221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1014644
Trí thức trẻ: Hãy cho chúng tôi tham gia đề tài lớn!
1
Article
null
Trí thức trẻ: Hãy cho chúng tôi tham gia đề tài lớn!
,

(VietNamNet) - Nhiều trí thức trẻ mong muốn được tham gia vào các đề tài nghiên cứu lớn, trọng điểm của thành phố. Hiện nay hầu hết đề tài lớn vẫn được đặt hàng trực tiếp chuyên gia có tên tuổi, sau đó chia thành những nhánh nhỏ giao các trí thức trẻ.

Ngày 12/12, tọa đàm về “Các giải pháp góp phần đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng lực lượng trí thức trẻ trong và ngoài nước” do Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM tổ chức.

Khoảng 30 đại diện trí thức trẻ từ các đoàn trường và quận đoàn đã tham gia buổi tọa đàm này.

Trẻ... nên không được tham gia đề tài lớn!

ThS. Dương Thị Bích Huệ: "Nên mạnh dạn giao đề tài lớn cho trí thức trẻ" (Ảnh: (H. Cát)
Phát biểu trong buổi tọa đàm, Dương Thị Bích Huệ, Thạc sĩ (ThS) Khoa học Môi trường – ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng, chứng minh năng lực của trí thức trẻ là một điều không dễ. Những dự án vài chục triệu đồng, các trí thức trẻ có thể chạm tay vào.

Còn đối với những dự án lớn, từ hàng trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng, đều giao cho các chuyên gia có tên tuổi. Thoạt nghe, có vẻ hợp lý, nhưng theo tiết lộ của ThS Bích Huệ, thực chất, những đề tài lớn đó đều được chia thành những dự án nhỏ. Sau đó, giao lại cho các trí thức trẻ chia nhau thực hiện.

Do đó, theo ThS. Huệ, nên chăng chúng ta thay đổi cách nhìn nhận trí thức trẻ, các cán bộ nghiên cứu trẻ. Những đề tài lớn như thế chưa từng có tiền lệ một trí thức trẻ nào được nhận hay dám nhận để nghiên cứu.

Cùng một nỗi bức xúc đó, ThS Lâm Vĩnh Sơn – Bộ môn Môi trường, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, chia sẻ, nội dung cơ bản của những chính sách thu hút và sử dụng lực lượng trí thức trong và ngoài nước còn khá chung chung.

“Chúng ta nên mời các nhà khoa học trẻ tham gia vào các dự án nghiên cứu cấp thành phố, chứ không nên phân biệt anh phải có một khả năng như thế nào. Giống như sinh viên mới ra trường khi đi làm, nhà tuyển dụng yêu cầu phải có kinh nghiệm 2 năm,” ThS. Sơn phát biểu.

Trong khi đó, ThS Bùi Văn Hồng – Khoa Điện ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, lại cho rằng trí thức trẻ nên chứng minh được năng lực của mình trước khi đưa ra những yêu cầu về quyền lợi .

“Chúng ta nên bắt đầu từ những nghiên cứu cấp cơ sở. Những công trình này rất mở trong vấn đề đăng ký. Tại trường tôi, đối tượng trí thức trẻ không có nhiều người tham gia các nghiên cứu này. Chỉ cần đạt được 50 – 60% đã là một điều đáng mừng,” ThS. Hồng nói.

Theo ThS. Hồng, nếu không có các đề tài cấp cơ sở đó thì rất khó vươn lên. Nghiên cứu khoa học luôn cần có một lộ trình, và có hệ thống.

Còn theo ThS. Nguyễn Ngọc Huân, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Quốc tế ĐH Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, dường như các nhà lãnh đạo, cụ thể là Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM, không bao quát hết những đối tượng trí thức trẻ.

“Sở mới chỉ lấy thông tin từ những anh em ở các trường đại học hoặc trong hệ thống đoàn. Nhưng theo tôi biết, trí thức trẻ nằm ngoài doanh nghiệp quốc doanh hoặc ngoài trường đại học chiếm hơn 80%,” ThS. Huân cho biết.

ThS. Huân băn khoăn, muốn nghe được những đóng góp đổi mới chính sách, chúng ta đã đụng tới lực lượng trí thức trẻ này chưa. Hay khi đi họp, cũng bao nhiêu đó con người, đóng góp ý kiến này, ý kiến nọ, nhưng chưa lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của phần lớn đội ngữ trí thức trẻ.

Sẽ thống kê tiếm lực đội ngũ trí thức trẻ!

Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đội ngữ trí thức trẻ... Ảnh chụp buổi tọa đàm ngày 12/12  (Ảnh: H.Cát)

PGS. TS Phan Minh Tân – Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM cho biết, sở đang tiến hành thống kê tiềm lực về đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và tự động hóa.

Ngoài ra, thống kê các số liệu về tiềm lực cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho phát triển khoa học – công nghệ cũng đã được tiến hành.

Đó là một phần trong đề án “Đổi mới cơ chế và chính sách nhằm phát huy lực lượng khoa học và công nghệ ở thành phố và người Việt Nam ở nước ngoài.” Đề án này do Uỷ ban Nhân dân TP.HCM giao cho Sở Khoa học – Công nghệ chủ trì.

Trước hết, theo TS. Phan Minh Tân, nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh, cao học (trong và ngoài nước) cho cán bộ khoa học và công nghệ đề nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý khoa học công nghệ.

Còn về cơ chế thu hút và sử dụng trí thức, TS. Tân cho biết sẽ việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật bổ sung hàng năm về lực lượng khoa học – công nghệ ở thành phố, người Việt Nam ở nước ngoài, cơ sở vật chất kỹ thuật khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố.

“Cơ chế đặt hàng sẽ được phát huy. Đây là loại hình giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cùa thành phố. Đặt hàng sẽ tiến hành định kỳ hàng qúy – 6 tháng hay 1 năm,” TS. Tân nói.

Hơn thế nữa thành phố sẽ tăng cường quyền chủ động của các tổ chức khoa học – công nghệ công lập được ký kết hợp đồng sử dụng chuyên gia, nhà khoa học giỏi (trong nước, trí thức kiều bào) với mức chi trả theo thỏa thuận của hai bên.

Tuy nhiên, TS. Phan Minh Tân nhấn mạnh, rất khó đưa ra một chính sách đặc thù riêng dành cho trí thức trẻ vì nó còn nằm trong một cái chung của thành phố. Một điều nữa kình nghiệm trong tổ chức thực hiện các các nhà khoa học trẻ chưa nhiều.

Do đó, ông khuyến khích các trí thức trẻ chú trọng cơ chế “liên kết hợp tác”, qua đó còn có thể chứng minh được năng lực của chính mình. Liên kết hợp tác sẽ được phát triển đa dạng các chương trình liên kết: giữa sản xuất với các trường đại học, viện nghiên cứu; hợp tác giữa các địa phương; hợp tác quốc tế…

  • Hương Cát
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,