221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
938102
Sự thực chuyện thu hồi "nước tương đen"
1
Article
null
Sự thực chuyện thu hồi 'nước tương đen'
,

Chiều 27/5, các siêu thị trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu có những động thái thu gom nước tương nằm trong “danh sách đen”, tuy nhiên, sự việc diễn ra lại có phần khác với báo cáo...

>>84 triệu người tiêu dùng hoang mang vì nước tương đen

Không biết "ông nào dính loại  nào"!

Mới chỉ có 5 trong 10 cơ sở sản xuất báo cáo với Thanh tra Sở Y tế về việc xử lý lô hàng nước tương có hàm lượng 3 - MCPD. Tuy nhiên, nhiều lô hàng vi phạm đã tiêu thụ toàn bộ ra thị trường không thu hồi được. Ảnh minh họa

Các báo ra ngày hôm nay, 28/5, vẫn tiếp tục đưa tin làm rõ vụ "nước tương đen" và tập trung chủ yếu vào điểm: Việc thu hồi nước tương mà cơ quan kiểm định chất lượng khẳng định có chứa chất gây ung thư 3-MCPD chưa dứt khoát, đồng bộ; các cơ quan có trách nhiệm về vụ việc này giải trình theo cách đổ lỗi cho hệ thống quản lý lỏng lẻo.

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 28/5 cho biết, các đơn vị sản xuất bắt đầu tung nước tương sạch ra thị trường và thu gom nước tương "đen". Cụ thể là: Xí nghiệp nước chấm Nam Dương, Công ty cổ phần chế biến kinh doanh nông sản thực phẩm Nosafood, cơ sở Đông Phương, cơ sở Lam Thuận. 

Cũng phản ánh việc thu hồi nước tương đen nhưng báo NLĐ số ra ngày 28/5 lại cho thấy một thực tế khác hẳn: ....Tại khu vực nhà lồng chợ trên đường Lê Tấn Kế (bên hông chợ đầu mối Bình Tây), quận 6 có khoảng 20 sạp kinh doanh mặt hàng nước tương. Bà Nga bán nước tương tại đây cho biết: “Ôm” gần cả ngàn chai, hổm rày không bán được chai nào. Hôm qua bán được hai chai Đào Tiên thì sáng nay người ta mang ra trả”. Chủ sạp Hoàng Mai bức xúc: Bán không được nhưng vẫn bày hàng ra để cầu may chứ không lẽ cất vào kho. Gọi điện kêu họ (cơ sở sản xuất) xuống lấy hàng về, nhưng vẫn không thấy cơ sở nào hồi âm. Tiền đã thanh toán xong cho nên họ không thèm xuống. Kể cả cơ quan chức năng cũng không thấy ai đến hỏi han gì?

Cùng quan điểm phản ánh như Báo NLĐ nhưng báo Tiền Phong số ra ngày 28/5 lại xem xét việc thu hồi sản phẩm nước tương đen qua cả hai kênh bán hàng: hệ thống siêu thị và các chợ, cửa hàng bán lẻ để tách bạch rõ: Hệ thống siêu thị đã thực hiện tốt việc thu hồi sản phẩm độc hại này còn các chợ, cửa hàng tạp hoá vv...thì rất khó khăn: tại siêu thị các mặt hàng nằm trong “danh sách đen” đã bị thu hồi, tại các chợ và cửa hàng tạp hoá nhiều mặt hàng có chứa chất 3-MCPD vượt ngưỡng cho phép vẫn còn trôi nổi. Nhiều người tiêu dùng không hay biết về “sự cố” này vẫn ung dung tiêu thụ, còn người bán vẫn vô tư… bán!.

Điều khiến người tiêu dùng lo lắng hơn là ngày 26/5, Sở Y tế cho biết, mới chỉ có 5 cơ sở vi phạm có văn bản gửi cho Sở về việc thu hồi, tiêu huỷ. Tuy nhiên, cả 5 cơ sở này cũng chỉ “qua loa cho xong chuyện” bằng 5 văn bản không đủ sức thuyết phục, thậm chí còn coi thường dự luận.

Cơ sở Nam Dương thì có văn bản cho rằng đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ lô hàng vi phạm tại cơ sở, nhưng không nói thu hồi, tiêu huỷ bao nhiêu và như thế nào. Còn Nước tương Nosafood cũng gửi công văn cho biết đã “không còn nước tương vi phạm ở ngoài thị trường”.

Đặc biệt toàn bộ sản phẩm nước tương có chứa chất 3-MCPD với hàm lượng vượt 456 lần của cơ sở nước tương Đông Phương đã được bán hết không còn một chai, không thể thu hồi được. Nước  tương Trường Thành cũng đã xuất bán ra hết ở thị trường và cam kết sẽ thu hồi để tiêu huỷ. Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu các cơ sở này có báo cáo không trung thực? Liệu họ đã thu hồi hết chưa khi mà việc thu hồi tiêu huỷ chẳng có cơ quan chức năng nào giám sát?

NLĐ còn cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với người bán lẻ, người tiêu dùng hiện nay là thiếu thông tin. Bởi cơ quan y tế chỉ công bố chung chung tên của các cơ sở nước tương có vấn đề nhưng không nói rõ là nhãn hiệu nào, lô hàng nào. Nhiều người tiêu dùng hoang mang không biết “ông nào dính loại nào”, vì mỗi nhãn hiệu cũng đến cả chục loại nước tương khác nhau từ dung tích cho đến độ đạm. Ngoài những nhãn hiệu trong danh sách đen, những nhãn hiệu còn lại liệu có an toàn?

Cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm?

Báo Lao Động số ra ngày 27/5, nêu rõ sự bất bình của dư luận khi các cơ quan chức năng ngành y tế không thừa nhận yếu kém trong khâu quản lý. Cụ thể là trách nhiệm của Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã được làm nhẹ với lập luận "thiếu quyết đoán" (?). Tiếp đến thì lãnh đạo Thanh tra Bộ Y tế và Cục ATVSTP cũng nhân lúc đổ hết mọi tội lỗi cho Sở Y tế TPHCM.

Trong khi tìm hiểu về việc ém nhẹm thông tin các cơ sở sản xuất nước tương vi phạm về chất gây ung thư 3-MCPD vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ngày 18/5 khi liên lạc với ông Nguyễn Xuân Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng tại TPHCM. Ông Mai từ chối với lý do: "Tất cả các kết quả đều đã được chúng tôi báo cáo với Cục ATVSTP. Cục mới là cơ quan chức năng đủ thẩm quyền công bố...".

Sau khi công luận lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng ém nhẹm thông tin, thì chính ông Nguyễn Xuân Mai, ngày 24/5, đã tiết lộ những kết quả kiểm nghiệm từ tháng 1/2006-4/2007 mà không hề... e ngại vấn đề không có "thẩm quyền công bố". Theo đó, Viện này đã nhận tổng cộng từ nhiều nguồn 213 mẫu nước tương, kết quả có đến 69 mẫu có chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP), từ mức 1,4 lần đến 3.029 lần. Tuy nhiên đến ngày 25/5, ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục ATVSTP - thông tin cho báo chí biết rằng, cục chỉ nhận được thông tin nước tương chứa chất 3-MCPD vượt TCCP thông qua báo chí (?).

Ngoài ra, ông Chánh Thanh tra Bộ Y tế cũng cho rằng, cơ quan này đã 2 lần gửi công văn yêu cầu Thanh tra Sở Y tế TPHCM công bố kết quả đợt thanh tra nước tương vào quý I/2007, nhưng không nhận được hồi âm.

Một diễn biến khác, ngày 25/5, ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết mãi đến giữa tháng 5, cục mới nhận được báo cáo kiểm tra nước tương từ Sở Y tế TPHCM. Nhưng sau khi nhận được, cục cũng không công bố cho người tiêu dùng biết, mà cho rằng việc công bố là việc riêng của Sở Y tế TPHCM.

Vậy thì Cục ATVSTP có trách nhiệm gì khi được Nhà nước giao quản lý ATVSTP nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trên cả nước? Việc cục đổ trách nhiệm công bố kết quả kiểm nghiệm nước tương cho mỗi Sở Y tế TPHCM cho thấy một sự thờ ơ đối với hàng chục triệu người tiêu dùng ở các tỉnh, thành còn lại.

(Tổng hợp từ TTO, LĐ, NLĐ, Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,