Sau khi điểm chuẩn của từng trường và điểm sàn của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã được công bố, đến thời điểm này các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đang chuẩn bị nhận đơn và phiếu báo điểm xét tuyển nguyện vọng 2 (NV 2) của thí sinh.
Song với mức điểm thi cao như năm nay, một số người làm công tác tuyển sinh đều tiết lộ: cơ hội dành cho NV 2 ở các trường tốp trên là không nhiều, nếu không muốn nói là quá ít. Bởi với nguồn tuyển dồi dào (điểm thi cao) nên các trường thuộc hàng tốp 1 như: Đại học Y, Dược, Bách khoa, Xây dựng... đều tuyển 100% thí sinh có nguyện vọng 1. Còn những trường thuộc tốp giữa, mọi năm thường chờ NV 2 cũng chỉ dành một số chỉ tiêu ở những ngành được coi là “kém mốt" cho những thí sinh trượt NV 1 chuyển xuống. Thậm chí ngay cả những trường dân lập (có tổ chức thi tuyển) cũng yêu cầu một số điểm khá cao với NV 2. Vì vậy, việc chạy đua đăng ký để được xét tuyển NV 2 vào các trường đang là một vấn đề nan giải đối với hầu hết thí sinh trượt NV1, nhất là ở các địa phương phía Bắc, do vậy, chắc chắn sẽ có phong trào "thí sinh Nam tiến" để tìm nơi "hạ cánh".
Theo thống kê: trong số 160.000 thí sinh có kết quả điểm thi trên mức điểm sàn nhưng trượt NV 1, đã có tới hơn một nửa đạt điểm từ 17 đến 23 và chủ yếu lại tập trung vào các thành phố phía Bắc.Trong khi đó “cửa dành cho NV 2" của các trường đại học công lập hầu như không có và cửa vào các trường dân lập phía Bắc cũng hẹp. Cũng với số điểm đó, cơ hội cho các thí sinh có "điểm trên sàn" ở các trường phía Nam lại khá rộng.
Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Luật T.P Hồ Chí Minh cho biết: "Số thí sinh đạt 17 điểm trở lên của trường không nhiều, với mức điểm chuẩn này sẽ có nhiều thí sinh phía Bắc đăng ký". Tuy chưa có con số thống kê chính xác, nhưng nhiều trường ở TP.HCM cho biết: có khoảng 30% số thí sinh phía Bắc tìm hiểu thông tin xét tuyển và là con số cao nhất từ trước tới nay. Trên thực tế, trong những năm trước đây, hiện tượng thí sinh phía Bắc (đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa) “đầu quân” thi vào các trường phía Nam hoặc đăng ký xét tuyển NV 2 vào các trường khu vực này cũng khá đông. Đặc biệt, với mặt bằng điểm thi năm nay khá cao, chắc chắn số thí sinh “nam tiến” theo nguyện vọng 2 sẽ đông hơn rất nhiều.
Khi được hỏi: "Tại sao lại tuyển gần 100% NV 1 và “khước từ” NV 2, trong khi Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có công văn khẩn đề nghị các trường dành 15 đến 20% chỉ tiêu cho NV 2?", một số Trưởng ban Tuyển sinh các trường đại học thuộc tốp đầu giải thích: "Làm như vậy nhà trường vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa sớm hoàn thành công tác xét tuyển và tập trung được nhiều thời gian hơn cho việc chuẩn bị năm học mới. Nếu xét tuyển NV 2 (nghĩa là phải chờ đợi), nhà trường sẽ bị động về chỉ tiêu, thời gian chuẩn bị cho năm học mới sẽ ít hơn".
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà ít vị lãnh đạo dám thừa nhận, đó là chủ yếu các trường đều cố gắng tuyển ở mức tối đa những thí sinh NV 1, vì đây là những thí sinh “chung thuỷ” với nhà trường nhất. Trên thực tế, nhiều trường sau khi tuyển NV 2 đều phải tuyển nhỉnh hơn chỉ tiêu một chút để lường trước tình trạng thí sinh “tạm trú” qua năm thứ nhất để ôn luyện thi vào các trường mà họ yêu thích vào năm sau. Hiệu trưởng một trường ĐH dân lập cho biết, hàng năm, số thí sinh “chia tay” với trường thường dao động khoảng 10%, chính vì vậy ban tuyển sinh nhà trường luôn muốn tuyển những thí sinh có NV 1.
Trong kỳ thi năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là hơn 230.000. Hiện các trường có tổ chức thi đã tuyển được khoảng 150.000 thí sinh theo NV 1, chỉ tiêu dành cho các trường không tổ chức thi khoảng 52.000. Như vậy sẽ còn khoảng 28.000 chỉ tiêu. Thực sự, đây là con số quá ít ỏi dành cho NV 2, chứ đừng nói đến NV 3, bởi số thí sinh có điểm trên mức sàn và đủ điều kiện xét tuyển NV 2 lại quá lớn (160.000 thí sinh). Một số trường như thông báo tuyển NV 2 như: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) (285 chỉ tiêu), ĐH Ngoại ngữ (180 chỉ tiêu). Tuy nhiên, số chỉ tiêu quá ít này không "thấm tháp" gì so với số ứng thí. Chỉ tính riêng tại những trường này cũng đã có hàng nghìn thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên đang xếp hàng chờ đến lượt . Đó là chưa kể đến những thí sinh đạt số điểm từ 24 đến 26 ở các trường khác như: ĐH Bách khoa, ĐH Y, Dược... “đổ bộ” sang. Do đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, cuộc chiến NV 2 vào những trường ở Hà Nội và một vài thành phố lớn sẽ ngày càng gay gắt hơn.
Ông Đỗ Duy Dự, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2005 cho biết: theo dự kiến, các thí sinh có điểm từ 23 đến 25 điểm đối với khối A, B; từ 20 đến 22 điểm đối với khối C, D mới có khả năng trúng tuyển NV 2 vào những trường đại học. Như vậy, những thí sinh có số điểm thấp hơn cần “liệu cơm mà gắp mắm“. Để có cơ hội trúng tuyển cao, các thí sinh nên chọn những trường có mức điểm xét tuyển thấp hơn từ 2 đến 3 điểm so với điểm của mình. Đặc biệt, họ phải quan tâm đến những trường đại học dân lập và cao đẳng ở khu vực, nhất là các trường mới thành lập. Cụ thể là: ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ĐH An Giang... hoặc những trường thuộc các khu vực khác như: ĐH dân lập Lạc Hồng, ĐHDL Bình Dương, ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên và các trường ĐH dân lập: Đông Đô, Phương Đông, Quản trị kinh doanh...
-
VNA