Hawaii đã được chọn làm địa điểm để xây dựng kính thiên văn lớn nhất thế giới, cho phép các nhà khoa học nhìn tới khoảng cách 13 tỉ năm ánh sáng và hình dung lại hình ảnh những năm đầu vũ trụ đang hình thành.
Hình ảnh dự kiến của kính thiên văn TMT - Nguồn: Physorg |
Gương của kính thiên văn Thirty Meters Telecope (TMT) sẽ có đường kính khoảng 100 feet (30,48m), tương đương với sải cánh của một chiếc Boeing 737. Đường kính rộng như vậy nhằm giúp tích tụ được chùm tia sáng yếu ớt phát đi 13 tỉ năm trước nay mới tới được Trái Đất. Điều này có nghĩa là các nhà thiên văn học, khi nhìn vào kính thiên văn này, sẽ thấy được hình ảnh của những ngôi sao đầu tiên và sự hình thành những thiên hà ở thời điểm khoảng 400 triệu năm sau vụ nổ lớn Big Bang.
Nói cách khác, “Nó sẽ phần nào tiết lộ cho chúng ta biết về lịch sử hình thành vũ trụ”, như nhận định của Charls Blue, người phát ngôn của tập đoàn Thirty Meter Telescope Observatory.
Dự kiến kính thiên văn TMT sẽ được hoàn thành vào năm 2018, có vị trí gần ngọn núi lửa Mauna Kea đã ngưng hoạt động. Ngọn núi lửa này cao tới 13.796 bộ (khoảng 4.205m), giúp quan sát bầu trời sáng rõ những 300 ngày trong một năm.
Vị trí biệt lập ở giữa Thái Bình Dương làm cho Hawaii ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm không khí. Mặt khác, trên đảo này chỉ có vài thành phố nên không có nhiều ánh sáng nhân tạo cản trở công việc quan sát bầu trời.
Cùng với Hawaii, đỉnh Cerro Armazones ở Chile cũng được đưa vào danh sách vị trí có thể xây dựng kính thiên văn này. Nhưng theo Richard Ellis, giáo sư thiên văn học của Học viện Công nghệ California đồng thời là thành viên của dự án kính thiên văn TMT, thì Mauna Kea ở vị trí cao hơn so với mực nước biển, không khí ở đây lại khô hơn và nhiệt độ cũng ít dao động hơn. Đây là những nhân tố thuận lợi để sử dụng tốt kính thiên văn.
Kính thiên văn sẽ do ĐH California, Viện Công nghệ California và Hiệp hội Các trường đại học nghiên cứu Thiên văn Canada xây dựng.
Một kính thiên văn lớn nhất thế giới hiện tại, đang hoạt động cũng đặt tại Mauna Kea, nhưng đường kính của nó nhỏ hơn 3 lần so với kính thiên văn TMT. Kính thiên văn này cũng không cho phép quan sát thường xuyên những hành tinh đang quay xung quanh những ngôi sao gần Trái Đất – một khả năng mà kính thiên văn TMT có thể làm được.
Tuy vậy, danh hiệu kính thiên văn lớn nhất thế giới của chính TMT cũng không giữ được lâu. Bởi một đối tác khác, các nước Châu Âu, dự định sẽ xây dựng một kính thiên văn cực kỳ lớn với đường kính gương 138 feet (42m). Nhóm xây dựng kính thiên văn này đang khảo sát vị trí xây dựng tại Argentina, Chile, Morocco và Tây Ban Nha. Địa điểm xây dựng sẽ được chốt lại vào năm sau và dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Một nhóm các trường ĐH khác cũng dự định hoàn thành một kính thiên văn nhỏ hơn với gương 80 feet (24,38m) vào năm 2018 tại Las Campanas, Chile.
Rolf Kudritzki, Giám đốc Viện Thiên văn học, ĐH Hawaii cho biết, vị trí ở Bắc bán cầu của Hawaii sẽ giúp kính thiên văn 30m TMT bổ trợ cho những kính thiên văn học khác ở Nam bán cầu. Và “tất cả các nhà thiên văn trên thế giới sẽ rất vui mừng bởi trên nguyên lý 2 kính thiên văn lớn nhất hiện nay sẽ cho phép quan sát bao quát hết bầu trời”, Kudritzi nói.
Tuy vậy, quyết định xây dựng kính thiên văn TMT cũng vẫn vấp phải sự phản đối của người dân Hawaii bản địa và các nhóm môi trường.
Với truyền thống của người bản địa Hawaii, những đỉnh núi cao là nơi linh thiêng, bất khả xâm phạm và là những cánh cổng vào thiên đường. Trước đây, chỉ những tù trưởng và những thầy tế mới được đặt chân đến đỉnh Mauna Kea. Ngọn núi này cũng là nơi chôn cất người chết.
Còn các nhà bảo vệ môi trường phản đối việc xây dựng TMT, bởi sự e ngại nó có thể gây tổn hại đến những loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
-
Vũ Thủy, Hùng Cường (Theo Physorg)