221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1027812
Công nghệ chế tạo xe ba bánh có quá khó?
1
Article
null
Công nghệ chế tạo xe ba bánh có quá khó?
,

(VietNamNet)- Trước sự lấn lướt của xe ba gác máy Trung Quốc trên thị trường thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước khẳng định sẽ không chậm bước. Tuy nhiên, bước đi đến nay mới chỉ là đang hoàn chỉnh một số mẫu mã để trình Nhà nước xem xét.

>>> Doanh nghiệp ngủ quên, xe ba gác Trung Quốc đã mai phục
>>> Hoãn lệnh cấm xe tự chế: Vì đâu nên nỗi? 
>>> Xe 3 bánh Trung Quốc tung hoành ở Bình Dương, Đồng Nai
>>> Xe máy "bẩn" sẽ bị phạt 300000 đồng?
>>> Sẽ kiểm tra khí thải xe máy định kỳ 1 năm/lần

Sản xuất xe ba gác máy không khó

Trong khi doanh nghiệp trong nước còn đang nghiên cứu, những chiếc xe Trung Quốc đã kịp tung hoành (ảnh: T. Thuấn)

Trong khi doanh nghiệp trong nước còn đang nghiên cứu, những chiếc xe Trung Quốc đã kịp tung hoành (ảnh: T. Thuấn)

Kỹ sư Lê Xuân Tới, giảng viên khoa Cơ khí - Động lực, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng khả năng của các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam dư sức cho ra đời những chiếc xe thay thế xe 3 gác máy hiện nay. Nếu so với xe 3 bánh do Trung Quốc sản xuất đang lưu thông ở một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương thì chất lượng có khi xe Việt Nam sản xuất còn tốt hơn nhiều.

Ngay cả những xưởng cơ khí nhỏ cũng có thể chế được chỉ khó là ở cái máy xe và bộ khung (bộ vi sai - cầu chủ động hệ thống truyền lực). Tuy nhiên, bộ vi sai thì đã có VIKINO (Công ty máy nông nghiệp miền Nam thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp), còn máy thì đã có các hãng Honda, SYM, Yamaha, Suzuki Việt Nam... Vấn đề là chọn phương án sản xuất loại xe nào để thay thế xe 3-4 bánh tự chế theo quy định của Nghị quyết 32 của Chính phủ chứ "nếu thay thế xe 3-4 bánh tự chế bằng xe 3 bánh Trung Quốc thì có gì khác mấy đâu!"

Chiếc xe 3 bánh gắn máy của Trung Quốc sản xuất không khác gì mấy so với xe 3 gác máy, xe lôi Việt Nam hiện nay. Nếu có hơn, chỉ hơn ở bộ vi sai và hệ thống thắng, nhưng lại bất tiện là dài và rộng hơn xe ba gác máy Việt Nam. Do vậy, theo ông Tới, trong thời gian chờ mẫu xe thay thế đảm bảo an toàn, Nhà nước nên cho đăng kiểm, kiểm định xe 3 gác máy hiện hữu nếu đạt điều kiện an tòan thì cho lưu thông.

Chiếc xe ba gác này dùng động cơ Sachs 49cc nhưng đã bền bỉ hoạt động hơn 40 năm (ảnh: T. Thuấn)

Chiếc xe ba gác này dùng động cơ Sachs 49cc nhưng đã bền bỉ hoạt động hơn 40 năm (ảnh: T. Thuấn)

Theo kỹ sư Tới, xe ba gác máy Việt Nam hiện nay không đạt chất lượng là ở cái máy xe. Đa phần xe 3 gác hiện nay đều sử dụng loại máy của xe Honda 67, Goben Sachs... đã được sản xuất hơn 40 năm về trước.

“Sẽ không chậm bước”

Thực ra, từ những năm 90, Công ty Cơ khí ô tô Sài Gòn (tiền thân của Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn- SAMCO) đã sản xuất loại xe 3,4 bánh. Đến thời điểm năm 2002, do phải tập trung vào việc phát triển xe buýt tại thành phố, SAMCO “bỏ ngỏ” thị trường này.

Trả lời phỏng vấn PV VietNamNet, ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc SAMCO cho biết công ty thừa sức sản xuất loại xe thay thế cho xe 3, 4 bánh tự chế.

Ông Toản khẳng định, năng lực sản xuất của công ty đáp ứng đủ theo yêu cầu đơn đặt hàng thực tế của khách hàng. Hiện SAMCO đang thực hiện việc khảo sát nhu cầu tiêu thụ, chuyển đổi xe 3, 4 bánh của khách hàng.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, tháng 2/2008, SAMCO trình đề án sản xuất, lắp ráp các loại xe 4 bánh theo đúng quy định của Nhà nước để cung cấp, chuyển đổi các loại xe 3, 4 bánh tự chế trước thời hạn đình chỉ lưu hành cho những người đang sử dụng.

Hiện nay, thông tin từ phía SAMCO cho biết công ty đang hoàn chỉnh một số mẫu mã thiết kế. Dự kiến vào cuối tháng này, SAMCO sẽ có mẫu xe để trình UBND thành phố xem xét. Sau khi được các ban, ngành liên quan thông qua, SAMCO sẽ nhanh chóng bắt tay vào sản xuất các mẫu xe phù hợp với nhu cầu thị trường. Những mẫu mã này không chỉ đạt yêu cầu về an toàn kỹ thuật mà còn đạt tính mỹ quan, thích hợp với nếp sống văn minh đô thị tại TP.HCM.

Về giá cả của loại xe thay thế cho xe 3, 4 bánh tự chế, phía SAMCO hiện chưa công bố chính thức vì chưa lựa chọn được mẫu mã, số lượng xe đặt hàng. Tuy nhiên, một nhân viên kinh doanh của công ty này ước chừng giá trung bình khoảng 54 triệu đồng.

Tại TP.HCM, xe 3, 4 bánh của Trung Quốc chưa “tung hoành” như các tỉnh lân cận Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai nhưng sự lấn lướt vì những mẫu mã của xe Trung Quốc được đưa ra thị trường sớm, giá cả chấp nhận được, có thể sẽ xảy ra một cơn “sốt” xe 3, 4 bánh Trung Quốc mới.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Toản khẳng định, nếu mẫu mã thiết kế của SAMCO được UBND thành phố xét duyệt sớm, công ty sẽ không chậm bước. “Người tiêu dùng hiện nay rất tinh. Họ lựa chọn rất khắt khe về chuẩn mực xe. Họ không chỉ căn cứ vào giá cả”- ông Toản nói. “SAMCO có thể cung cấp rộng rãi mẫu mã xe cho các doanh nghiệp có năng lực để họ cùng sản xuất xe thay thế cho xe 3, 4 bánh phục vụ nhu cầu của xã hội”.

Huyền thoại chưa kể về chiếc động cơ xe ba gác máy

Xe xích lô và ba gác máy hiện nay trên thị trường chủ yếu dùng động cơ Goben Sachs, một số ít khác dùng động cơ Honda 67. Cả hai đều chỉ có 49 phân khối.

Điều kỳ diệu là những động cơ chế tạo cách đây hơn 40 - 50 năm để chở 2 người, thì đến nay vẫn có thể kéo tổng tải trọng xe và hàng lên đến 700-800kg, và vẫn ngần ấy năm bền bỉ ngày ngày "kéo cày" nuôi chủ.

Nếu máy nóng, người ta treo một can nước để chảy dần lên thân máy làm mát. Nếu máy yếu, người ta đôn "zên", xoáy nòng hoặc bỏ bớt một phần ống pô giảm thanh, bất chấp xe phát tiếng ồn kinh hoàng. Còn các bộ phận khác của xe chủ yếu được hàn ráp từ sắt xây dựng. Công nghệ này đã phổ biến ở miền Nam từ trước năm 75.

Những người lớn tuổi sống ở Sài Gòn từ xưa vẫn kể lại câu chuyện về nhà tư bản Đặng Đình Đáng, một trong những đại gia hàng đầu hồi giữa thập kỷ 60. Ông đã nhập về hàng kho xe máy Sachs của Đức để chuẩn bị tung ra thị trường. Ông cũng đầu tư một dây chuyền lắp ráp xe máy hiệu Puchs của Áo.

Đến nay vẫn còn nhiều truyền thuyết lạ về xe Sachs. Chiếc động cơ hai thì 49cc thường xuyên về đầu trong các cuộc đua tốc độ. Khi đã nóng máy, tắt công tắc máy vẫn chạy. Rút đầu dây điện của bu-gi, máy vẫn chạy...

Không may là hình như nhà tư bản này không được lòng chính quyền miền Nam hồi đó. Ngay sau khi ông nhập xe Sachs và Puchs, chính quyền cũng "âm thầm" nhập về hàng loạt xe Honda Dame đỏ, bán trợ giá cho các gia đình quân nhân.

Người ta kể lại, hồi đó lần đầu tiên dân Sài Gòn được biết đến xe gắn máy động cơ 4 thì, lần đầu tiên biết đến hộp số không dùng côn (ambraya), lần đầu tiên thấy chiếc yên liền để chở hai người, lần đầu tiên làm quen với chiếc bửng chắn bùn...

Lập tức, chiếc xe Honda Dame thắng thế hoàn toàn trên thị trường. Nhà nhập khẩu xe Sachs đã phải dùng đến "thủ thuật" cuối cùng. Ông tổ chức cho hàng chục người dắt bộ xe Honda trên đường phố, gặp ai cũng phân trần "chiếc xe này tệ lắm, chưa chạy đã hư..."

Nhưng thủ thuật này cũng không cứu vãn được tình hình. Kết quả bi thảm đã xảy ra với nhà tư bản Đặng Đình Đáng. Ông bị phá sản và đã treo cổ tự vẫn ngay trong kho xe của mình.

  • Tấn Thuấn - Trần Duy 
    Ý kiến bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,