Bạn sẽ hâm nóng trà/cà phê nguội để uống hay sẽ pha mới? Nếu là người trách nhiệm với môi trường, hãy chọn giải pháp hâm nóng. Theo Tổ chức giám sát chất thải Chính phủ Anh, WRAP cho biết lựa chọn này có thể cắt giảm khí thải CO2.
Chúng ta thải ra 600 triệu tấn CO2 mỗi năm. Trung bình mỗi người Anh thải ra 10 tấn/năm, người Mĩ là 20 tấn/năm, Pháp 7 tấn/năm và các nước đang phát triển từ 6 – 7 tấn/năm.
Ngày nay, mọi hoạt động con người đều góp phần gia tăng lượng khí thải CO2. Ý thức cắt giảm khí thải phải xuất phát từ mỗi cá nhân, vậy chúng ta nên làm gì? Hãy cùng tìm lời giải cho những câu hỏi hóc búa về giải pháp cắt giảm CO2 sau đây:
Hâm nóng cà phê/trà liệu có tốt hơn?
Theo WRAP, pha một tách cà phê sữa thải ra 150g CO2 – tương đương khí thải của một chiếc xe hơi nhỏ chạy 1,6km.
Tuy nhiên hâm nóng một tách cà phê đến 700C bằng lò vi sóng chỉ thải khoảng 30g CO2 do tiêu thụ điện năng.
Có nên nhập khẩu lương thực?
Chúng ta thường nghĩ rằng mua sản phẩm địa phương sẽ cắt giảm khí thải do vận chuyển lương thực từ nước ngoài vào. Tuy nhiên một vài nghiên cứu đã đặt ngược vấn đề này.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Mellon Carnegie ở Pittsburgh, lượng CO2 thải ra do nhập khẩu lương thực chỉ chiếm một lượng nhỏ so với tổng lượng CO2 thải ra do trồng lương thực.
Ví dụ, sản xuất lương thực ở Anh (canh tác chuyên sâu, sử dụng nhiều nhiên liệu, phân bón…) sẽ thải ra nhiều CO2 hơn ở những nước có khí hậu nắng ấm (canh tác ít chuyên sâu hơn).
Một nghiên cứu vào năm 2007 của Đại học Cranfield cho thấy lượng CO2 khi trồng hoa ở Kenya và chở nó sang Anh chỉ bằng 1/6 lượng CO2 khi trồng hoa ở Hà Lan.
Mức thu nhập thấp và tình trạng thất nghiệp ở các nước nghèo cũng cho thấy không nhập lương thực do các nước này sản xuất không phải là giải pháp hay.
Có thể cắm sẵn các thiết bị sạc pin?
Ảnh hưởng của việc cắm sẵn đầu sạc pin hay để TV ở chế độ standby có lẽ đã bị cường điệu hóa. Nếu bạn cứ cắm sạc điện thoại dù không dùng thì trong một năm, khí thải CO2 cũng chỉ tương đương một lần tắm bồn nước nóng.
Xem TV màn hình LCD 6h/ngày sẽ tạo ra 200g CO2 trong một năm, nếu để chế độ standby lúc không xem thì lượng CO2 tăng thêm 5kg. Nếu là TV đời cũ để standby thì lượng thải CO2 tăng thêm 10kg.
Xe đạp thật sự tốt cho môi trường?
Xe đạp có lẽ chính là cỗ máy hiệu quả nhất từng được phát minh. Sản xuất một chiếc xe nhôm loại nhẹ có trọng lượng 12kg tạo ra 50–60kg CO2, con số này sẽ ít hơn nếu khung xe được làm bằng thép hoặc kim loại tái sử dụng.
Quan trọng hơn, chạy xe đạp không tạo ra CO2, nếu không kể CO2 do người lái xe thở ra. Trong khi đó nếu chạy xe tiêu thụ xăng dầu, lượng CO2 thải ra sẽ ngang bằng với lượng CO2 do trồng lương thực.
Nên lau bằng khăn tắm hay sấy khô người?
Ảnh hưởng môi trường giữa việc tiêu thụ điện năng máy sấy và việc giặt sấy khăn tắm là một vấn đề gây tranh cãi lâu nay.
Đại học Melborne đã tiến hành các cuộc kiểm tra để có thể trả lời cho vấn đề này. Nghiên cứu đã tính toán mọi hao phí môi trường của việc dùng kim loại và nhựa để chế tạo máy sấy và hao phí của việc sản xuất khăn bông từ sợi bông, điện năng… Kết quả cho thấy máy sấy tạo ra lượng CO2 chỉ bằng ½ so với khăn bông, vì vậy nó ít ảnh hưởng đến môi trường hơn.
Có nên mua xe vừa chạy xăng, vừa chạy điện?
Nếu bạn quan tâm đến việc cắt giảm CO2 thì câu trả lời có lẽ là không nên.
Hầu hết những chiếc xe vừa chạy xăng, vừa chạy điện như Toyota Prius và Honda Insight đưa ra những con số ấn tượng về hạn chế CO2, khoảng 110g/km.
Tuy nhiên chúng không thật sự tốt cho môi trường bởi vì ảnh hưởng môi trường trong việc tạo ra loại ắc quy đủ lớn, trong khi tuổi thọ của nó chỉ có vài năm.
Vì vậy nên bạn quan tâm vấn đề CO2, chỉ cần mua một chiếc xe nhỏ gọn, tiết kiệm và học cách lái xe một cách trơn tru, hiệu quả.
Nên tắm bồn hay tắm vòi?
Câu trả lời phụ thuộc vào loại vòi sen bạn dùng, thời gian bạn tắm và nhiệt độ nước tắm.
Với đa số, dùng vòi sen tốn ít nước vì vậy tốn ít năng lượng làm nóng so với tắm bồn. Tuy nhiên với những ai dùng vòi sen có tốc độ nước chảy cao và tắm lâu hơn 5’ thì tốt hơn nên tắm bồn.
-
Chi Giao (theo Dailymail)