221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1210478
Về con đường phát triển Điện hạt nhân VN
1
Article
null
Câu chuyện khoa học:
Về con đường phát triển Điện hạt nhân VN
,

 - Việt Nam đang trên lộ trình tiến đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Sự kiện lớn này của đất nước được nhiều người Việt Nam mong đợi và quan tâm. Tiếp tục đưa những ý kiến đa chiều của bạn đọc về đề tài này, VietnamNet giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến của Nhà Vật lý lý thuyết hạt nhân, TS Đào Tiến Khoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cơ bản thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân…

Điện hạt nhân (ĐHN) trong tư cách một nguồn năng lượng quan trọng của tương lai đang thu hút sự quan tâm của thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi cố gắng trình bày một cách khách quan các thông tin tham khảo về ĐHN thế giới nói chung và những suy nghĩ của mình về công cuộc phát triển ĐHN ở nước ta.

Nguồn năng lượng của tương lai

Với sự phát triển kinh tế thế giới hiện nay, nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng đang ngày càng trở nên cấp bách. Tình trạng thiếu hụt điện, nhu cầu xăng dầu tăng nhanh… cho ta thấy rằng các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống đang ngày một cạn kiệt và chắc chắn sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu của kinh tế và đời sống.

Mặt khác, nguồn điện hoá thạch đã được khẳng định là đã và đang phát ra một lượng khí thải khổng lồ vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính (green house effect) làm nóng dần hành tinh, với những hệ quả rất nguy hại đến cuộc sống của loài người (đặc biệt Việt Nam sẽ là một trong những điểm bị ảnh hưởng tồi tệ nhất của hiệu ứng nhà kính).

1/ Tháp làm nguội của NMĐHN Susquehanna ở Pennsylvania, Mỹ (ảnh trái); 2/

NMĐHN Ikata, Nhật bản (ảnh phải, trên); 3/ NMĐHN Shippingport đầu tiên của Mỹ, trên sông Ohio, Pennsylvania, vận hành năm 1957 (ảnh phải, giữa); 4/ Mô hình phối cảnh NMĐHN đầu tiên của VN (ảnh phải, dưới) - Ảnh: Wiki, VTV

Vì những lẽ đó, trên thế giới ngày nay, năng lượng hạt nhân được coi như một trong những giải pháp tất yếu cho nhu cầu năng lượng đang tăng của nhân loại. Điện hạt nhân, với nguồn dự trữ nhiên liệu còn tiềm tàng và với mức phát thải CO2 gần bằng không, có thể xem là một giải pháp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, giữ được một môi trường sống thân thiện và an toàn cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai. 

Hiện nay, các nhà máy ĐHN trên thế giới đang cung cấp hơn 16% toàn bộ lượng điện được sản xuất toàn cầu, đồng thời giúp nhân loại tránh được từ 2,6 đến 3,5 tỷ tấn khí thải CO2 hằng năm.

Hiện tại có hơn 400 nhà máy ĐHN đang được vận hành trên thế giới, trong đó khoảng 90 là ở châu Á (tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...), gần 200 ở châu Âu, phần còn lại chủ yếu tập trung ở Hoa Kỳ.

Trước đây, một số nước ở Tây và Bắc Âu như Bỉ, CHLB Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Ý… đã từng có những phong trào đòi đóng cửa hoàn toàn những cơ sở ĐHN để tránh những nguy cơ rủi ro nguy hiểm của lò phản ứng hạt nhân (LPUHN) thế hệ cũ.

Tuy nhiên, từ 2 năm trở lại đây, những phong trào phản đối trên có khuynh hướng dịu dần, một mặt do giá dầu thô đã có lúc leo thang kỷ lục, mặt khác, việc thay thế những nhà máy ĐHN bằng nhà máy nhiệt điện chạy năng lượng hóa thạch là việc không thể chấp nhận được vì nó chắc chắn sẽ đưa đến vi phạm mục tiêu của EU về giảm lượng khí thải CO2 theo tinh thần của Nghị định Kyoto.

Đồng thời, Hội Vật lý châu Âu EPS (đại diện cho hơn 100 nghìn nhà vật lý đang nghiên cứu, triển khai ứng dụng và giảng dạy Vật lý ở hơn 40 quốc gia châu Âu) đã xuất bản trong năm 2008 một bài báo khuyến cáo quan điểm của EPS về ĐHN như “một lựa chọn năng lượng của tương lai”.

Và trong thực tế, đã bắt đầu thấy những thay đổi sang chiều hướng ủng hộ ĐHN ở các nước vốn muốn từ bỏ dần ĐHN như Thuỵ Điển, CHLB Đức v.v.. Riêng Ý đã từ bỏ luật cấm sử dụng ĐHN để ký với Pháp hiệp định hợp tác xây dựng một số nhà máy ĐHN với LPUHN thế hệ mới. Tương tự như Phần Lan đã khởi động việc xây dựng lò phản ứng tiên tiến thế hệ thứ III với công nghệ của Pháp.

Tại châu Á, quá trình phát triển ĐHN cũng đã bước sang một giai đoạn mới với việc chuẩn bị đưa vào sử dụng nhiều LPUHN thế hệ mới trong tương lai gần. Thí dụ như Trung Quốc đã có kế hoạch tới 2020 tăng công suất ĐHN của mình lên 4 lần, với 8 nhà máy mới đang được xây dựng theo công nghệ ĐHN hiện đại nhất của Pháp.

Hoa Kỳ, quốc gia có nhiều nhà máy ĐHN nhất thế giới cũng đang tích cực tiếp tục phát triển công nghệ ĐHN như một nguồn năng lượng sạch, với hỗ trợ tài chính đáng kể từ gói kích cầu kinh tế do Tổng thống Obama vừa mới ban hành trong tháng 2/2009.

Ở Việt Nam, mối đe dọa thiếu điện cho sản xuất và đời sống cùng với sự ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng trong những năm gần đây đã cho thấy hai khuynh hướng nêu trên cũng đã trở nên rất sát thực đối với đất nước ta.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định về chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình trong năm 2006 và Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử trong năm 2008. Một dự án xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam đang được chuẩn bị trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định.

(Còn nữa)

  • Đào Tiến Khoa
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,