(VietNamNet) - Giới báo chí trong nước vừa có cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học đời sống nổi bật năm 2007 do 23 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tham gia.
Tiêu chí bình chọn là những sự kiện khoa học đem lại nhiều lợi ích nhất cho cuộc sống, vì cuộc sống của người dân Việt Nam trong suốt một năm qua. Trong đó, sự kiện Luật Hiến ghép mô tạng có hiệu lực được giới báo chí quan tâm và chiếm số điểm cao nhất, tiếp đó là sự kiện phát hiện thực phẩm, mỹ phẩm chứa Sudan...
Sau đây là 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2007, được xếp thứ tự theo số điểm từ cao xuống thấp:
1. Luật Hiến ghép mô tạng có hiệu lực
Ngày 1/7/2007 là ngày Luật Hiến ghép mô tạng có hiệu lực. Theo đó, người đủ 18 tuổi trở lên có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình khi còn sống. Luật chỉ cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể người sống đã đăng ký hiến. Do chưa thống nhất thuật ngữ “chết não” nên trong khi chờ các văn bản dưới luật được hoàn thiện thì chưa áp dụng việc ghép tạng không tái sinh. Cụ thể là chưa thể ghép tim mà chỉ có thể ghép gan, thận… từ người sống cho người sống. Tuy vậy, Luật ra đời đã tạo hành lang pháp lý, mở ra hướng điều trị và kéo dài thêm cơ hội sống cho các bệnh nhân.
Luật Hiến mô tạng có hiệu lực. Ảnh VNN
2. Phát hiện thực phẩm, mỹ phẩm chứa Sudan
Sudan là chất nhuộm màu đỏ công nghiệp thường được dùng trong các sản phẩm xăng, dầu, sáp và xi đánh giầy… Đây là loại hóa chất độc hại, khi vào cơ thể con người sẽ chuyển hóa thành các amin, trong đó có một số amin có khả năng gây ung thư. Trong vòng 4 tháng (cuối tháng 1 đến tháng 5 năm 2007), qua các cuộc thanh kiểm tra liên ngành, đã phát hiện được các thực phẩm (trứng, tương ớt) và mỹ phẩm (son môi, son gió) chứa sudan, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau hàng loạt các thông tin về thực phẩm không đảm bảo vệ sinh như thịt tồn dư kháng sinh, hormon tăng trọng, rau quả nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu… người tiêu dùng lại đối mặt với một loại hóa chất độc hại khác-sudan. Một lần nữa, báo chí góp phần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những thực phẩm bảo đảm nguồn gốc xuất xứ.
Son môi có chứa Sudan. Ảnh NLD
3. Dự án Thành phố sông Hồng được công bố rộng rãi
Siêu dự án 7 tỷ đô la về thành phố sông Hồng sẽ được phía Hàn Quốc và thủ đô HN bắt tay vào làm, dự kiến bắt đầu từ năm 2008 đến 2020 hoàn thành. Đây là dự án lớn nhất của thủ đô Hà Nội và cả nước, tạo ra 97.000 chỗ ở cho các hộ dân. Dự án nếu được hoàn thành sẽ có phương án chỉnh trị con sông Hồng, con sông dữ mỗi năm đổi dòng chảy tới 4 lần và từ trước đến nay chưa dự án nào dám xây thành phố bên con sông này. Từ đầu năm đến nay đã có 3 cuộc hội thảo lớn mang tên “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua HN”, ý kiến các nhà khoa học cũng như nhân dân đều chia ra hai thái cực đồng tình và không đồng tình. Hiện công tác lấy ý kiến rộng rãi nhân dân vẫn đang tiếp tục tiến hành.
Mô hình thành phố sông Hồng. Ảnh VNN
4. Triển khai nghiên cứu tế bào gốc tại Việt Nam
Cách đây 2 năm, thầy và trò Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử, trường ĐHKHTN, ĐHQG HCM đã thành công trong việc thụ tinh trong ống nghiệm đối với người và động vật. Họ đã thiết lập các quy trình thu nhận và khai thác tế bào phôi cũng như tế bào cơ thể trưởng thành, nuôi cấy, biệt hóa trong phòng thí nghiệm và cả trong cơ thể sống các tế bào gốc của người và động vật. Không dừng lại ở nghiên cứu, phòng thí nghiệm đã mạnh dạn và sáng tạo đưa các ứng dụng của tế bào gốc vào y học. Đã phân tách và nuôi cấy tế bào giác mạc để chọn lọc các tế bào gốc và ngày 17/9 qua đã kết hợp với Bệnh viện Mắt TP HCM thực hiện thành công ca ghép đầu tiên nhằm tái tạo giác mạc cho bệnh nhân khiếm thị; dùng tế bào gốc da để ghép và tái tạo mô da cho bệnh nhân bị bỏng. Hiện đã thu nhận và biệt hóa được tế bào gốc từ tủy xương và từ máu cuống rốn thành tế bào có khả năng tiết insulin. Bước kế tiếp là nghiên cứu đưa các tế bào này vào cơ thể bệnh nhân bị tiểu đường để trị bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu trên gắn liền với thực tiễn, xác định được hướng đi và chiến lược phát triển đúng đắn kết hợp nghiên cứu với ứng dụng vào thực tế nông nghiệp và y tế, tích hợp được nguồn thông tin phong phú, bổ ích, có thể thực hiện chuyển giao kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực tế bào gốc.
Nghiên cứu tế bào gốc trong phòng thí nghiệm. Ảnh VNN
5. Sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ
Sáng ngày 26.9 giàn giáo của nhịp cầu số 14, 15 phía bờ Vĩnh Long của cầu Cần Thơ đã bất ngờ sập xuống trong lúc 250 công nhân làm việc, 51 người đã chết cùng nhiều người bị thương. Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, khi hoàn thành cây cầu này sẽ là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á. Các nguyên nhân đưa ra là do trụ tạm phía dưới bị lún, một trong những sai lầm nghiêm trọng của nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát là không cho thử tải trụ tạm trước khi lắp giàn giáo và đúc sàn 2 nhịp cầu dẫn, tuy nhiên nhà thầu cực lực phản đối. Thủ Tướng ra chỉ thị phải đưa ra câu trả lời trong vòng 1 tháng nhưng cho đến nay, nguyên nhân sập cầu Cần Thơ vẫn chưa được đưa ra. Các nhà khoa học cần phải vào cuộc để tìm ra nguyên nhân của vụ sập cầu.
Sập nhịp dẫn cầu Cầu Thơ 14, 15. Ảnh VNN
6. Hệ quả của sự bùng bổ blog Việt
Hiện nay, với sự phổ biến ngày càng rộng rãi, blog vẫn chưa chịu một sự quản lý nào. Blog được coi là trang nhật ký điện tử nên nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã lợi dụng sự chưa quản lý để tung những hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục. Tháng 10 một đoạn phim phòng the rất nóng của Hoàng Thuỳ Linh (diễn viên chính trong Nhật ký vàng Anh) được tung lên mạng đã làm xôn xao cư dân mạng và toàn xã hội. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên, đồng thời đặt ra cho các nhà quản lý và các chuyên gia về công nghệ bài toán quản lý blog Việt.
Blog Viet. Ảnh VTV
7. Khởi tố sai phạm trong đề án 112
Mục tiêu của đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 là xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước; đến cuối năm 2005 đưa hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ vào hoạt động; thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện đại hoá công nghệ hành chính, thực hiện tin học hoá các quy trình phục vụ nhân dân trong các lĩnh vực dịch vụ công, nâng cao năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân và doanh nghiệp được thuận tiện, nhanh gọn và chất lượng cao; đào tạo tin học cho cán bộ, công chức nhà nước, tạo khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ mới trong công việc thường xuyên, nhằm đáp ứng yêu cầu cao về hiệu quả và chất lượng công việc. Tuy nhiên, sau giai đoạn triển khai, đề án đã lộ rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện. Ngày 13/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt và khám xét đối với ông Vũ Đình Thuần - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban điều hành Đề án 112.
Cựu chủ nhiệm Đề án 112 Vũ Đình Thuần. Ảnh Timnhanh
8. Khẳng định Ure trong nước mắm không gây hại
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước có sản lượng nước mắm vào loại cao trên thế giới với sản lượng trung bình 180 triệu lít/năm. Các nhà khoa học cho biết phải thay đổi quan niệm ure gây hại cho sức khỏe. Nhờ việc tác động dư luận kịp thời của báo chí mà người dân đã dùng nước mắm trở lại và các doanh nghiệp đã bớt điêu đứng vì những thông tin trước đó.
Ure trong nước mắm không gây hại. Ảnh Tuổi trẻ
9. Bộ Khoa học - Công nghệ trả lại tiền nghiên cứu khoa học
Một thực tế là hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ trả lại Nhà nước 125 tỷ ngân sách dành cho khoa học. Thế nhưng, có một sự thực trái ngược khác là nhiều người làm khoa học thiếu phương tiện nghiên cứu tối thiểu, lương không đủ sống, buộc phải tự cứu bằng những công việc khác rồi dần dần bỏ bê khoa học hoặc tìm cách ra nước ngoài kiếm sống. Như vậy phải chăng là sự lãng phí. Báo chí lên tiếng, Bộ KHCN và các nhà khoa học cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
10. Hai nhà khoa học Việt Nam được xướng danh trong giải Nobel Hòa bình
TS Nguyễn Hữu Ninh, 54 tuổi, là một trong 10 tác giả chính của chương Châu Á trong công trình nghiên cứu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Tên ông được vinh dự xướng lên trong buổi phát giải Nobel Hòa bình 2007 tại Oslo (Na Uy) tối 10/12. TS Ninh hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển. Trong tập báo cáo gồm ba cuốn dày 3.000 trang với sự góp sức của khoảng 2.000 nhà khoa học, nhóm tác giả châu Á đưa ra bức tranh của châu lục do biến đổi khí hậu. Giải thích lý do được mời tham gia công trình, tiến sĩ Ninh cho biết ông có nhiều nghiên cứu về môi trường được đánh giá cao trên thế giới và đã có hơn 20 năm nghiên cứu trong lĩnh vực này.
PGS.TS Trần Việt Liễn (trái), TS. Nguyễn Hữu Ninh (phải). Ảnh Ngọc Huyền
Ngoài tiến sĩ Ninh, trong công trình bốn báo cáo đồ sộ của IPCC, vốn góp phần cho tổ chức này chia sẻ giải Nobel hòa bình cùng cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, còn trích dẫn nghiên cứu khoa học của PGS.TS Trần Việt Liễn, hiện làm việc tại Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn và môi trường. Đây được đánh giá là sự kiện khoa học có ý nghĩa trong năm, vì những đóng góp của hai nhà khoa học này vào lĩnh vực khoa học môi trường.
-
Ngọc Huyền