- Về sản phẩm túi nylon được một số nhà sản xuất công bố là có khả năng tự hủy sau 3 tháng (nhưng không… hủy, trên thực tế), một số nhà khoa học cho rằng: sản xuất túi nylon thân thiện với môi trường, đưa vào sử dụng đại trà ở Việt Nam là giấc mơ... xa vời.
Giải thích về việc các sản phẩm túi nilon nói trên không tự hủy dù đã được chôn xuống đất (môi trường thích hợp cho việc phân hủy), TS. Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn Hóa thực phẩm (Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, trong quá trình sản xuất các loại bao bì này, người ta trộn quá ít tinh bột bắp (nguyên liệu) để bao bì dai và chắc. Trong khi nếu trộn nhiều bột, quá trình phân hủy có thể diễn ra nhanh (nhưng lại khiến tính cơ học sẽ kém đi; bao bì dễ thấm nước).
TS. Phan Thế Đồng
Cùng quan điểm với TS. Phan Thế Đồng, nhiều nhà khoa học nhận định rằng, sử dụng túi nylon tự hủy là hướng giải quyết tốt nhưng rất khó thực hiện bởi giá thành sản xuất cao, độ bền sản phẩm lại thấp, khiến túi dễ bị rách, thấm nước, không phù hợp với mục đích sử dụng “đa năng” của người dân.
TS. Đồng, với 4 năm (2000-2004) nghiên cứu và xác định tính chất của các bao bì được làm từ tinh bột sắn và rau câu tại Pháp cho biết: ở nước ngoài, công nghệ sản xuất các loại bao bì thân thiện với môi trường không còn mới. Tuy nhiên, do giá thành sản xuất các loại bao bì đó tương đối đắt nên chưa thể sản xuất đại trà.
Để sản xuất ra loại bao bì nói trên, người ta dùng bột khoai tây để tăng khả năng tự hủy của bao bì. Bột khoai tây sẽ làm cho cấu trúc mạch polimer của nylon rỗ ra. Càng cho nhiều bột khoai tây, tốc độ phân hủy của nylon càng nhanh, tuy nhiên khi trộn bột khoai tây vào nylon sẽ dẫn đến tình trạng độ bền (dai, chắc) của bao nylon bị giảm.
Nghiên cứu chế tạo túi nilon tự huỷ trong phòng thí nghiệm ở Viện Khoa học vật liệu (Ảnh: M. Linh)
Hiện có một số công ty đã chính thức ra mắt các sản phẩm túi nhựa sinh học sản xuất theo công nghệ tự phân hủy sinh học như Công ty Phú Hòa (Bến Tre) với bao bì tận dụng từ nguồn phế liệu bã mía, xơ dừa. Hay túi nhựa Bibicom (Công ty Phúc Lê Gia, TP.HCM). Gần đây nhất là sự xuất hiện các sản phẩm như: hộp cơm, ly uống nước, hộp đựng bánh bao được sản xuất từ nguyên liệu là bột bắp, không gây ô nhiễm môi trường của Công ty nhựa Tiến Thành (TP.HCM). Các sản phẩm nói trên được nhà sản xuất khẳng định có thể tự hủy trong môi trường tự nhiên sau 1-4 tháng không sử dụng. Hiện chưa có bất kì quy định hay hướng dẫn cụ thể nào về quyền lợi, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng đối với việc sử dụng túi nylon. |
Ngoài bột khoai tây, người ta có thể dùng các vật liệu li trích từ rong biển để sản xuất túi nylon tự hủy.
Ông Đồng cho biết, hiện ông chưa rõ là các công ty công bố sản xuất thành công các sản phẩm nylon thân thiện với môi trường theo quy trình nào. Tuy nhiên, ông Đồng khẳng định, trừ tinh bột bắp thì các thiết bị để sản xuất các loại nylon tự hủy đó chắc chắn được nhập ngoại (kể cả nguyên liệu chính để sản xuất là hạt nhựa).
Theo TS. Đồng, ở Việt Nam, hạn chế lớn nhất trong việc sản xuất các loại bao bì tự hủy là do chưa có thiết bị để sản xuất, hầu hết các thiết bị này đều phải nhập ngoại. Về mặt nghiên cứu thì ta có thể nghiên cứu ra nhiều loại bao bì khác nhau nhưng để bắt tay vào sản xuất thì chưa được vì chưa có máy móc để sản xuất, cụ thể là chưa có hướng nghiên cứu các mô hình cần thiết để sản xuất.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không thể sản xuất các loại bao bì thân thiện với môi trường. TS. Phan Thế Đồng cho biết, nhiều nước trên thế giới đã sản xuất đại trà Cellophan (bao bì tự hủy từ vật liệu thiên nhiên) hoặc Cellulose (chất xơ biến tính, rất đẹp nhưng thấm nước nên không phát huy được hết tác dụng, dù rất tốt và bền).
Theo TS. Đồng, có nhiều cách để sản xuất các loại bao bì tự hủy với giá thành thấp những vẫn đảm bảo về mặt kỹ thuật và yêu cầu sử dụng. Cách thứ nhất và cũng là cách dễ thực hiện nhất đó là trộn một phần vật liệu nylon với một phần vật liệu tự hủy với nhau và đây cũng là cách làm triển vọng hơn cả.
Cách thứ 2 là ghép các hợp chất kị nước vào các vật liệu thiên nhiên để tăng tính cản nước của bao bì. Hoặc người ta có thể làm các loại bao bì nhiều lớp, lớp đầu là tự hủy, tiếp đó là lớp cản nước (cũng tự hủy). Trong đó, lớp đầu là để tạo nên tính cơ học của bao bì, lớp thứ 2 tạo tính cản nước để có một bao bì chắc và cản nước.
Cùng với việc tìm giải pháp sản xuất đại trà bao bì tự hủy với giá thành thấp, điều cốt yếu vẫn là “tập” cho người dân thói quen mới: sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường, "nói không" với sử dụng bao bì bằng nhựa, nhất là quăng, ném bừa bãi loại rác khó phân huỷ này!
-
Mai Loan