗ Quyên là một trong những loài cây đa tác dụng, có giá trị nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Đa số các loài trong nhóm cho hoa rất đẹp, có thân cây thấp nhỏ bé có thể làm cảnh như Đỗ Quyên Răng Nhỏ, Đỗ Quyên Mao Ngựa, Đỗ Quyên Hồng, Đỗ Quyên Lõm, Đỗ Quyên Loa Kèn Lớn… Một số loài khác lại có thể dùng chữa bệnh như Đỗ Quyên Mũi, Đỗ Quyên Trên Đá… Một số loài Đỗ Quyên mộc cao khoảng 8 đến 14m, ra hoa đẹp, cành lá xum xuê xanh tốt quanh năm.
Sau Tết Âm lịch là dịp để các loài Đỗ Quyên đua nhau khoe sắc, rực rỡ đủ các màu, từ đỏ ối, đỏ nhạt, đến tím đậm, tím nhạt, rồi nhạt dần, nhạt dần về đến trắng, Đỗ Quyên Lưu Huỳnh còn có màu vàng nhạt rất đài các. Có một mùa phụ nữa vào giữa hè, những loài Đỗ Quyên lá to thường cho hoa vào thời điểm này. Kỳ ra hoa thường dài vài ba tháng, sau khi hoa tàn khoảng bốn năm tháng thì kết trái.
Hoa Păng xê
Loài hoa mà ngày nay chúng ta biết đến với cái tên Păng xê - mệnh danh là "khuôn mặt của thiên thần" - có nguồn gốc từ hoa Violet 3 màu. Vào năm 1810, ông T.Thompson lai tạo Viola lutea với Viola altaica và tạo ra loài hoa này.
Hoa Păng xê có rất nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là ở Đà Lạt với rất nhiều màu sắc rực rỡ. Từ rất lâu rồi người ta đã cho rằng, hoa Păng xê có một mối liên hệ đặc biệt với Tình yêu. Thiên thần Punk - Thiên thần hoa Păng xê có khả năng dùng thứ dung dịch chiết xuất từ những gì tinh túy nhất của bông hoa để làm cho một người yêu say đắm sinh vật sống đầu tiên mà họ gặp.
Hoa Thạch thảo
Hoa Thạch thảo (Aster amellus L) thuộc họ Cúc (Asteraceae). Tại Việt Nam, người miền Nam hay gọi là Cúc Sao, Cúc Cánh mối, người Bắc gọi là Thạch thảo.
Thạch thảo hay mọc thành bụi, nhiều bông với cánh nhỏ xíu xoè rộng ra. Hoa Thạch thảo có ba màu chính: tím, hồng, trắng. Thạch thảo có nguồn gốc từ nước Ý, ngày nay được lai tạo thêm thành loại hoa cánh kép rất đẹp. Tại châu Âu, Thạch thảo tượng trưng cho tình yêu và vẻ đẹp mềm mại, thanh tú, nữ tính. Đôi khi Thạch thảo cũng tượng trưng cho sự chính chắn vì nó thường nở vào cuối Thu, khi mà đa số các loại hoa khác đã tàn.
Hoa Thiên điểu
Hoa Thiên Điểu do không có nhánh, thân thẳng và cứng cáp nên thường được sử dụng cho các bình hoa lớn và đặc biệt thích hợp làm hoa tặng cho phái nam vì nét mạnh mẽ của nó.
Hoa Thiên điểu hay hoa Chim thiên đường (Strelitzia reginae – bird of paradise) là một loại cây thân thảo sống nhiều năm, thuộc chi Thiên điểu Chuối rẻ quạt. Cây này có nguồn gốc từ các nước miền nam châu Phi và châu Mỹ. Tên khoa học của nó là để tưởng nhớ tới Charlotte của Mecklenburg-Strelitz, hoàng hậu của vua George III của Anh.
Phượng tím
Phượng tím (Jacaranda mimosifolia), thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae) bao gồm các loài chùm ớt, núc nác, đào tiên...
Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từ lâu đã được du nhập vào Ấn Độ, Nê-Pal..., tức thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây này đã được du nhập vào Đà Lạt từ những năm đầu thập kỷ 1970.
Cây thường được trồng làm cây cảnh ven đường và trong các công viên, nhưng tác dụng cho bóng mát kém vì tán lá quá thưa thớt. Riêng trong công viên, vì không phải quét dọn mỗi ngày như trên đường phố, sau vài ngày hoa rụng trên mặt đất sẽ có một thảm hoa màu tím khá bắt mắt.
Mai Anh đào
Cây Mai Anh đào Đà Lạt có tên là prunus cerasoides, có hoa đơn năm cánh giống như hoa mai. Cây Mai anh đào mang đặc tính của thực vật miền ôn đới, đến mùa thu cây trút lá và bước vào thời kỳ nghỉ đông, cây chỉ còn trơ lại những cành hoa anh đào. Năm 1964, Đà Lạt được du nhập thêm giống hoa Anh đào Nhật Bản trồng ở ven hồ Xuân Hương nhưng vì nhiệt độ chưa đủ lạnh, độ ẩm còn thấp, thiếu sương mù nên không sống nổi.
Mai Anh đào là loại hoa mọc hoang trong rừng, từ đầu thế kỷ 20 được đem về trồng ở Đà Lạt. Từ đó đến nay, hàng năm cứ vào độ gần Tết, hoa lại nở rộ báo hiệu xuân sang và một năm mới sắp về.
Tất nhiên, ở Đà Lạt, còn vô vàn các loại hoa đẹp và nổi tiếng.
-
Hà Lê