Quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc 10:25, Thứ Ba, 08/12/2009 (GMT+7)
Người ta đang chứng kiến nạn hạn hán trải ra trên những miền đất đai rộng lớn ở châu Phi, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Điều này đang nhắc nhở chúng ta rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vào năm 2007 và 2008 vẫn chưa xa xôi gì. Năm 2008, giá lương thực có hạ đi so với thời kỳ ở đỉnh điểm, nhưng vẫn là cao nhất trong lịch sử và dường như đang có dấu hiệu cao trở lại.
Biến đổi khí hậu – Hạn hán – Đói ăn và suy dinh dưỡng: Ba mắt xích của một dây chuyền. |
Những thách thức của an ninh lương thực toàn cầu thể hiện qua việc gia tăng dân số, kèm theo việc tăng nhu cầu lương thực thực phẩm. Theo dự báo, dân số thế giới tăng từ 6,8 tỷ hiện nay lên 9,1 tỷ vào năm 2050, mà đa số xảy ra ở những nước đang phát triển. Số dân tăng như vậy đòi hỏi lượng lương thực nói chung tăng 70%, song tại các nước đang phát triển phải tăng gấp đôi.
Gánh nặng khổng lồ của việc nuôi một số dân toàn cầu đang tăng nhanh như vậy càng trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất lương thực. Những nghiên cứu mới đây đã vẽ ra một bức tranh đáng buồn. Tại Đông và Nam Á, việc thay đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chế độ mưa, tăng tần suất hạn hán và nhiệt độ trung bình, đe dọa nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại vùng châu Phi cận Sahara, theo dự báo, chỉ đến năm 2020 lượng mưa sẽ giảm một nửa.
Biến đổi khí hậu có thể làm sản lượng nông sản phẩm tổn thất đến 50%. Nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, khiến số người bị thiếu đói và suy dinh dưỡng tăng vọt. Những dự báo mới đây cho rằng vào năm 2020 sẽ có khoảng 60 triệu người có nguy cơ bị đói.
Cộng đồng quốc tế đang phải đương đầu với thách thức to lớn này, nhằm vào những nước có thu nhập thấp để tăng sản lượng nông sản phẩm cho họ. Những cố gắng đó tập trung vào 500 triệu tiểu nông trên toàn thế giới, hiện làm ra một lượng lương thực nuôi sống khoảng 2 tỷ người. Nếu dựa vào các công nghệ tiên tiến để tăng năng suất của nông nghiệp thì không những bảo đảm được nhu cầu và dinh dưỡng cho họ mà còn cho cả hàng triệu người phụ thuộc vào họ
Những sáng kiến bảo đảm an ninh lương thực phải kèm theo những biện pháp cụ thể để giới hạn việc biến đổi khí hậu, là một trong những vấn đề sẽ được đề cập đến tại hội nghị đang họp tại Copenhagen.
Hội nghị chẳng những nhằm đạt được một hiệp định để cắt giảm khí thải mà còn làm cho mọi người nhận thức được mối liên quan chặt chẽ và độc đáo giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Những nguy cơ mất an ninh lương thực là đòi hỏi cấp bách để chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
-
Bảo Châu (Theo Copenhagen Official Site)
,