221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1121513
Mổ xẻ sự yếu kém của khoa học Việt Nam
1
Article
null
Mổ xẻ sự yếu kém của khoa học Việt Nam
,

 - Báo cáo của một nhóm chuyên gia Havard viết năm 2008: “Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền KH&CN của VN là một thất bại”. Trong bài viết dưới đây, TS Phạm Đức Chính mổ xẻ nguyên nhân yếu kém của khoa học Việt Nam. Bài phản ảnh quan điểm của tác giả.

Để hiểu được các đặc thù riêng của khoa học Việt Nam, chúng ta cần đi ngược lại thời gian từ mấy chục năm trước…

TS. Phạm Đức Chính. Ảnh: Tia Sáng

Từ một nền khoa học khập khễnh trong thời chiến

Từ thời gian chiến tranh và xây dựng CNXH ở miền Bắc, được tiếp nối bởi giai đoạn đầu xây dựng đất nước sau thống nhất, mỗi năm chúng ta chọn (chủ yếu qua thi tuyển) hàng ngàn học sinh đi du học ở các nước Đông Âu. Nhìn chung các lưu học sinh đã được lựa chọn của chúng ta học tốt, và khi tốt nghiệp trình độ cũng không kém mức chung của bạn. Những kỹ sư, bác sĩ thực hành này, khi trở về nước, đã tạo thành lực lượng khoa học kỹ thuật nòng cốt cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và công nghiệp hóa đất nước.

Nhà nước cũng chú trọng xây dựng lực lượng khoa học cao cấp qua con số các tiến sĩ, tiến sĩ khoa học (TS, TSKH) đã được đào tạo ở các nước Đông Âu. Lực lượng này được kỳ vọng có khả năng thực hiện những nghiên cứu khoa học trình độ cao và là đầu tàu cho khoa học và tiến trình hiện đại hóa nước nhà. Tuy nhiên, khi đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ của mình qua con số các TS và TSKH này thì đã có không ít ngộ nhận.

Để bảo vệ luận án TS (phó tiến sĩ - PTS cũ) ở Liên Xô, nghiên cứu sinh (NCS) phải có kết quả nghiên cứu, thường tối thiểu là 2 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có phản biện nghiêm chỉnh của bạn. Bên cạnh những TS đạt chuẩn, một số TS của ta trình độ còn non, phải dựa nhiều vào thầy, và do áp lực của trình độ và thời gian, đã được các nước bạn chiếu cố.

Ở mức cao hơn, nhiều TSKH (TS cũ) của chúng ta chưa đạt được tới trình độ chuẩn mực tương ứng của nước bạn. TSKH của Liên Xô phải có được những bài báo khoa học mạnh, đứng tác giả độc lập, và thường phải có tới vài chục bài báo đăng các tạp chí khoa học có uy tín. Trong khi đó số bài báo đăng tạp chí có uy tín của số đông các TSKH của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, và phần nhiều vẫn phải dựa vào thầy.

Nhiều TSKH trở về nước, tách khỏi thầy, đã không viết nổi một bài báo riêng đăng tạp chí quốc tế chuẩn mực - thể hiện rõ cái tầm chưa tới của họ. Đáng buồn hơn, vào giai đoạn nhộm nhoạm ở Đông Âu những năm 90, một số nhà khoa học của ta đã kiếm được bằng TSKH dù họ có rất ít, thậm chí không có nổi lấy một bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế nghiêm chỉnh (có thể nói, chỉ ở mức, hoặc thua cả cái chuẩn PTS của thời Liên Xô ổn định).

Trên trường quốc tế, bảo vệ luận án TS chỉ là bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp của một nhà khoa học chuyên nghiệp. Tiến hành nghiên cứu khoa học nghĩa là họ phải có được các bài báo khoa học được phản biện độc lập để được đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín, hay bằng sáng chế, dù nhà khoa học làm việc ở đại học hay viện nghiên cứu, trên lĩnh vực lý thuyết, thực nghiệm, hay ứng dụng.

Công bố khoa học buộc nhà khoa học phải thường xuyên cập nhật thông tin để duy trì và nâng cao trình độ, chịu sự giám sát khách quan, lao động sáng tạo đóng góp cho tiến bộ của khoa học công nghệ. “Publish or Perish” (công bố hay lụi tàn) là thực tế mà mỗi nhà khoa học chuyên nghiệp phải đối mặt.

Hệ lụy từ sự khập khễnh

Trong khi đó nhiều TS, TSKH của chúng ta trở về nước, phần vì trình độ còn non, phần vì hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh và thời kỳ bao cấp trì trệ kéo dài, đã chỉ duy trì được những hoạt động khoa học tầm thấp (trừ một số nhỏ các nhà khoa học), công bố trên những tạp chí quốc nội được lập ra kém xa chuẩn mực quốc tế. Đứng trên quan điểm quốc tế, họ đã không còn giữ được trình độ của mình tương xứng với bằng cấp quốc tế có được và đã tàn lụi về mặt chuyên môn.

Thế nhưng, một số người trong số họ may mắn có được các bằng cấp cao sớm nhất và có thiên hướng hoạt động quản lý hành chính đã nắm những vị trí được gọi là “đầu ngành” và ngự trị cho tận tới khi đã về hưu, và thậm chí cả chọn người kế tục, trong hệ thống chức sắc khoa học cứng nhắc (thiếu cạnh tranh về chuyên môn) của chúng ta. Họ giữ quyền phân chia và chủ trì các đề tài nghiên cứu với nhiều bổng lộc, cho ra lò nhiều TS nội dưới xa chuẩn mực quốc tế. Họ cũng xây dựng nên các chức danh và chuẩn mực cho khoa học nước nhà, nặng về hình thức và xa rời các tiêu chuẩn quốc tế.

Một số chức trách khoa học của ta được mời vào một số viện hàn lâm khoa học hay đứng chung tên giải thưởng với các đàn anh quốc tế, như một cử chỉ hữu nghị hay mang tính đại diện cho VN. Điều đó dẫn tới hiểu nhầm là một số lãnh đạo khoa học của chúng ta đã đạt tới trình độ đỉnh cao quốc tế, tới hàng viện sĩ (VS).

Tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, trấu được chế biến thành... củi. Ảnh: VietNamNet

Các công việc cụ thể của các kỹ sư, bác sĩ thực hành dễ được nhận thấy hơn với mọi người dân bình thường. Còn các công trình nghiên cứu khoa học trình độ cao theo chuẩn mực quốc tế, các bằng sáng chế và sản phẩm mới của các GS, PGS, TS, TSKH, VS, các nhà khoa học “đầu ngành” của chúng ta là gì, ở ta thường tránh đề cập tới. Nhưng với quốc tế thì đó lại là tiêu chí thông thường để họ đánh giá trình độ chuyên môn thực của các nhà khoa học, chứ không phải là các hình thức danh đã nêu.

Mấu chốt sự yếu kém của khoa học Việt Nam chính là từ một số “chức sắc khoa học đầu ngành có quyền và lợi nhưng yếu về năng lực chuyên môn (theo chuẩn mực khách quan quốc tế), chứ không phải là vấn đề đầu tư của Nhà nước cho KH&CN chưa thỏa đáng.

Một số do năng lực khoa học vẫn còn non (dù đã có bằng cấp hình thức cao TSKH) khi được đặt lên vị trí lãnh đạo, số khác có năng lực nhưng cũng thoái hóa dần theo thời gian do bận rộn với chức quyền và không chịu sức ép về chuyên môn.

Tư duy phong kiến “học hành đỗ đạt cao để ra làm quan hưởng vinh hoa phú quý” đã góp phần tạo nên nhân cách của họ. Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” đã thúc bách họ nhận vào các cơ quan khoa học những người thân quen yếu năng lực chuyên môn để hưởng biên chế bao cấp nhà nước, trao cho họ và giữ cho bản thân những xuất đi nước ngoài béo bở được bao cấp nhà nước hay viện trợ.

Điều đó góp phần dẫn tới chảy máu chất xám, cùng sự tụt dốc về chất lượng của các cơ quan khoa học với gánh nặng biên chế phình to dồn cho Nhà nước.

Viện KH&CN Việt Nam khi mới thành lập cuối những năm 70 đầu 80 ưu tiên nhận chủ yếu là các cán bộ trẻ giỏi được đào tạo từ nước ngoài, nhưng nay như ở Viện Cơ học - số người có khả năng nghiên cứu công bố quốc tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay và không có những người trẻ có năng lực. Viện hiện nay không hấp dẫn và cũng không hề có chính sách hấp dẫn cuốn hút các nhà khoa học trẻ giỏi - có thể nhìn thấy trước một cái đích chết cho một cơ quan nghiên cứu khoa học nếu không có những thay đổi căn bản trong thời gian tới.

  • TS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện KH&CN Việt Nam)
     
 
Phản hồi từ bạn đọc:
 
Ho ten: Dr. Pham Huy Giao
Dia chi:
Asian Inst. of Technology (AIT)
E-mail:
hgiao@ait.ac.th
Tieu de: Một bài viết chính xác và trung thực
Noi dung: Đây là một bài viết có nội dung chính xác và trung thực. Việt Nam  có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc khi họ cải tổ nền khoa học và giáo dục vào những năm cuối thế kỷ XX. 

Ho ten: Nguyễn Đức Minh
Dia chi: TP. HCM
E-mail:
ngdminh@yahoo.com
Tieu de:
Phản hồi bài báo của TS Phạm Đức Chính
Noi dung: Là một người làm kinh tế, đọc bài viết của TS Phạm Đức Chính tôi thấy rằng những mổ xẻ của TS trong lĩnh vực KHCN (được coi là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước) rất hay. Nhưng xét về suy nghĩ của bản thân, tôi cho rằng TS phải đề xuất ý tưởng và bằng hành động để làm thay đổi sự yếu kém của KHCN. Làm kinh tế, chúng tôi chỉ quan tâm tới hiệu quả bằng chính những công sức của chúng tôi, chứ tôi thấy nói nhiều nhưng làm thì ít thì không giải quyết được gì. Tôi đã đọc một số bài của TS "mổ xẻ" về hoạt động KHCN, nhưng tôi cũng muốn hỏi TS rằng: là một công dân, TS đã làm được những gì để phát triển kinh tế -xã hội của đất nước? Làm một nhà KH, TS đã có bao nhiêu bài báo quốc tế, bao nhiêu sản phẩm công nghệ được ứng dụng và TS đã đóng góp được gì cho KHCN nước nhà? Chúc TS mạnh khoẻ!

Ho ten: Nam Son
Dia chi: tp hcm
E-mail: gicmobennguoi_cntt@yahoo.com
Tieu de: Phản hồi bai báo của TS Phạm Đức Chính
Noi dung: Bài viết của ts rất hay nhưng tôi thấy lời phản hồi của Nguyễn Đức Minh còn hay hơn rất nhiều. Tôi tâm đắc một điều là: hãy làm như tôi nói, chứ đừng làm như tôi làm. Thật sự qua bài viết này tôi mới biết Việt Nam có một tiến sĩ tên Phạm Đức Chính.
 
Ho ten: Nguyễn Thanh Bình
Dia chi:
Trung Kính, Hà Nội
E-mail:
binh.th.nguyen@gmail.com
Tieu de: Cần hạn chế những nhà khoa học rởm
Noi dung: Bài viết của TS. Phạm Đức Chính đã nói rất đúng thực trạng khoa học nước nhà. Đúng là bệnh hư danh thành tích đã đặt những người kém ngang hàng với những người tốt. Một số người yếu kém trong đội ngũ khoa học có thể kéo cả con thuyền khoa học chìm xuống. Cần nhanh chóng sàng lọc, loại bỏ những thành phần ngụy khoa học từ trên xuống dưới thì mới mong phát triển được.
 
Ho ten: Võ Thanh Tâm
Dia chi:
HOCVIEN KTMM
E-mail:
thuyha1961@yahoo.com
Tieu de: Phản hồi bai báo của TS Phạm Đức Chính
Noi dung: Tôi rất tán thành với sự mổ xẻ của TS. Phạn Đức Chính. TS đã dám nói thẳng, nói thật những tồn tại và yếu kém về mặt con người của nền khoa học VN. Chính vì con người nên việc đầu tư cơ sở vật
chất hay rót kinh phí để thực hiện mang tính chất ban phát, cũng theo kiểu "thân và quen". Chất lượng các sản phẩm nghiên cứu ngày càng tồi tệ. chủ yếu dựa trên các sản phẩm của nước ngoài cải biên và sửa sang lại (cả về sản phẩm và báo cáo khoa học).
 
Ho ten: Hoang Ky Anh
Dia chi: Ha Noi
E-mail:
Hoanganh@yahoo.com
Tieu de: 
Cần tạo môi trường trung thực trong khoa học 
Noi dung: Bài viết nêu rõ thực trạng khoa học nước nhà, có lẽ, vấn đề ở tầm vĩ mô, chính sách phát triển. Chỉ đáng tiếc, kinh phí khoa học nước nhà bỏ ra không ít, lấy từ ngân sách nhà nước, từ đóng thuế của dân nhưng nhiều đề tài chưa có giá trị cao, hoặc xếp xó gây ra tình trạng lãng phí vô cùng.

Ho ten: Lang nghe
Dia chi: Quy Nhon, Binh Dinh
E-mail: Conuongdo@yahoo.com.vn
Tieu de: Cam on TS Pham Duc Chinh.
Noi dung: TS Phạm Đức Chính đã gõ tiếng chuông cảnh báo về nền khoa học nước nhà. Cần nhìn thẳng vào vấn đề để khắc phục tình trạng "cây đa, cây đề" trong khoa học. Có như vậy mới có thể hy vọng sự phát triển của khoa học nước nhà.  

Ho ten: Tran Van Huy
Dia chi: Hà Nội
E-mail: tranhuy1970@gmail.com
Tieu de: Về bài viết của TS Phạm Đức Chính
Noi dung: Nhìn chung tôi nhất trí quan điểm nói thẳng nói thật của TS Phạm Đức Chính. Với các yếu kém của mình rõ ràng KH và CN Việt Nam tụt hậu rất xa so với thế giới mặc dù cũng được đầu tư "mạnh". Tuy nhiên nói chi phí công trình KH của Việt Nam gấp 4 lần thế giới có thể không chính xác nếu chỉ lấy tiền đề tài rồi chia trung bình. Thực ra ở các nước phát triển, nhiều khi lương và các điều kiện làm việc khác (đã có sẵn bao đời nay) của các nhà khoa học tốt hơn ta rất nhiều lần nhưng không tính vào ngân sách đề tài khoa học hàng năm. Bên cạnh sự yếu kém của các nhà KH, lương thấp (quy đổi ra USD chỉ được từ dăm chục tới vài trăm USD) cùng cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém, không đồng bộ và cơ chế què cụt và bảo thủ như ở ta đã góp phần làm cho KH Việt Nam yếu kém. Các nhà KH có một phần lỗi và trách nhiệm nhưng đổ lỗi cho họ cả là không công bằng. 

Ho ten: Pham Hai
Dia chi: Hanoi
E-mail: Khongco@yahoo.com
Tieu de: Tai sao kem
Noi dung: Tôi không thấy vị lãnh đạo khoa học nào trả lời bài báo của TS Phạm Đức Chính? Tôi được biết có một ông tiến sĩ khoa học ngành cơ lý thuyết lại chủ trì đề tài có liên quan đến khí hậu nhiệt đới vì ông ấy là... hiệu trưởng của trường?! Thế mà người ta cũng chấp nhận để ông ấy chủ trì... Khoa học mà như thế thì thật khó mà tiến nổi.  
 

Ho ten: Văn Thành Nam
Dia chi: Nam Định
E-mail: vannhanthanhnam@yahoo.com
Tieu de: Khoa học là sĩ diện
Noi dung: "Bắc thang lên hỏi ông giời, tiền cho khoa học có đòi được không" là câu ca dao mới mà nhiều người trong và ngoài giới khoa học hay nói vui về các đề tài khoa học. Các viện nghiên cứu ở xứ ta được gọi là "Bình cổ"... Từ cổ chí kim có ai cắm hoa và đựng nước bằng bình cổ đâu, nhưng nếu không có bình cổ thì không ai bảo mình là nhà giàu. Đấy, theo tôi khoa học và nghiên cứu khoa học ở xứ ta chỉ là chiếc bình cổ không hơn không kém. Nội dung như bài TS. Chính phản ánh ở ta chán vạn người biết nhưng chẳng ai viết vì sợ động chạm. Số khác đang bận kiếm sống, phần lớn chẳng quan tâm và kết cục nó dẫn đến thảm cảnh cười ra nước mắt như câu ca dao nói ở trên.


 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,