- Một đoàn của Việt Nam vừa có chuyến thăm chính thức Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào cuối tháng 4/2009. Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng cho biết: “Sẽ sớm có thoả thuận chung về hợp tác giữa Việt Nam với NASA trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ”.
-Được biết, một đoàn của Việt Nam vừa có chuyến thăm chính thức Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hồi mới đây. Ông có thể cho biết chi tiết về chuyến đi này? Ý nghĩa của chuyến đi là gì? Đây có phải là lần đầu tiên Việt Nam có đoàn đi thăm chính thức NASA hay không?
Ảnh chụp trước Trụ sở chính của NASA tại Washington. Trong ảnh: Ô. Phạm Anh Tuấn, Viện Công nghệ Vũ trụ (phải) và Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng (trái). |
Tại mỗi địa điểm trên, phía bạn đã cung cấp các thông tin tổng quát về lịch sử 50 năm phát triển của NASA, các dự án ứng dụng cụ thể và đa dạng của công nghệ vũ trụ (CNVT) trong đời sống kinh tế xã hội...
Ý nghĩa chính của chuyến đi này là Việt Nam muốn thể hiện mong muốn hợp tác của Việt Nam với Mỹ trong lĩnh vực Công nghệ vũ trụ, đặc biệt trong triển khai ứng dụng CNVT phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
- Những nội dung chính mà đoàn và phía NASA đã trao đổi trong lần gặp gỡ vừa qua?
-Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng: NASA đã trình bày các báo cáo với các nội dung chính liên quan đến mô hình tổ chức hoạt động, các nghiên cứu và dự án đã và đang thực hiện của NASA; Đoàn Việt Nam đã giới thiệu về Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT của Việt Nam đến năm 2020, giới thiệu một số dự án của Việt Nam đã và đang triển khai, khái quát về hoạt động của Viện Công nghệ Vũ trụ, hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực và trao đổi dữ liệu ảnh vệ tinh và các chương trình ứng dụng. Chúng tôi cũng đã đề xuất hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp lý, xây dựng luật vũ trụ phù hợp với luật quốc tế và đề xuất phía bạn tham gia tư vấn trong việc xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.
Tên lửa đẩy tàu con thoi và Tàu con thoi tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Ảnh tư liệu) |
- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng mối quan hệ hợp tác giữa VN và NASA sau chuyến đi?
-Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng: NASA có tổng cộng 10 trung tâm nghiên cứu, với kinh phí hoạt động hàng năm khoảng gần 20 tỷ USD. Có thể thấy rõ, NASA là tổ chức nghiên cứu, triển khai và đặc biệt là ứng dụng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vũ trụ. Với thành tựu 50 năm của NASA, Việt Nam có thể học hỏi và hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam đặc biệt quan tâm như: Đào tạo nguồn nhân lực, Công nghệ vệ tinh, Công nghệ viễn thám và nghiên cứu khoa học vũ trụ.
Ngay trong chuyến công tác, NASA đã khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và dự kiến tháng 11/2009 sẽ cử một đoàn sang làm việc và trao đổi những hợp tác cụ thể giữa 2 bên. Vì vậy, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam/Viện CNVT sẽ sớm có thoả thuận chung về hợp tác giữa Việt Nam với NASA với trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ.
- Được biết, trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn cũng đã tới thăm Mexico cũng như đặt mối quan hệ lâu dài với đại học Quốc gia Mexico… Có mối liên hệ như thế nào trong việc hợp tác giữa VN, NASA và Mexico?
- Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng: Vâng, sau những ngày làm việc rất thú vị với NASA tại Mỹ, chúng tôi cũng đã được Đại học quốc gia Mexico ở thủ đô Mexico city đón tiếp nồng hậu. ĐH quốc gia Mexico là trường ĐH lớn nhất và uy tín nhất của cả khu vực Mỹ La tinh với 27 vạn sinh viên mỗi năm. Với uy tín và quan hệ của mình, ĐH quốc gia Mexico sẽ trở thành đầu mối của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam trong hợp tác với Mexico và các quốc gia vùng Mỹ La tinh.
Nhìn chung, trong khi NASA cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn tổng thể dài hạn về phát triển ngành vũ trụ; thì hợp tác với Mexico trong một số lĩnh vực cụ thể của phát triển CNVT là tương đối phù hợp với Việt Nam hiện nay. Ngay trong chuyến đi, phía Mexico đồng ý chuyển giao cho Viện CNVT một công nghệ liên quan đến phát triển vệ tinh nhỏ. Theo đại diện Viện CNVT, đây là hệ thống mô phỏng điều khiển tự chế vệ tinh nhỏ rất thiết thực cho Việt Nam, mà hiện tại Viện Công nghệ Vũ trụ đang thực hiện dự án. Theo thoả thuận, trong tháng 9/2009, việc chuyển giao này giữa ĐH Quốc gia Mexico và Viện Công nghệ Vũ trụ sẽ được tiến hành.
Chụp ảnh kỷ niệm trong buổi làm việc chính thức đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ về công nghệ vũ trụ tại trụ sở chính của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Washington. (Ảnh đoàn cung cấp) |
- Xung quanh chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ chúng ta đã có những mối quan hệ hợp tác với những nước nào, thưa ông?
- Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT Việt Nam đến năm 2020, Viện KH&CN Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA) vào tháng 6/2006. Cho đến nay, Việt Nam đã có các hợp tác liên quan đến phát triển công nghệ vũ trụ với Nhật Bản, CH Pháp, Hàn Quốc, châu Âu, Ấn Độ và ASEAN.
- Nhân chuyến thăm chính thức NASA, ông có thể cho biết thêm về tình hình hợp tác giữa VN với Nhật Bản trong việc sản xuất vệ tinh mà Chính phủ VN vừa đồng ý phê duyệt chủ trương hợp tác với Nhật trong việc xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam?
- Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng: Thông báo số 134/TB-VPCP (ngày 22/04/2009) về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp xem xét việc thực hiện dự án xây dựng Trung tâm CNVT Việt Nam dự kiến có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Nhật Bản đã khẳng định quyết tâm rất cao của Chính phủ Việt nam trong việc hợp tác với Nhật bản để phát triển CNVT. Trung tâm này đặt tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc, là một trong trong 3 dự án lớn đã được thống nhất giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Nhật Bản nhằm huớng tới đối tác chiến lược.
Một phần quan trọng của dự án này là việc chế tạo vệ tinh nhỏ. Các chuyên gia Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ cao để đến năm 2017 Việt Nam có thể tự chế tạo vệ tinh nhỏ với cảm biến radar tiên tiến, cho phép quan sát Trái đất liên tục, cả ngày và đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Như vậy, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á có khả năng tự chế tạo vệ tinh nhỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng chụp ảnh với Phi công điều khiển Tàu con thoi của NASA tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy...(Ảnh đoàn cung cấp) |
-Hiện VN cũng đang có một dự án với Pháp về chế tạo vệ tinh nhỏ (VNREDSat-1, hợp tác với Pháp, dự kiến phóng vào năm 2012) . VN cũng hợp tác với Nhật và bây giờ là NASA. VN sẽ phát triển công nghệ vũ trụ theo hướng nào, thưa ông? Nhiều người cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ vũ trụ là rất tốn kém, trong khi kết quả chưa phải là đã thấy ngay… Có ý kiến cho rằng: "Nếu chúng ta xây dựng được chiến lược đúng đắn, đầu tư đẩy mạnh cho việc phát triển CNVT khoảng 1-2 trăm triệu USD/năm, thì chắc chắn trong khoảng thời gian 15-20 năm đủ để nền CNVT - Việt Nam đạt trình độ phát triển về CNVT của thế giới”… Còn quan điểm của ông về việc phát triển CN vũ trụ ở VN?
- Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng: Đã đến lúc chúng ta cần phải chủ động quan sát, hỗ trợ, dự báo các vấn đề liên quan đến quốc gia từ trên cao, từ bên ngoài. Chính vì lý do này, Chính phủ quyết tâm thực hiện dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hoà Lạc; Dự án vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất với cảm biến quang học VNREDSat-1 được Chính phủ chỉ định Pháp là nhà cung cấp công nghệ và vốn.
Theo tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, nếu làm chủ CNVT, công tác dự báo của chúng ta có thể giảm được 10% các thiệt hại về kinh tế. Mỗi năm, số tiền thiệt hại do thiên tai gây ra ở Việt Nam là hơn 1tỷ USD. Như vậy, chỉ xét riêng góc độ thu hồi vốn, đầu tư vào công nghệ vũ trụ có thể nhìn thấy ngay hiệu quả kinh tế. Bây giờ nếu so sánh 350 triệu USD đầu tư xây dựng cả một khu trung tâm CNVT với các con số chi phí cho hạ tầng, đặc biệt là các con đường “đắt nhất hành tinh” tại Hà Nội mà báo chí nói tới rất nhiều trong các năm qua, hẳn sẽ không thể đặt vấn đề CNVT là đắt hay rẻ. Có lẽ vấn đề quan trọng nhất liên quan đến phát triển CNVT hiện nay là nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các ngành liên quan.
Nhìn nhận lại lịch sử phát triển CNVT kể từ tháng 10/1957 khi Nga phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik đầu tiên của loài người lên vũ trụ, ở các cường quốc của thế giới là Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc thì các chương trình về vũ trụ đều do Người đứng đầu đất nước khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo, chẳng hạn như chương trình APOLO lên mặt trăng của Mỹ do Tổng thống Kenedy khởi xướng và chỉ đạo thực hiện từ năm 1961 đến năm 1973. Vì vậy, cần phải xác định rõ, CNVT chỉ có thể phát triển được, thực hiện được sứ mệnh của mình đối với đất nước, khi có được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ.
- Xin cảm ơn ông !
-
Nông Khắc Ý- Mai Loan (thực hiện)