- Điều đáng sợ nhất của người làm khoa học trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ theo Nghị định 115 là mất định hướng. Nan giải nhất là các sản phẩm nghiên cứu khó có đầu ra. Phóng viên VietNamNet đã ghi nhận ý kiến của một số nhà khoa học về những khó khăn đối với tổ chức khoa học-công nghệ công lập khi chuyển đổi cơ chế...
Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH-CN) được đánh giá thực hiện tốt chuyển đổi cơ chế tự chủ. Hiện nay, với biên chế nhà nước cho là 152 người nhưng Viện đã phát triển nguồn nhân lực lên đến 300 người và có giai đoạn là 450 người, tạo ra công ăn việc làm ngoài biên chế.
Doanh thu của Viện hàng năm là từ 25-30 tỷ đồng. Để thực hiện theo lộ trình hết năm 2009, Viện chính thức hoạt động theo cơ chế tự chủ của Nghị định 115. Viện đã xây dựng dự án và hoạch định lộ trình phát triển các hướng ưu tiên, có lộ trình phát triển các sản phẩm, tạo ra các nguồn thu để đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, viện đã gặp không ít những khó khăn về vốn và thương mại hóa các sản phẩm vào cuộc sống.
Bước đầu, Nhà nước cần đặt hàng...
Theo TS. Trần Xuân Hồng, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ, "Để chuyển đổi cơ chế các tổ chức KH-CN sang cơ chế tự chủ, sáng tạo theo NĐ 115, Nhà nước phải đặt hàng, hoàn thiện cơ chế tài chính và có kế hoạch hỗ trợ thiết thực cho các viện chuyển đổi cơ chế đó".
TS. Trần Xuân Hồng.
Ảnh: Ngọc Huyền
Khi Nhà nước đặt hàng thì đồng thời Nhà nước làm chủ đầu tư trang thiết bị, sử dụng con người và kết nối các kết quả nghiên cứu vào mới tạo ra được những sản phẩm thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, tiêu chí đặt ra là phải có nơi ứng dụng. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu là một vấn đề lớn ngay với các nước phát triển (chứ đừng nói ở VN).
TS.Hồng cho biết, mặt thuận lợi khi chuyển đổi theo Nghị định (NĐ) 115 là Viện sẽ có điều kiện phát triển hơn, hoạt động sôi động hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống chính sách của VN chưa đồng bộ, nhất là liên quan công cụ quản lý tài chính đối với các đề tài và khả năng hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi cơ chế.
TS. Hồng nói, mong muốn cấp thiết của các cơ sở nghiên cứu KHCN là Nhà nước đặt hàng, hoàn thiện cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu, có kế hoạch thiết thực hỗ trợ cho các viện chuyển đổi cơ chế.
Khó nhất là đầu ra...
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH-CN). Ảnh: Ngọc Huyền
Trong khi đó, TS. Đặng Xuân Cự, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ cho rằng, khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ theo nghị định 115, điều đáng sợ nhất của người làm khoa học là mất định hướng. Khó khăn ở đây là các sản phẩm nghiên cứu không có đầu ra.
Riêng các viện nghiên cứu không thuộc lĩnh vực ứng dụng, theo TS. Cự, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, cần phải có một quá trình để tiếp cận được thị trường.
Hiện nay hầu hết các viện nghiên cứu chỉ quen làm nhiệm vụ nhận đề tài về nghiên cứu, không có bộ phận quan hệ công chúng (PR), quảng cáo sản phẩm, tạo ra thị trường... Do vậy, khi chuyển đổi, các viện này cần được Nhà nước hỗ trợ một khoản kinh phí để tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm.
TS. Đặng Xuân Cự cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách chỉ nhìn thấy thuận lợi của NĐ 115 mà ít phân tích đến những khó khăn. Từ đó, thiếu những giải pháp hỗ trợ để thực thi nghị định này có hiệu quả.
Ví dụ, khi Nhà nước cắt nguồn kinh phí thì Nhà nước phải có kế hoạch cụ thể để tăng nguồn đầu tư, tăng tiềm lực nghiên cứu cho các đơn vị nghiên cứu ứng dụng và có quy định ràng buộc bằng chính sách.
Về vấn đề tổ chức nhân sự khi chuyển đổi, cần có quy định cụ thể về giải pháp với những người làm việc không hiệu quả, tồn tại từ thời bao cấp đến nay.
Với vấn đề tài chính, TS.Cự đề nghị Nhà nước có chính sách khoán đề tài để trả lương chính đáng, công khai cho người nghiên cứu.
TS. Cự lo lắng về việc "giữ chân" đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Bởi nếu không có biện pháp cụ thể, khả năng và đội ngũ cán bộ nghiên cứu có thể dần dần bị mai một.
Tháng 12/2009, 100% tổ chức KHCN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ |
Theo báo cáo của Bộ KH-CN, tính đến quý I/2008, trong tổng số 504 tổ chức KHCN thuộc các bộ, ngành và địa phương, có 205 tổ chức KHCN có đề án đã được phê duyệt chuyển đổi (chiếm tỷ lệ khoảng 40,67%), 137 tổ chức KHCN đã có đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt (chiếm tỷ lệ khoảng 26,7%), 134 tổ chức KH-CN đang xây dựng và hoàn chỉnh đề án. Theo Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 115, "Tổ chức khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KHCN chưa đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên thì chậm nhất đến tháng 12/2009 phải chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo một trong hai hình thức sát nhập hoặc giải thể. Riêng đối với các tổ chức KHCN trực thuộc các địa phương, thời hạn chuyển đổi tổ chức và hoạt động chậm nhất đến tháng 12 /2011". |
-
Ngọc HuyềnÝ kiến của Bạn:
Phản hồi từ bạn đọc:
Ho ten: ĐTH
Dia chi:
Email: hung.dt789@gmail.com
Tieu de: Xin tự chủ nhưng lại yêu cầu Nhà nước đặt hàng?
Noi dung: Chuyển sang cơ chế tự chủ nhưng lại yêu cầu Nhà nước đặt hàng thì khác nào con cái xin ra ăn riêng nhưng lại yêu cầu bố mẹ trợ cấp hàng tháng ? Ở nước ngoài, những ngành khoa học công nghệ ứng dụng họ đều lấy yêu cầu từ thực tế làm nền tảng cho nghiên cứu nên họ chẳng phải lo nhiều đến việc sản phẩm không nơi tiêu thụ. Còn ở Việt Nam thì sao ?