Khủng long bạo chúa có thể chết vì bệnh viêm họng
Cập nhật lúc 16:14, Thứ Năm, 08/10/2009 (GMT+7)
Nghiên cứu mới cho rằng, một loài ký sinh trùng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng khó nuốt ở loài khủng long bạo chúa và khiến cho loài động vật này chết đói.
Sue, con khủng long bạo chúa lớn nhất thế giới, có thể đã chết vì một loài ký sinh nhỏ bé. |
Những người say mê loài khủng long bạo chúa hiện đang cảm thấy khá thất vọng trước những phát hiện mới cho thấy Sue, con khủng long bạo chúa nổi tiếng nhất thế giới, đã không chết vì đánh nhau với những con khủng long khác, mà vì một lý do lãng xẹt hơn nhiều: Bệnh viêm họng.
Sue là con khủng long bạo chúa lớn nhất từng được tìm thấy, nó dài tới 13m và nặng khoảng 7 tấn. Năm 1997, bộ xương hóa thạch của Sue được đem ra đấu giá và được bán với giá 8,4 triệu USD. Hiện nó đang được trưng bày tại bảo tàng Field, Chicago, Mỹ.
Các nhà khoa học đã từng cho rằng con vật 65 triệu năm tuổi này chết do đánh nhau với những con khủng long khác sau khi phát hiện ra trên người Sue có 3 chiếc xương sườn bị gãy, một vết thương trên vai và nhiều chỗ bị bong gân. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy, lý do cái chết của nó có vẻ tầm thường hơn nhiều.
Giáo sư Ewan Wolff cùng nhóm nghiên cứu của ông, thuộc Trường Đại học Wisconsin, Madison, Mỹ, đã phát hiện ra những lỗ thủng ở quai hàm của Sue. Họ cho rằng những lỗ thủng là kết quả trận chiến giữa Sue và một con khủng long khác.
Bệnh Trichomonosis ở một con cú. |
“Trước đây, mọi người thường cho rằng các lỗ thủng này là kết quả của bệnh sâu răng. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi cho rằng bệnh trichomonosis mới là nguyên nhân thực sự của những lỗ thủng này” – Giáo sư Wolff nói.
Theo bản báo cáo được công bố trên Thời báo Thư viện Khoa học, có thể sau khi mắc bệnh, Sue cảm thấy ngày càng khó khăn trong việc nuốt thức ăn hơn và cuối cùng là bị chết đói.
Căn bệnh Trichomonosis có thể tìm thấy trên các loài chim hiện nay, bệnh này có thể lây lan qua đường miệng, như khi chim bố mẹ mớm cho chim con ăn hay uống chung nguồn nước nhiễm bệnh. Các nhà khoa học thường xuyên tìm thấy những vết thương trên mặt do bị cắn ở loài khủng long bạo chúa, có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến loài ký sinh trùng này lây lan một cách nhanh chóng.
Steve Salisbury, thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Queensland, nói rằng: “Thật mỉa mai khi nghĩ rằng loài khủng long bạo chúa, kẻ thống trị các khu rừng thời tiền sử và là nỗi kinh hoàng với bất kỳ loài vật nào khi đó, lại chết vì một căn bệnh ký sinh”.
-
Trịnh Vũ (Theo Guardian)
,