221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1034211
Bộ Y tế phản ứng chậm với rét đậm
1
Article
null
Bộ Y tế phản ứng chậm với rét đậm
,

 - Giới truyền thông liên tục nói đến "rét đậm", nhưng hình như các giới chức y tế nước ta vẫn chưa có kế hoạch hay biện pháp phòng chống nào thiết thực. Đã đến lúc các nhà chức trách, nhất là y tế cộng đồng, cần vào cuộc để phòng ngừa những tác hại đến sức khỏe của người dân.

Rét lạnh không chỉ ở Việt Nam

Băng phủ kín đường ở đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn (Ảnh: VNN)
Hiện tượng nóng toàn cầu (global warming) đã được giới khoa học nói đến nhiều lần, nhưng vẫn chưa được các chính khách quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, sự thay đổi thời tiết năm nay đã chứng minh cho thấy các cảnh báo về hệ quả của hiện tượng nóng toàn cầu là thật. Từ Âu châu sang Mĩ châu đến Úc châu và Á châu, tất cả các vùng đều có nhiều thay đổi về khí hậu. Ở Úc, chưa có mùa hè năm nào trong lịch sử mưa dữ dội như mấy tuần nay (mùa hè ở Úc nổi tiếng khô khan).

Hiện nay, một số tỉnh phía Bắc đang trong thời kì “rét đậm” chưa từng có trong lịch sử, và đã gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế. Đã có một số người và gia súc gia cầm chết vì rét. Có trẻ em chết trên đường đến bệnh viện! Theo một bản tin mới nhất, đã có đến hàng ngàn trâu, bò bị chết vì sự thay đổi đột ngột của khí hậu. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn hécta lúa cũng bị thất thoát.

Ở Ấn Độ, theo tin tức báo chí quốc tế, hiện nay một làn sóng lạnh đang tràn qua vùng Mumbai và một số nơi khác gây ra nhiều cái chết cho người già và trẻ em. Ở Bangladesh, nhiệt độ xuống thấp còn 3 đến 6 độ Celsius, và gây ra tử vong cho 185 người. Tháng 6 năm ngoái ở Nam Mĩ (Argentina và Peru) hơn 80 người chết vì làn sóng lạnh tràn qua hai nước này. Trong số này 52 trẻ em chết vì các bệnh hô hấp.

Lạnh bất thường, tử vong tăng

Có lẽ hơi thừa nếu nói rằng môi trường có tác động rất lớn đến sức khỏe con người. Hai chữ “môi trường” ở đây bao gồm không gian sống và thời tiết. Ở bất cứ nơi nào, khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể chúng ta (hay các sinh vật nói chung) không có đủ thời gian để thích ứng với điều kiện mới, và hàng loạt rối loạn sinh học xảy ra, có khi dẫn đến tử vong.

Trong môi trường khí hậu lạnh, cơ thể chúng ta mất năng lượng, và do đó nhiệt độ trong người xuống thấp. Sự “hạ nhiệt” có khi đến độ nguy hiểm dẫn đến rối loạn hô hấp, và thậm chí tử vong. Đối với những người đang bị bệnh khớp, khí hậu lạnh làm tăng cường độ bệnh và sự đau đớn.

Ngoài ra, đối phó với cái lạnh, nhiều người sử dụng những biện pháp “dân dã” nhưng có thể nguy hiểm đến sức khỏe. Chẳng hạn như đốt cây, gỗ, than, dầu, v.v… để sưởi ấm trong nhà tuy có thể làm ấm nhất thời, nhưng việc làm này thải khí CO (carbon monoxide). Khí CO là một loại ga không mùi vị, không màu, và do đó không biểu lộ dấu hiệu trong không khí. Trong môi trường nhà đóng kín, người bị ảnh hưởng CO có những triệu chứng như nhức đầu, ồn ào lỗ tai, nôn ói, chóng mặt, thiếu khả năng tập trung, khó thở, hay xỉu, và ở giai đoạn nghiêm trọng là ngất.

Hệ quả là tỉ lệ tử vong thường gia tăng vào những tháng mùa đông, hay lúc thời tiết lạnh bất thường như hiện nay ở nước ta. Đã từ lâu y văn ghi nhận một mối liên hệ hình chữ U giữa nhiệt độ môi trường và tử vong. Theo mối liên hệ này, nguy cơ tử vong tăng cao khi nhiệt độ giảm xuống khoảng -10 đến +5 độ C hay trên +40 độ C (xem biểu đồ bên dưới).

Mối liên hệ giữa tử vong và nhiệt độ. Trục hoành chỉ nhiệt độ; trục tung chỉ tử vong.

Phân tích nguy cơ tử vong theo mùa cũng ghi nhận rằng ở những nước có khí hậu ôn đới (như Âu châu) tử vong thường được ghi nhận cao nhất vào mùa đông (xem biểu đồ bên dưới đây). Ở New Zealand, nguy cơ chết vì bệnh tim mạch tăng 35% trong mùa đông (so với mùa hè) khi nhiệt độ xuống thấp khoảng 0 đến 5 độ C.

Nguy cơ tử vong dao động theo mùa. Trục hoành là tháng; trục tung là tỉ số số tử vong mỗi tuần so trên số tử vong trung bình mỗi tuần của năm. Số tử vong tăng cao nhất vào khoảng tháng 12, 1, và 2 (tức mùa đông). Nguồn: I. Gemmell, et al. Int J Epidemiol 2000; 29(2): 274 – 279

Khó chấp nhận khi để người dân chết lạnh 

Có thể nói tình hình rét đậm ở nước ta nghiêm trọng, bởi vì nó ảnh hưởng đến kinh tế và người dân. Chúng ta không muốn một tình huống như ở Ấn Độ, Bangladesh, hay Nam Mĩ xảy ra ở Việt Nam. Một trường hợp tử vong cũng đủ để các giới chức quan tâm. Đến tình trạng hàng trăm trẻ em và người già nhập viện, và hàng ngàn gia cầm chết vì lạnh, vấn đề phải xem là một thực trạng y tế cộng đồng.

Chúng ta trong quá khứ đã có những phản ứng nhanh (có khi hoảng hốt) để khống chế những “vấn nạn cấp tính” như… cúm gia cầm, nhưng lại rất chậm trước vấn nạn rét lạnh. Thật vậy, cho đến nay, hình như các giới chức y tế vẫn chưa có khuyến cáo đến người dân đang sống trong vùng chịu ảnh hưởng rét. Trang web của Bộ Y tế (http://www.moh.gov.vn/homebyt/vn/portal/index.jsp) và các trung tâm y tế dự phòng không cung cấp thông tin gì có ích cho người dân đang sống trong tình trạng rét đậm!

Nếu làm thống kê đầy đủ, tôi e rằng con số mất mát mùa màng và gia cầm hiện nay có thể lên đến hàng trăm triệu USD, nhưng mất mát về con người là điều quan trọng nhất và nghiêm trọng nhất. Một nước Việt Nam như phát triển hiện nay mà để cho người dân chết lạnh thì thật khó chấp nhận được.

Cần phải ghi nhận rằng tình hình rét đậm này là một vấn đề y tế cộng đồng, có ảnh hưởng đến nhiều người. Đã đến lúc các giới chức y tế nên vào cấp bách có những biện pháp giáo dục và phòng chống bệnh cho người dân đang ở những vùng bị ảnh hưởng rét. 

Giữ gìn sức khỏe và an toàn cá nhân trong mùa lạnh

Cẩn thận khi sưởi ấm bằng cách đốt gỗ, dầu, than… trong nhà. Nhà nên có chỗ thông khí để khí CO thoát ra ngoài. 

- Giữ ấm người bằng quần áo len và đeo găng tay. Không nên mặc những quần áo dơ bẩn hay vải trơn vì những quần áo này không tốt cho việc giữ nhiệt. 

- Khi lao động ngoài trời và nếu bị bỏng lạnh, nên tìm cách đến chỗ có nhiệt độ ấm hơn. Trước khi cấp cứu, không nên chà vào chỗ bị bỏng, mà nên làm ấm chỗ bị bỏng. Tháo gỡ các quần áo chật và vật trang sức kim loại. 

- Trong nhà, chú ý đến tình trạng mất nhiệt trong người, với triệu chứng môi và ngón tay tái xanh, người run lẩy bẩy thái quá, tiếng nói lập bập, v.v… Người có bệnh đái tháo đường, suy thận, viêm khớp thường có nguy cơ mất nhiệt cao hơn người khác.

  • Nguyễn Văn Tuấn (Viện Y khoa Garvan, Úc)

Ý kiến của Bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,