- Bộ KH&CN đang kỷ niệm 50 thành lập, giới khoa học Việt Nam lại nhớ đến Giáo sư Tạ Quang Bửu, một nhà lãnh đạo chủ chốt từ thưở mới thành lập với tên gọi Ủy ban Khoa học Nhà nước. Và đặc biệt tưởng nhớ, kính trọng vị "trưởng lão" có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ trí thức nước ta.
GS sinh ngày 23/7/1910 ở xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cùng quê với Bác Hồ và nhà ái quốc Phan Bội Châu. Ông qua đời tại Hà Nội ngày 21/6/1986. Năm 2010 này, sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Dù thời gian qua đã có rất nhiều bài viết về sự thông minh hiếm có, đặc biệt trong lĩnh vực toán học và đức tính ham học hỏi, học cốt lấy kiến thức, không lấy bằng cấp, danh lợi của GS Tạ Quang Bửu. Đây là dịp để mọi người nhìn lại những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng thời rút được những bài học quý báu từ một tài năng lớn, một nhân cách lớn.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài, sôi nổi của GS Tạ Quang Bửu, ngoại trừ một thời gian ngắn tham gia trên lĩnh vực ngoại giao (tại hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau 1946; đại diện phía Việt Nam ký với Pháp hiệp định ngừng bắn tại Geneve tháng 7/1954), còn lại đều ở lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.
|
GS. Tạ Quang Bửu (1910-1986) |
Trong kháng chiến chống Pháp ông là Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách về hậu cần, vũ khí, khí tài cho quân đội. Hoà bình lập lại trên miền Bắc, ông giữ trọng trách Phó Chủ nhiệm, kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học nhà nước (Chủ nhiệm là đồng chí Trường Chinh) tiền thân của Bộ Khoa học - Công nghệ ngày nay, sau đó là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi 11 năm liên tục (1965-1976), là Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp (ĐH và THCN). Dù trên cương vị nào, ông đều nhắm tới mục đích lấy những tiến bộ của khoa học - công nghệ phục vụ thiết thực cho chiến đấu, sản xuất và đời sống.
Thời kháng chiến chống Pháp, từ những tài liệu nước ngoài về tính năng, tác dụng của các loại máy bay địch, ông đã nhạy bén chỉ đạo việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dùng súng trường tập trung bắn máy bay, đầu năm 1947 trên bầu trời Bắc Kạn đã hạ một chiếc Junker 52, đây là chiếc máy bay đầu tiên, mở đầu cho hàng nghìn máy bay hiện đại của Pháp, rồi Mỹ bị quân dân ta bắn cháy trong suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc.
Trong những năm tháng gian khó ở chiến khu Việt Bắc, ông vẫn dành thời gian quý báu tự tay viết những sách phổ biến khoa học, như “Sống”, “Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến”… làm tài liệu nâng cao kiến thức cho cán bộ ta trong thời kỳ vô cùng hiếm hoi tài liệu tham khảo. Câu nổi tiếng của ông cũng rút ra từ đây: “Điều cốt yếu không phải là sống là gì? Điều cốt yếu là làm gì trong lúc sống!”
|
Tại hội nghị Geneve ngày 21/7/1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháp. |
Thời chống Mỹ cứu nước, ông có vai trò nổi bật trong việc chống lại cuộc chiến tranh điện tử hiện đại của quân đội Mỹ. Mùa hè nóng bỏng 1972, Tổng thống Nixon ra lệnh ném bom trở lại và phong toả bằng thuỷ lôi các cảng ở miền Bắc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS Tạ Quang Bửu tổ GK được thành lập có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế khí tài phá thuỷ lôi và bom từ trường. Chỉ một thời gian ngắn các nhà khoa học kỹ thuật VN đã đưa ra chiến trường một loại khí tài đặc biệt, góp phần quan trọng làm thất bại sự phong toả bằng thuỷ lôi và bom từ trường. Và sau này, đề tài của nhóm GK đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.
Nói đến những hoạt động của GS Tạ Quang Bửu, không thể không kể đến việc bằng ảnh hưởng, uy tín và sự nhạy bén của mình, ông đã thu hút được nhiều nhà khoa học lớn của thế giới đến trao đổi thông tin và góp phần đào tạo những nhà khoa học trẻ Việt Nam. Có thể kể tên những nhà toán học quốc tế đứng đầu những trường phái mới như: Mikusinski (Ba Lan); A.Grothendieck; L.Schwartz (Pháp); N.Chomski (Mỹ)…
Là một nhà giáo dục lớn, trong tư cách Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông luôn quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao trình độ thầy giáo.Trong bối cảnh ngành này còn có nhiều điều bất cập, người ta lại nhớ đến ông với nhãn quan nhìn xa trông rộng. Giữa lúc cuộc kháng chiến đang trong giai đoạn gay go ác liệt, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã nghĩ đến thành lập một tổ nghiên cứu những vấn phát triển giáo dục lâu dài (nay thường gọi là chiến lược giáo dục), đặt một tên quy ước là “Tổ số 0”, được coi là tiền thân của Viện Nghiên cứu ĐH và THCN thành lập sau đó 7 năm, nay là Viện Chiến lược và chương trình giáo dục thuộc Bộ GD và ĐT.
|
Cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Viện Toán học (1986) |
Một quan điểm của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ngay từ buổi đầu thành lập Bộ ĐH và THCN là: giảng dạy ở bậc đại học thực chất là nghiên cứu khoa học, người thầy không chỉ truyền đạt một cách có hệ thống những kiến thức đã có sẵn, mà phải cố gắng trình bày những cái mới, chưa có, nghĩa là phải suy nghĩ và sáng tạo không ngừng; đó cũng là một cách tiếp sức cho thế hệ sau.
|
Cùng vợ chồng GS L.Schwartz (giải thưởng Fiels) thăm hang Pác Bó, Cao Bằng (1978). |
Chính bản thân Bộ trưởng là tấm gương sáng cho sự học không biết chán ấy. Bất cứ lúc nào có thể là thấy ông cầm quyển sách trên tay để đọc, dù ở cương vị bộ trưởng rất bận rộn, nhưng hễ có ngày nghỉ là ông tranh thủ đến thư viện đọc sách. Khoảng đầu năm 1965, Bộ trưởng về tận khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đang đi sơ tán ở vùng miền núi để góp ý, cần mở khoa Hán Nôm. Ông bảo, chúng ta hiện có kho sách Hán Nôm lớn, lại có truyền thống Hán học hàng nghìn năm, đây không chỉ là từ ngữ mà còn là tâm hồn, tâm linh của người Việt, đến lúc này mới đặt ra cũng là muộn đấy. Tiếc là sau đó đề án bị lãng quên một thời gian dài, phải mãi sau nhiều năm mới có bộ môn này.
GS Tạ Quang Bửu có công lao lớn trong việc tập hợp và đào tạo nhiều thế hệ các nhà khoa học Việt Nam. Người viết bài này do công việc làm báo, có dịp gặp gỡ nhiều cán bộ khoa học đầu ngành ở nước ta và nhận thấy hầu hết trong số họ đều có những kỷ niệm rất đáng nhớ với bậc “trưởng lão” của ngành Giáo dục - Đào tạo Việt Nam ngày đó.
GS.TSKH Ngô Việt Trung không phải là trường hợp cá biệt. Ông năm nay 58 tuổi, là Viện trưởng Viện Toán học, được nhiều đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá là một trong các chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực “đại số giao hoán”. Hồi học phổ thông Ngô Việt Trung có năng khiếu trội bật về toán, năm 1969 đoạt giải nhất thi toán toàn miền Bắc. Nhưng anh bị di chứng của bệnh bại liệt từ bé, một chân đi lại rất khó khăn. Đến khi xét tuyển đi học nước ngoài anh bị loại do yếu sức khoẻ. Ngày đó trước khi đi du học cũng phải thi và do chính Bộ trưởng ĐH và THCN ra đề, Ngô Việt Trung lại làm bài xuất sắc, đỗ đầu. Thấy không có tên cậu học sinh giỏi ấy trong số được chọn, GS Bộ trưởng hỏi và biết chuyện, liền can thiệp, nhưng Trung không kịp đi Liên Xô đợt ấy. Vừa đúng dịp có đoàn của Bộ ĐH nước CHDC Đức sang thăm, GS Bửu lại gặp và nói chuyện về Trung với ông thứ trưởng, trưởng đoàn Đức, thế là anh được nhận sang Đông Đức học. Giờ đây câu chuyện đã lùi xa hơn 40 năm, GS Ngô Việt Trung nói: “Tôi là người chịu ơn bác Bửu rất nhiều. Nếu không có bác giúp đỡ thì chưa chắc tôi đã theo được nghiệp toán”.
Một nhà văn nổi tiếng người Nga Leonov Leonit (bộ tiểu thuyết “Rừng Nga” của ông đã dịch ra tiếng Việt được độc giả nước ta yêu thích), từng nói về văn hào lớn Maxim Gorky: “Thế hệ chúng tôi đều đi ra từ ống tay áo rộng rãi của ông”. Cũng có thể nói như thế về ảnh hưởng của GS Tạ Quang Bửu đến nhiều thế hệ trí thức nước ta.
Giáo sư Tạ Quang Bửu, trong sự nghiệp giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước, đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó bằng tấm lòng trong sáng, tận tuỵ, thuỷ chung và bằng tài năng, sức lực của một nhà khoa học có tầm và có tâm.