221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1108448
Tiếp tục điều tra tổng lượng nước thải do Vedan thải ra
1
Article
null
Tiếp tục điều tra tổng lượng nước thải do Vedan thải ra
,
 - Cục Cảnh sát Môi trường (C36) đang điều tra tổng lượng nước thải mà Vedan VN đã thải ra sông Thị Vải suốt thời gian qua… Vedan VN từng báo cáo lượng nước cho sản xuất 28.000 m3/ngày đêm và  chỉ thải... 5.000m3/ngày đêm!
 
Ngày 16/9, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (C36) cho biết, đang chỉ đạo cán bộ điều tra phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương điều tra tổng lượng nước thải mà Công ty Vedan Việt Nam (Vedan VN) đã tuồn ra sông Thị Vải trong suốt thời gian qua…
 
Ô nhiễm nghiêm trọng ngay cửa xả của Vedan VN. (Ảnh: Hồ Thu) 


Đồng thời, ông hoàn toàn bất ngờ trước thông tin Vedan từng được đề nghị khen thưởng vì đã có thành tích “nỗ lực bảo vệ môi trường” vào cuối năm 2004 do ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai ký văn bản gửi Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh.
 
Theo văn bản của ông Hưng, trong những năm qua, với chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Vedan VN. Theo đó, từ một công ty mới đầu tư tuy có gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước khu vực sông Thị Vải vào những năm 1994-1999, nhưng nay đã “cố gắng khắc phục”, xử lý cơ bản nước thải sản xuất, các mẫu nước thải qua kiểm tra đạt tiêu chuẩn môi trường loại B theo tiêu chuẩn Việt Nam...

Tuy không đưa ra nhận định gì về vấn đề này, nhưng theo ý kiến của ông Lương Minh Thảo thì: “Có thể người ta chỉ đi kiểm tra bên ngoài cửa Vedan VN nên mới thấy xanh - sạch - đẹp như vậy!”.
 
Vẫn theo ông Thảo: "Hiện C36 chỉ tập trung làm hết chức năng nhiệm vụ liên quan đến việc xử lý những sai phạm của Vedan. Còn chuyện khởi tố hình sự vụ án hay xem xét trách nhiệm của Sở TN-MT Đồng Nai đến đâu, chúng tôi chưa thể trả lời ngay được”.
 
Hiện nay, việc điều tra xác định tổng lượng nước thải thô của Vedan VN trong suốt thời gian vừa qua là việc làm cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Lương Minh Thảo thì: “Có khó đến cách mấy cũng phải làm cho bằng được”. Do đó, trước mắt, Cục C36 khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng hệ thống hóa toàn bộ tài liệu, tổng lượng nước mà công ty này đã mua để làm cơ sở tính toán lượng nước thải thô mà Vedan VN đã tuồn ra sông Thị vải. 

Từ đó, làm cơ sở đánh giá mức độ sai phạm và có cơ sở kiến nghị cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm khắc vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng của Vedan VN.

Cũng trong ngày 16/9, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai đã nhanh chóng chủ trì một cuộc họp báo để giải thích một số vấn đề liên quan đến Vedan VN. Tham dự cuộc họp báo còn có ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) - Sở TN&MT Đồng Nai.
 
Miệng cống xả nước thải ra sông Thị Vải (Ảnh: Hồ Thu) 
 
Trước hết, lý giải vì sao Công ty Vedan Việt Nam thời gian qua có quá nhiều tai tiếng về việc gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai kiến nghị tặng bằng khen vào năm 2004, ông Hưng nói: “Do tiếp nhận thông tin từ sở này về việc Công ty Vedan Việt Nam đã có bước tiến trong công nghệ xử lý ô nhiễm khi thay đổi hệ thống đốt bằng dầu DO sang ga...”

Ông Hưng thừa nhận đây là “sai sót” đáng tiếc. Theo ông, vào thời điểm năm 2004 mặc dù Vedan có “tiền án” gây ô nhiễm, nhưng do tin tưởng bộ phận kiểm tra môi trường trực thuộc Sở cho rằng Vedan đã khắc phục tốt, DN này đã bỏ hàng chục tỷ đầu tư cho bảo vệ môi trường như thay đổi hệ thống đốt bằng dầu DO sang ga…nên coi đây là “nỗ lực” cần được biểu dương (?)

Còn ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục BVMT đứng lên nhận khuyết điểm và tha thiết: “Chính tôi là người tư vấn cho anh Hưng khen thưởng Vedan. Nói thực với các anh, lúc đó chúng tôi chỉ nhìn trên kết quả phân tích nước thải của Công ty Vedan VN để đánh giá. Lại thấy Công ty đầu tư 30-40 tỷ đồng cho xử lý xả thải bảo vệ môi trường nên muốn khen thưởng để khuyến khích tinh thần, đâu có ngờ họ lại gian dối như vậy. Tôi rất bất ngờ, rất buồn. Tôi bị qua mặt…“. 

Ngoài ra, cũng theo ông Hưng, việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước đã được Bộ TN-MT cấp cho Vedan VN theo Giấy phép số 864/GP-BTMT ngày 23/4/2008 (thời hạn 5 năm), cho phép Vedan được xả thải vào nguồn nước tại 2 cửa xả trên sông Thị Vải và rạch Nước Lớn trên địa phận huyện Long Thành. Trong giấy cấp phép xả do Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Công Thành ký cho phép Vedan VN xả nước thải vào sông Thị Vải và rạch Nước Lớn (Long Thành, Đồng Nai) với lưu lượng trung bình 40.228m3, lớn nhất 80.455m3/ngày đêm…

Một việc đáng chú ý khác, vào năm 2006, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã từng kiểm tra mức độ gây ô nhiễm môi trường của Vedan VN, trong đó có 7 tiêu chuẩn về ô nhiễm vượt mức quy định. Điều đáng nói trong các tiêu chuẩn này, lượng Coliform từ 93.000- 2.400.000 MPN/100ml đã vượt mức quy định lên đến… 480 lần (tiêu chuẩn quy định là 5.000MPN/ 100ml)! Về việc này, ông Hưng cũng cố gắng giải thích: Trước đó, Cục TN-MT nước (Bộ TN-MT) cũng thành lập hội đồng thẩm định về việc Công ty Vedan Việt Nam xin cấp phép xả nước. 

Bọt ô nhiễm trắng xóa khắp mặt sông Thị Vải (Ảnh: Hồ Thu) 
 
Hội đồng này gồm 10 thành viên của Cục Quản lý tài nguyên nước, các chuyên gia và ông Phan Văn Hết, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai.

Kết quả phân tích mẫu nước thải tháng 4/2007 và tháng 6/2007 làm cơ sở để Vedan có giấy phép là do Phân viện tại TP.HCM (thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật và Bảo hộ lao động) phân tích. 

Một thành viên tham gia hội đồng thẩm định mẫu nước của Công ty Vedan (do Bộ TN&MT lập vào tháng 8/2007) lúc đó là ông Phan Văn Hết, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai khẳng định, nhiều nội dung kiểm tra chưa đạt yêu cầu: nước nhập vào để sản xuất là 28.000m3/ngày đêm nhưng lượng nước xả thải lại quá thấp, chỉ 5.179m3/ngày đêm (?) Các chỉ số BOD5, SS và Colifrom vượt tiêu chuẩn cho phép… Từ đó, ông Hết kiến nghị Vedan phải giải trình và kết luận của Hội đồng trước khi thông qua để cấp phép.

Tuy nhiên, sau kiến nghị này, theo lãnh đạo Sở TN&MT “không biết Vedan có giải trình với cấp trên hay không (?). Chỉ biết rằng sau đó Vedan được cấp phép (?). Do vậy, đến nay câu hỏi vì sao Vedan gây ô nhiễm, nhưng vẫn được cấp phép vẫn là câu hỏi khó chưa được trả lời (?)

  • Đỗ Quyên - Thái Thiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;