221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1216646
Ngập do biến đổi khí hậu và đô thị hóa
1
Article
null
Ngập do biến đổi khí hậu và đô thị hóa
,

 - VN là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Ngập lụt ngày càng tăng bởi ở các đô thị lớn việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với tốc độ phát triển.

Nhận định đó được nhấn mạnh ở hội thảo khoa học quốc tế về tác động biến đổi khí hậu đến sự ngập lụt đô thị, diễn ra ngày 24 và 25/6, do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam và Hội Nghiên cứu thủy lực quốc tế tổ chức đã thu hút hàng trăm đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia. 

Ngập lụt ở TP.HCM. Ảnh: V.Giang

Các chuyên gia, đại biểu đều quan ngại vì VN là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó một trong những tác động, biểu hiện là ngập lụt ngày càng tăng nhưng ở các đô thị lớn việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thoát nước vẫn chưa đồng bộ với tốc độ phát triển

Ngập lụt, nắng nóng ngày càng tăng

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết: Ứng phó với BĐKH có tính chất cấp thiết và sống còn của Việt Nam. VN là một trong 5 nước chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH trên toàn cầu.
Khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 0,7°C; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ đến nước ta mà điển hình là làm cho các thiên tai, đặc biệt bão lũ, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Dự tính tới năm 2100, mực nước biển sẽ tăng lên tới 1m, nhiệt độ tăng khoảng 3°C. Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết thêm, nhiệt độ TP.HCM những năm qua tăng 2°C. 

Các chuyên gia tại hội thảo trăn trở với bài toán ngập nước đô thị. Ảnh: V.Giang

Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40 ngàn km² đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm.

Theo Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM, mực nước biển đo được ở Vũng Tàu đã tăng khoảng 0,8cm/năm, còn mực nước các sông, kênh của TPHCM đo được ở Phú An tăng đến 1,5cm/năm. Những cơn mưa lớn ngày một dày đặc hơn với vũ lượng trung bình năm sau cao hơn năm trước khoảng 0,8mm.

Nếu trước đây cứ 5 năm mới có những cơn mưa có vũ lượng trên 100mm thì nay chỉ 3 năm đã thấy xuất hiện. Còn những cơn mưa có vũ lượng khoảng 100mm thì năm nào cũng xuất hiện. Đặc biệt, vào đầu mùa mưa năm nay trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện cơn mưa hiếm thấy với lượng mưa 117mm.

Nếu như năm 1990, TP.HCM chỉ có 10 điểm ngập thì đến năm 2003, số điểm ngập đã tăng lên 80 điểm và hiện là 100 điểm ngập.Th.s Hoàng Phi Long, ĐH Bách Khoa dự tính, nếu mức thủy triều đỉnh chỉ cần tăng lên 50cm nữa thì gần như 90% diện tích đất của TPHCM đều bị ngập.

Đô thị hóa… phá môi trường

Nhiều đại biểu cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu gây mưa lớn, ngập lụt ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều nỗ lực chống ngập của TP.HCM không đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều công trình chống ngập của thành phố đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2012 sẽ có nguy cơ trở thành… lạc hậu ngay trong thời điểm hoàn thành.

Không ít ý kiến nhấn mạnh sự thiếu tầm nhìn xa và quá trình đô thị hóa chưa đồng bộ đã tăng nguy cơ ngập lụt. 

San rạch để xây đô thị, tất yếu sẽ ngập! Ảnh: VNN
Cụ thể, khi nói về khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH), TP.HCM, GS.TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học Công nghệ Tài nguyên - Môi trường) cho rằng:"Mặc dù nhìn vào khu đô thị PMH mới xây dựng này thì ai cũng thích, cũng trầm trồ thán phục nhưng người ta phải hiểu rằng, hệ sinh thái đô thị là hệ sinh thái nhân tác, rất mẫn cảm. Hơn nữa, TP HCM là đô thị bán ngập triều, muốn giữ cho một đô thị trên vùng đất ướt như vậy tồn tại thì phải có một khoảng trống làm hệ sinh thái đệm. Như ta đã biết, đây là vùng trũng, thực chất là bồn trũng, mang sứ mệnh của một “hồ điều hòa tự nhiên. Vai trò chống ngập mùa mưa cho cả thành phố chính là chỗ này đây thì lại bị san lấp, xây đô thị mới!"

PGS-TS Trần Thục, đại diện Ban chỉ đạo Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cho rằng bên cạnh nguyên do biến đổi khí hậu, một nguyên nhân gây ngập lụt ở các thành phố lớn còn do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nhưng thiếu sự đầu tư đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thoát nước; sự sụt lún của địa tầng do khai thác nước ngầm quá mức.

Tại TP.HCM, chỉ trong 5 năm lại đây, hàng loạt các nhà cao tầng mọc lên trong khi 5 dự án đầu tư mới, cải tạo lại hệ thống thoát nước với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD vẫn chưa có dự án nào hoạt động. Hơn nữa, cho đến khi dự án này đi vào hoạt động, dự kiến 2015 thì có thể đã lạc hậu so với tình hình thực tế và tình trạng ngập có thể tiếp tục lặp lại.

Ông Nabiul Islam, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học và phát triển Bangladesh nhấn mạnh thêm, cần xây dựng những giải pháp thích nghi, sống chung với ngập lụt vì những tác hại, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi. Viện trưởng Viện Tài nguyên nước ngầm Bồ Đào Nha, ông Lobo-Ferrira, cũng đồng tình, nói, Chính phủ Việt Nam cần phải xác định rõ khu vực sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt và mức độ ngập. Từ đó, thông qua các phương tiện truyền thông đưa ý kiến của các nhà khoa học đến với từng người dân – người trực tiếp tham gia chống biến đổi khí hậu để họ nhận thấy rõ tác hại và những biện pháp thực hiện phòng chống.

  • Thu Hương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,