Cơ quan Nghiên cứu Cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) xác nhận, DARPA đang có dự định tạo ra một loại côn trùng máy biết bay trong khoảng bán kính 90 mét so với mục tiêu, và có thể bay trở lại vị trí xuất phát ban đầu.
Hãy chú ý những con ruồi bay vo ve giữa cuộc trò chuyện của chúng ta. Đó có thể là gián điệp! Cơ quan Nghiên cứu Cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) xác nhận rằng côn trùng là sinh vật lý tưởng để đào tạo trở thành những tình báo xuất sắc. DARPA đang có dự định tạo ra một loại côn trùng máy biết bay trong khoảng bán kính 90 mét so với mục tiêu, và có thể bay trở lại vị trí xuất phát ban đầu.
Ruồi gián điệp: các điện cực được đặt vào não của của côn trùng khi còn ở dạng nhộng. (Ảnh: Softpedia)
Cách đây vài năm, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của những người máy thông minh. Nay các nhà khoa học muốn chuyển hướng sang một sự cấy ghép kỳ công hơn và tinh vi hơn. Đó là cấy ghép vào não.
Qui trình cấy ghép như sau: đầu tiên, các điện cực được đặt vào não của của côn trùng khi còn ở dạng nhộng. Sau đó, điện cực này sẽ bị đồng hoá và tích hợp vào cấu trúc sinh vật của côn trùng trong quá trình côn trùng lớn lên.
Dường như khoa học viển tưởng đã truyền cảm hứng cho một số nhà khoa học “máu me”. Chuyện cấy ghép các chip điều khiển vào cơ thể người không còn là chuyện viễn tưởng nữa. Tuy nhiên, chuyện đào tạo ruồi, ong hay chuột và ngay cả cá mập thành những điệp viên siêu hạng của tương lai là mục tiêu của các nhà khoa học sắp tới.
Mục tiêu đặt ra chính là sự che giấu các chip cấy ghép để không bị phát hiện. Người ta đang chú ý khai thác khả khứu giác hiệu quả của các sinh vật.
Sinh vật đã từng được huấn luyện sử dụng khứu giác để phát hiện chất nổ, ma tuý hoặc một số chất liệu bị cấm. Chuột là một loài sinh vật được ưa chuộng cho những thí nghiệm huấn luyện như vậy. Cách thông thường là cấy những điện cực vào não con chuột và chuột sẽ truyền hình ảnh từ vị trí của nó về trung tâm bằng những camera nhỏ xíu gắn trên lưng chuột.
Tuy nhiên, chuột không phải là sinh vật lý tưởng cho công tác tình báo. Một con chuột chạy lông nhông trong phòng họp không phải là chuyện bình thường. Vả lại, trên lưng còn đeo lủng lẳng cái camera thì quả thật làm những người lành tính nhất cũng sinh nghi.
Và thế là, Cơ quan Nghiên cứu Cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) chuyển hướng thí nghiệm sang côn trùng... Bồ câu và cá mập cũng đang nằm trong danh sách các sinh vật được các nhà khoa học tại DARPA chọn thí nghiệm.
-
Doanh Anh (theo Softpedia)