- Tại Việt Nam hiện có khoảng 400.000 người mù hai mắt và 1,5 triệu người mù 1 mắt, chiếm 0,43% dân số toàn quốc, đặc biệt đáng báo động là trẻ mắc cận thị ngày càng cao.
Mẹ đưa bé đi kiểm tra cận thị. Ảnh: X.H |
Hội nhãn khoa Việt Nam cho biết, các nguyên nhân chính gây mù ở Việt Nam là bệnh đục thể thủy tinh, bệnh glôcôm, các tật khúc xạ…
Hiện tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở trẻ em đang tăng. Chưa có điều tra chính thức nhưng tỷ lệ cận thị trong học sinh các thành phố lớn như Hà Nội là hơn 20%, TP.HCM khoảng 25%, vùng nông thôn từ 10 - 13%. Các chuyên gia nhãn khoa đánh giá, tỷ lệ này là tương đối cao và cho rằng cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực. Cận thị nặng sẽ dẫn đến thoái hóa hắc võng mạc trung tâm, bong võng mạc, lác, glôcôm, nhược thị...
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc trẻ em mắc các tật khúc xạ: do bẩm sinh và di truyền (chiếm tới 60%); đọc nhiều, tối hoặc ánh sáng thiếu, tư thế ngồi không đúng…(chiếm 40%).
Thứ Năm, tuần thứ hai của tháng 10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Quốc tế về phòng chống mù loà (IAPB) và một nhóm các tổ chức phi chính phủ quốc tế chọn là Ngày Thị giác Thế giới. Theo đó, Ngày Thị giác thế giới năm nay sẽ là thứ năm, ngày 9/10. Năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức và hưởng ứng Ngày thị giác thế giới. |
Cũng theo Hội Nhãn khoa Việt Nam, bệnh đục thể thuỷ tinh hiện là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, chủ yếu với người trên 50 tuổi. Phẫu thuật điều trị bệnh đục thủy tinh thể ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và hiện đại, mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên ngành mắt hàng năm chỉ giải quyết được ½ số người cần mổ. Một trong những lý do chính là bệnh nhân đục thủy tinh thể không biết mình mắc bệnh gì, không biết bệnh có thể chữa được.
15-35% bệnh nhân không được mổ do nhà nghèo, không có tiền chữa bệnh, một số khác không dược mổ vì không có người đưa đi, vì lý do sức khỏe, tuổi già, thái độ cam chịu mù lòa…
-
Lệ Hà