221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1089596
Tổ chức khoa học: Làm ăn được nhờ cơ chế tự chủ
1
Article
null
Tổ chức khoa học: Làm ăn được nhờ cơ chế tự chủ
,

 - 3 năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhiều tổ chức khoa học-công nghệ (KHCN) công lập đã bước đầu "chịu" được cơ chế mới......

Tại Viện Môi trường & Tài nguyên - Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM - một trong những đơn vị bị đánh giá là chậm chuyển đổi, Phó Viện trưởng Chế Đình Lý cho biết Viện đã xây dựng xong đề án chuyển đổi sang cơ chế tự chủ theo Nghị định (NĐ 115). Tuy nhiên, ĐHQG TP.HCM yêu cầu Viện chuyển sang chế độ tự trang trải, chấm dứt cơ chế khoán kinh phí, trong khi Viện muốn giữ lại khoản kinh phí do Nhà nước bao cấp từ trước đến nay.

Khó chuyển sang tự chủ

Viện KHCN Ứng dụng vật liệu đang hợp tác với các doanh nghiệp để nghiên cứu và ứng dụng các đề tài nghiên cứu... Trong ảnh: Thực hiện thí nghiệm tại Viện KHCN Ứng dụng vật liệu. Ảnh: 
Ông Lý bày tỏ nhiều lo lắng liên quan đến việc thực hiện NĐ 115. Cụ thể, việc chuyển đổi Viện thành một doanh nghiệp khoa học-công nghệ (DN KHCN) ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của một số cán bộ trong Viện, nhất là vấn đề biên chế Nhà nước.

Họ sẽ không phải là người thuộc biên chế này nữa, khi mà Viện lo hoàn toàn lương cho cán bộ, nhân viên. Về phía lãnh đạo Viện, sẽ phải "gánh" thêm nhiều trọng trách: lo nuôi “quân”, lo trả khấu hao tài sản cho Nhà nước... Ông Lý cũng cho rằng đơn vị làm khoa học công ích (như Viện Môi trường & Tài nguyên) có thể bị phá hủy nếu phải thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (?!)

Trên đây là một trong những trường hợp điển hình của đơn vị KH-CN chưa “chiụ” chuyển đổi sang cơ chế tự chủ theo NĐ 115…

Chuyển cơ chế tự chủ: Làm ăn được...

Khác với Viện Môi trường & Tài nguyên, nhiều đơn vị lại cho rằng việc chuyển đổi thành DN KHCN đã mang lại nhiều lợi ích hơn cho đơn vị…

Giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng khu vực 3 Trần Văn Dũng cho biết, Trung tâm có nhiều điều kiện thuận lợi khi chuyển đổi theo NĐ 115. Nằm trong vùng kinh tế phát triển sôi động, gần nhiều cửa khẩu và cảng lớn, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển về kinh tế, nên từ khi chuyển sang 115, Trung tâm đã có thêm nguồn thu để trả lương cao hơn cho các nhà khoa học; được tự chủ về mọi vấn đề tài chính cũng như việc tự hoạch định đường lối, định hướng phát triển cho Trung tâm; được quyền quyết định nhân sự và cắt cử cán bộ có năng lực đi học tập ở nước ngoài.

Hiện thu nhập của cán bộ, công nhân viên ở Trung tâm đạt mức bình quân 5 triệu đồng/người/tháng (so với trước khi chuyển sang 115 là 2 - 2,5 triệu đồng). Ông Dũng khẳng định trong tương lai gần, mức thu nhập này sẽ còn được nâng thêm.  

Một phòng thí nghiệm ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam tại TP.HCM (Ảnh: H. Cát)

Trước yêu cầu của thị trường, hiện Trung tâm đang được đầu tư dự án trên 300 tỷ đồng với 2,5 hecta đất tại quận 9, TP.HCM để tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình.

Ngoài Trung tâm tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng khu vực 3, Viện KHCN Ứng dụng vật liệu (thuộc Viện KHCN Việt Nam) cũng được đánh giá là tổ chức KHCN công lập chuyển đổi nhanh; tuy nhiên, theo “phương pháp… ngược” như cách nói của PGS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện KHCN Ứng dụng vật liệu.

Theo mô hình của Viện, thay cho việc phải biến các nhà khoa học thành người kinh doanh thì Viện đã mời các DN hợp tác với Viện trong việc đầu tư cho nghiên cứu. Việc hợp tác được tiến hành để tạo ra các sản phẩm KHCN cụ thể. Như vậy, Viện vẫn đảm bảo chức năng nghiên cứu; khi có sản phẩm, sẽ giao cho DN độc quyền bán rồi chia lợi nhuận theo tỷ lệ hợp lý. Hiện Viện KHCN Ứng dụng vật liệu đã có một vài sản phẩm ra đời theo mô hình trên như: thuốc trừ sâu, thuốc trừ ốc bươu vàng, thuốc trừ bệnh đạo ôn.

Nhờ cách này, doanh thu của Viện tăng từ 2-3 tỷ đồng lên 7-8 tỷ đồng/năm. Các phòng, ban đều được kiện toàn lại, trang thiết bị được sắm sửa nhiều hơn. Tuy nhiên, PGS. Hồ Sơn Lâm tiết lộ, thu nhập của Viện tăng nhưng thu nhập của cán bộ lại không tăng mấy theo kiểu bình quân chủ nghĩa. Do hợp tác với các DN nên chỉ những cá nhân nhà khoa học có đề tài hợp tác với DN và có sản phẩm thì mới có thu nhập cao.

Quen bao cấp nên... chậm chuyển đổi

Nghiên cứu chế tạo robot ở ĐH Bách khoa TP.HCM Ảnh minh hoạ. Ảnh: H. Cát
Trao đổi với VietNamNet về tiến độ chuyển đổi tổ chức KHCN theo NĐ 115, ông Bùi Văn Quyền - Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ KH&CN tại TP.HCM cho biết, nguyên nhân chủ yếu nằm ở nhận thức của người đứng đầu các tổ chức KHCN về nghị định này.

Tại các tổ chức KHCN chuyển đổi theo NĐ 115 thành công, lãnh đạo đã nhận thức đúng đắn về NĐ 115, đảm bảo sự rạch ròi về quyền lợi giữa các nhóm kinh tế và có những chính sách, chủ trương hoạt động sát với điều kiện của thị trường.

Trong khi, do nhận thức chưa đúng và đầy đủ, nhiều tổ chức KHCN đang lúng túng; có đơn vị vẫn đang trong quá trình xây dựng đề án, thậm chí chưa "nhúc nhích", dù Nghị định đã ban hành được 3 năm.

Theo ông Quyền, các tổ chức chậm hoặc chưa chuyển đổi tập trung chủ yếu ở các địa phương, thường là các đơn vị nhỏ lẻ và phân tán, yếu kém cả về nhân lực và vật lực, chưa có sản phẩm khoa học để bán ra thị trường. Trong khi, nhiều lãnh đạo địa phương nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ về tầm quan trọng của NĐ 115 đối với sự phát triển của các tổ chức KHCN trong giai đoạn hiện nay. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu và yếu trong khâu chỉ đạo cũng như phối hợp giữa các ban, ngành tại địa phương, làm cho tiến độ triển khai chậm.

Hướng giải quyết trước mắt đối với các tổ chức KHCN này là lùi thời hạn chuyển đổi để nâng cao năng lực về con người và cơ sở vật chất; bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa sự phối kết hợp giữa các ban, ngành có liên quan trong tỉnh.

Ở khối Trung ương, nhiều tổ chức KHCN 3 năm vẫn chưa xây dựng xong đề án chuyển đổi. Đâu đó, tại một số tổ chức đã và đang tồn tại kiểu tự chủ nửa vời. Theo ông Quyền, nguyên nhân chủ yếu vẫn do các đơn vị này nhận thức chưa rõ về mục tiêu, mục đích và bước đi của NĐ 115 trong việc giải phóng năng lực, phát triển tối đa năng lực của mình để đóng góp cho chính mình và cho toàn xã hội.

  • Mai Loan

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;