Trong mỗi "phiên" tắc đường, cứ khoảng 100m, có đến dăm ba chiếc xe cũ "hồn nhiên" phun khói mù mịt như sương giăng. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường khói xe còn là nguyên nhân gây nên các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp...
>> Sẽ kiểm tra định kỳ khí thải xe máy đang lưu hành
>> Hà Nội: 59% số xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải
Ảnh: Lê Anh Dũng
Hà Nội. Sáng thứ 2. Chiều thứ 6... Giờ cao điểm, cả thành phố như đổ ào ra đường. Chen chúc. Ở những ngã tư "nóng" như Khâm Thiên, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng… không khí như nêm chặt lại. Những chiếc ô tô khật khừ. Những chiếc xe máy cố lạng lách rồi mắc cứng với nhau. Xe đạp, xe máy cố tràn lên vỉa hè mà không nổi…
"Sương mù" giờ cao điểm
Trong quán cà phê ven đường, một người nước ngoài nói với cô bạn gái đi cùng: “Có cảm giác vào những lúc này, thành phố sắp tung ra vì căng thẳng”. Phía bên ngoài là con phố gần như đã được nêm chặt bởi người và các thể loại xe cộ.
Một người phụ nữ gầy guộc, mệt mỏi đang cố lách để nhích lên từng đoạn nhỏ. Ngồi trước chị là cháu bé chừng một tuổi, mặt xám ngoét. Phía trước mặt 2 mẹ con bé là một chiếc xe máy đang nhả khói mù mịt.
"Chúng tôi "ăn" với khói, "ngủ" với khói bao nhiêu năm nay rồi. Sáng tắc đường, chiều tắc đường, có khi đến tối mịt rồi mà vẫn chưa giải toả được. Tôi ngồi trong cửa hàng mà vẫn phải đeo khẩu trang". (Chị Thanh, chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Trường Chinh) |
Một vài người không chịu nổi, húng hắng ho. Ban đầu họ còn lấy tay che miệng nhưng ùn tắc lâu quá, vài phút sau, ai cũng buông trôi. Khói cứ thế túa vào không gian và “ẩn” vào mũi người đi đường.
Trong mỗi “phiên” tắc đường, trên một đoạn đường dài khoảng 100m, có đến dăm ba chiếc xe cũ “hồn nhiên” phun khói mù mịt như sương giăng sáng sớm.
Dừng đèn đỏ tại ngã ba Trường Chinh - Lê Trọng Tấn, một chiếc xe Cup 50 chở hàng cồng kềnh, không ngừng thải những luồng khí mùi nồng nặc khiến người ngồi trong chiếc ô tô bên cạnh phải kéo cửa kính lên, còn những người xung quanh nhăn nhó: “Xe gì mà xả khói như quạt chả thế”.
Một phụ nữ cố tránh luồng khói ấy bằng cách dắt xe vào quán nước nhỏ ven đường, chị than thở: “Nhà tôi cách cơ quan 10km. Cứ 16g30-17g là tan tầm, mà hôm nào cũng phải đi hơn 1 tiếng, có hôm 19g mới về đến nhà vì kẹt xe. Tôi đang mang bầu nên rất mệt mỏi…”
Ô nhiễm không khí do khí thải các phương tiện giao thông ở Hà Nội, mà xe máy là chủ yếu thường xảy ra tại các vị trí hay có ách tắc giao thông như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Kim Liên, Trường Chinh, Chùa Bộc...
Nguyên nhân là do nhiều xe đã quá cũ, không được bảo dưỡng định kỳ trong quá trình sử dụng.
Và nỗi lo bệnh tật
Những người dân hàng ngày phải tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm ấy không phải ai cũng biết rằng trong tổng thiệt hại đến kinh tế do các chất ô nhiễm không khí, có khoảng 95% được ước tính là do tác động đến sức khoẻ.
Theo bác sĩ Đàm Toạ, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Lao phổi Trung ương thì: “Phổi là cơ quan nội tạng nhưng tiếp xúc từng giây từng phút với môi trường bên ngoài nên chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Môi trường ngày càng ô nhiễm, số lượng người bị bệnh liên quan đến phổi, đến đường hô hấp cũng tăng theo từng năm”.
"Có một loại bệnh rất phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm môi trường, đó là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, Y học gọi là COPD. Việc chữa trị nó hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn". (Bác sỹ Đàm Toạ, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Lao phổi Trung ương)
Các loại khí độc hại có trong khí thải xe máy thường thấy là chì, bụi hạt, ô xít các bon (CO) đi ô xít lưu huỳnh (SO2), đi ô xít nitơ (NO2), ô zôn… Những loại khí này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguyên nhân gây nên các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, tràn khí…
Ngoài ra, nó còn kìm hãm sự phát triển trí tuệ và khả năng vận động của trẻ nhỏ, làm tăng nguy cơ sẩy thai ở phụ nữ; suy yếu chức năng của thận và tăng huyết áp; giảm thị lực, khả năng thao tác khéo léo và khả năng nhận thức; suy giảm chức năng phổi; làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể; nguy hiểm hơn, có thể gây tử vong…
Anh Nam, một bệnh nhân điều trị ở đây đùa rằng: "Khói xe máy còn làm tôi khó chịu hơn cả chất thải của sông Tô Lịch". Anh Dũng, một người buôn bán ở phố Đại La cho biết: "Tôi mắc bệnh viêm phế quản đã 10 năm nay, lại buôn bán ở một con đường suốt ngày đông nghẹt xe cộ, tắc đường liên miên, hít nhiều khói bụi nên bệnh không khỏi. Thỉnh thoảng bệnh tái phát nặng, tôi lại phải vào viện điều trị một đợt".
Bên cạnh những ảnh hưởng to lớn đến môi trường, sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí, mà khí thải xe máy là nguyên nhân chủ yếu được cụ thể hoá bằng những con số đáng báo động.
Hiện nay, mỗi ngày thành phố Hà Nội bị tổn thất khoảng 1 tỷ đồng do ô nhiễm không khí (Viện Y tế Lao động, 2004). Ngoài con số này, Hội thảo "Chương trình kiểm soát khí thải xe máy tại các thành phố lớn - Kinh nghiệm quốc tế và điều kiện Việt Nam" tổ chức ngày 6/3/2007 cũng thông báo, ước tính, trong năm 2005, khí thải xe máy đã gây thiệt hại gần 22 triệu USD cho Hà Nội, chiếm khoảng 0,5% tổng GDP của thành phố.
Khắc phục tình trạng này là vấn đề được nhiều chuyên gia thảo luận, trong đó các biện pháp trước mắt là kiểm tra khí thải định kỳ cho xe đang lưu hành với đối tượng, lộ trình và phạm vi phù hợp; áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro II cho xe mới và nâng cao chất lượng nhiên liệu phù hợp với tiêu chuẩn phương tiện.
Về lâu dài, các chuyên gia cũng đặt ra các giải pháp nhằm quản lý, điều hành và tổ chức giao thông để giảm ùn tắc giao thông, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức chấp hành luật về bảo vệ môi trường của người dân. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị biện pháp sử dụng các loại thuế, phí môi trường; khuyến khích loại bỏ xe cũ và sử dụng xe sạch như xe máy điện.
Cho đến nay, việc giảm khí thải xe máy tại các đô thị lớn vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Và để thực hiện điều đó, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà trên hết, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của từng người tham gia giao thông.
Theo Chương trình thử nghiệm “Khám xe máy” do Sở TNMT&NĐ Hà Nội phối hợp với Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ và Ngân hàng Thế giới tổ chức công bố ngày 24/5/2007 thì Tổng số lượng xe đạt tiêu chuẩn khí thải là 41%, bao gồm tất cả các loại xe kể cả xe trong nước cũng như xe nhập khẩu. Theo Ban tổ chức, nguyên nhân các xe không đạt tiêu chuẩn do một số xe đã sử dụng trong thời gian quá dài. Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy mới, xe nhập khẩu mới được áp dụng (1/7/2007) nên một số mẫu xe cũ có thể không đạt tiêu chuẩn. (Nguồn: VietNamNet) |
-
D. Thúy