221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1071132
Điện Hạt Nhân VN: Quan tâm nhất là văn hoá an toàn 
1
Article
null
Điện Hạt Nhân VN: Quan tâm nhất là văn hoá an toàn 
,

 - Đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) ở Việt Nam, theo các chuyên gia hàng đầu ngành điện hạt nhân Pháp, điều quan tâm nhất là văn hoá an toàn.  

d
Cuộc gặp mặt giữa đoàn đại biểu các tổ chức và tập đoàn năng lượng hạt nhân Pháp và đại diện VietNamNet. Ảnh: Phạm Hải

Nội dung đáng quan tâm đó đã được đề cập đến trong cuộc trao đổi giữa Báo VietNamNet với đoàn đại biểu các tổ chức và tập đoàn năng lượng hạt nhân Pháp, khi đoàn đến thăm Toà soạn VietNamNet trong thời gian diễn ra “Triển lãm Quốc tế Điện hạt nhân năm 2008” (Hà Nội, 14-17/5/2008).

Cuộc triển lãm, với sự tham gia của các tổ chức, các nhà sản xuất và thương mại về điện hạt nhân Hàn Quốc, Nga, Nhật, Trung Quốc và Pháp, tiến hành ở thời điểm nhạy cảm; hẳn là được cân nhắc kỹ. Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam đang họp và thông qua bộ “Luật Năng lượng nguyên tử”; tạo hành lang pháp lý tiến hành dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam. Trong thời gian tới, nhiều công đoạn chuẩn bị khác nhau cũng sẽ được triển khai, kể cả việc thăm dò, tìm hiểu lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà sản xuất nhà máy điện nguyên tử.‎

Do đó, chuyến thăm làm việc với VietNamNet, của đoàn đại biểu ngành Năng lượng nguyên tử Pháp mang một ý nghĩa nhất định.

Trong cuộc gặp gỡ trao đổi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet,  cho biết: Báo VietNamNet vui mừng trước chủ trương phát triển các nguồn năng lượng mới nhằm giải quyết sự mất cân đối về cung cầu điện năng của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong những năm tới. VietNamNet sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của độc giả về những tri thức và thông tin cần thiết, đồng thời phản ảnh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng tiêu biểu của người dân trong cả nước xung quanh sự kiện quan trọng này.

Thay mặt Ban Biên Tập VietNamNet và các nhà báo chủ chốt tham gia cuộc gặp mặt này, nhà báo - nhà khoa học hạt nhân Trần Thanh Minh hướng các vị khách Pháp vào chủ đề: sự quan tâm của công chúng Việt Nam, độc giả VietNamNet, đối với sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân. 

Buổi gặp gỡ bỗng trở thành cuộc hội thảo “mini” với những câu hỏi và trả lời thú vị và bổ ích.

Đại diện VietNamNet: Chúng tôi biết Pháp là một quốc gia có sự phát triển năng lượng nguyên tử rất ngoạn mục: 58 lò phản ứng năng lượng đang vận hành, đóng góp 80% điện năng cho nước Pháp.

Ấn tượng hơn nữa là tình trạng an toàn cao của nhà máy điện hạt nhân Pháp trong suốt bốn thập kỷ qua kể từ khi đưa lò phản ứng đầu tiên vào hoạt động. Độc giả VietNamNet đang rất quan tâm đến sự an toàn hạt nhân, an toàn phóng xạ của NMĐHN. Vậy, xin các vị cho biết, yếu tố nào đã làm nên điều ấn tượng đó?

Đại diện năng lượng Pháp: Câu hỏi ông đặt ra đã tiếp cận một vấn đề rất hệ trọng - an toàn lò phản ứng. Sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân liên quan nhiều nước. Một sự cố hạt nhân xảy ra không chỉ làm ảnh hưởng nước sở tại, mà nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng theo.

Vấn đề an toàn liên quan hai yếu tố: thiết bị và con người. Hai cái này song hành nhau và bổ sung cho nhau. Vì thế, một mặt, thiết bị chế tạo phải rất tốt, nhưng mặt khác, con người vận hành cũng phải rất tốt.

Về chế tạo thiết bị, điều quan trọng nhất là phải thiết kế theo nguyên tắc bảo vệ chiều sâu, bằng nhiều lớp, nhiều giải pháp (Khi một lớp bảo vệ bị hỏng hóc hoặc một giải pháp bị vô hiệu hoá, thì vẫn còn các lớp bảo vệ khác, giải pháp khác duy trì sự an toàn cho lò phản ứng, hay nhà máy nói chung - PV). Chính yêu cầu bảo đảm an toàn cao, nên giá thành NMĐHN đã đội lên đến 40%.

Về nhân tố con người, điều quan trọng nhất là bảo đảm cho mọi người trong đội ngũ vận hành nhà máy luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt mọi nội quy, quy định về an toàn. Hệ thống “sĩ quan an toàn” được thiết lập từ thấp lên cao. Và trên hết là cơ quan an toàn cấp nhà nước. Cơ quan này được tổ chức độc lập, nằm ngoài các cơ quan quản lý ngành điện lực và có thẩm quyền cao nhất về mặt an toàn. 


c
Mô hình Nhà máy điện hạt nhân của VN tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VNN

Đại diện VietNamNet: Đúng là thiết bị, năng lực và phẩm chất người vận hành NMĐHN đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm sự an toàn NMĐHN. Ở đây, điều chúng tôi và đông đảo độc giả VietNamNet quan tâm và băn khoăn là trình độ văn hoá công nghiệp, văn hoá an toàn. Đặc biệt đối với con người ở các nước đang phát triển, đi vào xây dựng NMĐHN đầu tiên, như Việt Nam. Các ông có bình luận gì về điều này?

Đại diện năng lượng Pháp: Văn hoá an toàn, như ông đề cập, quả là rất quan trọng. Đây chính là điều Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã và đang luôn khuyến cáo phải coi trọng và bảo đảm. IAEA quan tâm nhất đối với những nước xây dựng NMĐHN đầu tiên.

Trong kế hoạch xây dựng NMĐHN phải có kế hoạch đào tạo cán bộ. Ngay cả trước khi có quyết định đầu tư, gọi thầu, phải đào tạo đội ngũ nhân viên (hay sĩ quan) an toàn. Trong đó, chia ra hai loại: những nhân viên an toàn (ở cơ sở, nhà máy…) và những người ở cương vị nhà nước về thanh tra, kiểm tra an toàn. Những cán bộ thanh tra phải đào tạo trước, đào tạo sớm, để khi có nhà máy họ trở thành người nhiều tuổi hơn và dễ được tôn trọng.

Luật lệ nước Pháp quy định: tính minh bạch và an toàn trong năng lượng hạt nhân. Trong thực tế, nếu có một người che giấu một sự cố nào đó thì cả hệ thống an toàn sẽ khó hoạt động hữu hiệu. Vì vậy, trong văn hoá an toàn, nếu có một sai sót, phải nói ra, không giấu giếm.

Đại diện VietNamNet: Mọi người còn nhớ, 5 năm trước, ngay ở một nước công nghiệp phát triển, cũng đã xảy ra sự cố hạt nhân chết người (sự cố Tokai-Mura), do sự tuỳ tiện, “ấu trĩ” của công nhân vận hành. Phải chăng đây cũng thuộc phạm trù văn hoá công nghiệp, văn hoá an toàn, thưa ông?

Đại diện năng lượng Pháp: Nhiều sự cố như Tokai-Mura xảy ra 10 năm qua là do văn hoá an toàn, trong đó có nguyên nhân quan trọng là sự che giấu.

Chính vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu hợp tác sớm với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEC) và Cục Kiểm soát và An toàn Hạt nhân của Việt Nam (VARANSAC) về đào tạo cán bộ an toàn. Trong khuôn khổ hợp tác đó, năm 2007 vừa qua, chúng tôi đã chuyển giao cho VARANSAC bộ chương trình máy tính CATHARE liên quan hoạt động kiểm soát, thanh sát an toàn hạt nhân và phóng xạ lò phản ứng.

Đại diện VietNamNet: Việt Nam đang chuẩn bị dự án xây dựng NMĐHN, đưa vào vận hành vào năm 2020. Liệu khoảng thời gian 12 năm có đủ để khắc phục những nhược điểm liên quan văn hoá an toàn ở một nước đang phát triển. Nhiều độc giả của chúng tôi băn khoăn điều đó. Ông có lời bình nào không?

Đại diện năng lượng Pháp: Chúng tôi vừa hình thành một tổ chức mới với nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân, giúp các nước tổ chức việc giáo dục, đào tạo về văn hoá an toàn. IAEA cũng có chương trình 15 năm giúp các nước đang phát triển giáo dục văn hoá an toàn trong phát triển NMĐHN.

Vậy nên, để có thể thực hiện dự án xây dựng NMĐHN, VN cũng phải tích cực đầu tư, khẩn trương đào tạo, để trong 12 năm tới có được một đội ngũ tối thiểu đáp ứng yêu cầu về mặt văn hoá an toàn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

                             ***

Cuộc trao đổi giữa Báo VietNamNet và các vị khách Pháp, đại diện cho các tổ chức và tập đoàn hàng đầu ngành điện hạt nhân Pháp xoay quanh chủ đề an toàn NMĐHN là một hoạt động có tính mở đầu. 

Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng NMĐNT; đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên vào năm 2020. Quốc hội đang trong nghị trình thông qua Luật Năng lượng nguyên tử. Và, do đó, công chúng cả nước cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của các nhà máy hạt nhân tương lai.

Báo VietNamNet sẵn sàng đón tiếp và tổ chức các cuộc trao đổi tương tự với nhiều đối tác khác nhau trong tương lai nhằm đưa tới cho độc giả và cộng đồng những thông tin mới mẻ và đáng quan tâm nhất liên quan quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

  • P.V
     
    Ý kiến của Bạn:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;