221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
514058
Đổi mới cơ chế quản lý KH-CN: Sẽ như... "Khoán 10"?
1
Article
null
Đổi mới cơ chế quản lý KH-CN: Sẽ như... 'Khoán 10'?
,

(VietNamNet) - Cần một "Khoán 10" để đổi mới cơ chế quản lý và bộ mặt của khoa học-công nghệ (KH-CN) Việt Nam. Trao đổi tâm huyết của bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong với VietNamNet.

Vẫn thiếu cơ chế, chính sách ngăn chảy máu chất xám

- Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề chảy máu chất xám hiện nay ở Việt Nam?

Soạn: AM 144339 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Chắc chắn TP.HCM sẽ đi đầu trong quá trình phát triển thị trường KH-CN. (Ảnh: Quý Hoài)

- Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Chảy máu chất xám xảy ra ở mọi cấp độ: giữa các quốc gia, giữa các tổ chức khoa học, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, giữa viện, trường với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau... Nguyên nhân là do ở mỗi con người bao giờ cũng có xu hướng muốn vươn tới sự hoàn thiện, muốn được làm việc ở những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn để thể hiện được năng lực của mình nhiều hơn, qua đó được đánh giá và trả công cao hơn. Đây là một mong muốn cá nhân cần được tôn trọng, không nên chụp mũ cho họ là những người chỉ biết lo đến lợi ích cá nhân, gộp tất cả họ thành một kiểu người thiên về đòi hỏi vật chất.

Nói như vậy, không phải là đánh giá thấp nguy cơ và tác hại (thiệt hại) do sự chảy máu chất xám gây ra đối với một quốc gia hay một tổ chức cụ thể. Sự ra đi của đội ngũ chuyên gia giỏi (dù là nhà khoa học, nhà quản lý, hay công nhân lành nghề, kế toán mẫn cán...) đều làm chậm sự phát triển của bất kỳ tổ chức nào, từ cấp độ quốc gia cho đến một viện nghiên cứu, trường đại học hay doanh nghiệp. Vì vậy, phải chủ động có những chủ trương, chính sách, giải pháp giảm thiểu hiện tượng và quá trình chảy máu chất xám này.

- Vậy đâu là giải pháp, trước hết là từ góc độ cơ quan quản lý KH-CN, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta phải đối mặt với hiện tượng này. Một mặt, phải chấp nhận đó là một thực tại khách quan ngoài mong muốn đối với các tổ chức, cơ quan bị mất người. Mặt khác, phải chủ động đề xuất các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu dòng chảy máu chất xám này.

Đã có quá nhiều đầu sách, bài báo, quá nhiều hội nghị, hội thảo trên thế giới cũng như ở Việt Nam đề cập đến vấn đề này. Tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề của Việt Nam chúng ta.

Trước hết, những người giỏi thường có hoài bão, ước mơ lớn, muốn làm việc lớn, muốn đóng góp nhiều, là những người không chấp nhận hoàn cảnh không tạo cho họ điều kiện đủ để làm việc, không chấp nhận sự thờ ơ, lãnh đạm, trì trệ của bộ máy, của cơ chế. Khi gặp hoàn cảnh không thuận lợi, sẽ có hai khả năng xảy ra: hoặc họ sẽ ra đi tìm nơi khác, tổ chức khác, đất nước khác để làm việc và duy trì cuộc sống; hoặc là ở lại, dành sức lực, trí tuệ của mình vừa làm việc, vừa góp phần (kể cả phải tranh đấu) làm thay đổi điều kiện làm việc cho mình và cho các đồng nghiệp, qua đó, đóng góp cho tổ chức, cho đất nước. Nếu tất cả người giỏi đều chọn giải pháp ra đi thì còn ai sẽ trụ lại để làm thay đổi các yếu kém, trì trệ hiện nay, còn ai sẽ chấp nhận đối mặt với các khó khăn, thách thức của sự nghèo nàn, lạc hậu để vượt lên, để tạo dựng các điều kiện tốt hơn cho bản thân, cộng đồng và thế hệ mai sau?

Cũng cần nhấn mạnh rằng việc thay đổi đó không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là một giải pháp cần thiết để tạo ra môi trường thuận lợi cho chính những người có tài phát huy. Vì lẽ đó, cần chính những người tài tham gia giải quyết.

Đương nhiên, Nhà nước không thể phó mặc cho những người tâm huyết, người tài phải tự lo toan các điều kiện tối thiểu để làm việc, cống hiến và thành đạt. Nhà nước, mà trước hết là các Bộ, ngành phải xây dựng và đề xuất các chính sách sử dụng và trọng dụng người tài, tạo điều kiện và cơ hội để họ phát huy hết khả năng của mình. Đúng là hiện nay đang thiếu những cơ chế, chính sách và chế độ như vậy. Bộ KH-CN chia sẻ những bức xúc đó và đang cùng các Bộ, ngành tháo gỡ những bất cập về cơ chế, để có thể sớm có các chính sách phù hợp, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học.

- Liệu có mâu thuẫn chăng, khi chúng ta vừa có hiện tượng chảy máy chất xám, lại vừa kêu gọi các nhà khoa học gốc Việt quay về góp phần xây dựng đất nước?

- Cần nhấn mạnh một lần nữa rằng, để có được những điều kiện tốt hơn, chế độ đãi ngộ cao hơn, thì không ai khác chính là mỗi người trong chúng ta, dù ở cương vị nào cũng phải làm việc hết mình, dám đối đầu và vượt lên thách thức để khẳng định bản thân, khẳng định sự trưởng thành và đóng góp của mình bằng công việc và qua hiệu quả công việc.

Bằng cách đó, nền kinh tế của chúng ta mới phát triển, mới có cơ hội đầu tư nhiều hơn cho người lao động. Khi đó, điều kiện làm việc mới tốt hơn, cơ hội đóng góp cho đất nước và chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học mới tăng nhanh lên được. Tôi tin rằng nhiều người đang ở nước ngoài sẽ trở về với đất nước, với quê hương bằng nhiều cách khác nhau, vào từng thời điểm khác nhau nhưng đều có những đóng góp cho đất nước, kể cả khi họ đang ở nước ngoài.

Câu chuyện Thành phố Hồ Chí Minh

- Ngay từ khi mới nhậm chức, được biết Bộ trưởng đã có các cuộc tiếp xúc với những người làm công tác khoa học của TP.HCM. Nhận xét của Bộ trưởng về tiềm lực KH-CN của Thành phố này?

- TP.HCM và Hà Nội là hai trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục và khoa học lớn nhất của cả nước. TP.HCM có đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo, tâm huyết với nghề nghiệp và với công việc của Thành phố. So với mặt bằng chung của cả nước, những người làm công tác khoa học ở TP.HCM năng động và sáng tạo hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn sản xuất, của sự phát triển kinh tế-xã hội, và do đó, xuất hiện nhiều nhà khoa học dám nghĩ, dám làm hơn. Chúng tôi đánh giá cao sự tìm tòi, trăn trở, tinh thần lo toan và hiệu quả mà các nhà khoa học TP.HCM đạt được. Đồng thời với điểm mạnh đó, hoạt động KH-CN của TP.HCM được các cấp lãnh đạo Thành phố dành sự quan tâm rất lớn và có những ủng hộ mà các địa phương khác chưa có được.

Soạn: AM 144341 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Thị trường KH-CN của ta còn rất sơ khai nên chưa thể vận dụng những yếu tố thị trường tích cực để đánh giá, định giá đúng các sản phẩm KH-CN. (Ảnh: Quý Hoài)

Đương nhiên, hoạt động KH-CN tại TP.HCM không phải chỉ có những mặt mạnh mà cũng còn các yếu kém, bất cập trong quản lý, xây dựng tiềm lực, sử dụng nhân lực và trọng dụng người tài... Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học ở Thành phố sẽ sát cánh cùng Bộ KH-CN và các nhà khoa học trong cả nước dành tâm huyết và trí tuệ cho việc khắc phục yếu kém, tháo gỡ vướng mắc để cùng vượt lên.

- Theo Bộ trưởng, liệu chúng ta có thể hy vọng vào việc thúc đẩy, phát triển một thị trường KH-CN trước hết ở TP.HCM?

- Là một trung tâm phát triển kinh tế sôi động với đội ngũ cán bộ KH-CN dám nghĩ dám làm, chắc chắn TP.HCM sẽ đi đầu trong quá trình phát triển thị trường KH-CN.

Thực tế trong những năm vừa qua, Sở KH-CN Thành phố đã phối hợp với các Sở, ban ngành khác tổ chức hàng loạt chợ thiết bị và công nghệ - một phương thức hoạt động của thị trường KH-CN. Hơn thế nữa, TP.HCM đã mở rộng hoạt động này sang nhiều tỉnh, thành khác, với sự tham gia của nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Chúng tôi cũng ủng hộ chủ trương của các nhà quản lý KH-CN TP.HCM trong việc hình thành các tổ chức môi giới, định giá, mua bán công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ thông qua các thể chế thị trường.

Đường đến với… "Khoán 10" trong KH-CN

- Được biết là quý III/2004, chúng ta phải hoàn thiện Đề án Đổi mới cơ chế quản lý KH-CN. Bên cạnh các vấn đề sở hữu công nghiệp và cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, còn có Đề án chuyển các tổ chức nghiên cứu-triển khai sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp… Theo Bộ trưởng, liệu những chuyển đổi ấy có thể đạt tới tầm vóc và ý nghĩa của một loại "Khoán 10" trong KH-CN?

- Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH-CN đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có một số vấn đề như VietNamNet vừa nêu. Cơ chế khoán trong hoạt động KH-CN là một chủ đề riêng, có thể tóm tắt như sau:

Chuẩn bị "cách mạng" để đổi mới bộ mặt KH-CN Việt Nam

* Chỉ có 166 tổ chức tự chủ được nguồn kinh phí trong tổng số 521 tổ chức KH-CN thuộc các viện, các trung tâm, các trường đại học trong cả nước. Trong số còn lại, có đến 122 tổ chức đang phải bám hoàn toàn vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước.

* Tại hội thảo ngày 31/8, diễn ra ở Hà Nội, nhằm  lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH-CN công lập. có ba mô hình được đề xuất chuyển đổi từ tổ chức KH-CN công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp: Doanh nghiệp KH-CN, doanh nghiệp, và tổ chức tự trang trải kinh phí.

Theo bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong, việc trao cho các tổ chức KH-CN quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là "một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi bộ mặt KH-CN nước nhà". Bởi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức KH-CN và các nhà khoa học trong điều kiện kinh tế-xã hội, trong trình độ quản lý hiện nay, đồng thời đặt ra yêu cầu và thách thức hết sức lớn cho các tổ chức KHCN.

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nhấn mạnh: “Ở nhiều nước, 80% công việc liên quan tới đổi mới KHCN là ở doanh nghiệp. Vì thế, cuộc “cách mạng” sẽ không hiệu quả nếu các nhà khoa học vẫn đơn độc. Lực lượng làm KHCN không chỉ là các nhà khoa học mà còn là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư trưởng, công trình sư ở các doanh nghiệp. Đất nước càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì lực lượng này càng phải có trọng trách lớn. Trong khi đó, lực lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu nên những vấn đề liên quan đến KHCN đều dồn về các viện, các trường khiến cho việc ứng dụng KHCN vào doanh nghiệp rất chậm”.

Khoảng năm-bảy năm trở lại đây, trong giới khoa học có lan truyền ý tưởng là là liệu có thể thực hiện cơ chế khoán trong KH-CN tương tự như Khoán 10 trong Nông nghiệp hay không. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến câu chuyện này là các nhà khoa học muốn có một cơ chế khoán chi tài chính (khoán kinh phí) cho việc thực hiện các đề tài, dự án KH-CN nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính và tài chính phức tạp, thúc ép, bó buộc, mà theo họ là không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN. Nguyên nhân sâu xa là không ít nhà khoa học muốn kỳ vọng vào một cơ chế mới, giải phóng sức lao động sáng tạo của họ, cho họ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công việc của mình, qua đó có thể đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, cho khoa học.

Trong Đề án Đổi mới cơ chế quản lý KH-CN, nội dung này được thể hiện ở hai phương diện:

- Cơ chế tự chủ toàn diện và tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH-CN. Cơ chế này mang "dáng dấp Khoán 10" nhưng không hoàn toàn đồng nhất.

- Khoán sản phẩm KH-CN cuối cùng, theo đơn đặt hàng của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp, với các chính sách tài chính phù hợp do người đặt hàng quyết định.

Cần nhấn mạnh thêm một số điều mà hiện nay các cơ quan tham gia xây dựng cơ chế đang trăn trở:

* Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có tính đặc thù, không phải sản phẩm nào cũng có thể định giá được, nên việc đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học phức tạp hơn nhiều so với sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, do thị trường KH-CN của ta còn rất sơ khai nên chưa thể vận dụng những yếu tố thị trường tích cực vào để đánh giá, định giá đúng các sản phẩm KH-CN.

Do đó, hiệu quả mà cơ chế khoán đem lại sẽ chưa mạnh, chưa nhanh như Khoán 10, nếu như không tính thời gian để Khoán 10 trở thành một cơ chế được thừa nhận là 20 năm.

* Không thể đồng nhất cơ chế khoán với việc bãi bỏ các thủ tục tài chính tối thiểu, điều mà nhiều nhà khoa học đang rất bức xúc. Bởi vì nhà tài chính, khi bỏ đồng tiền ra đầu tư, cũng cần phải biết nó được sinh lợi như thế nào. Họ chỉ bỏ tiền ra khi thấy đồng tiền ấy được đầu tư có hiệu quả. Do vậy, một mặt, cần đổi mới cơ chế chính sách tài chính đối với hoạt động KH-CN. Mặt khác, các nhà khoa học cũng phải tìm hiểu, nắm vững các quy định tài chính để chủ động trong hoạt động của mình.

Vì những lý do trên, hiện nay Bộ KH-CN đang phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng cơ chế này và sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học để hoàn chỉnh trước khi ban hành.

Quan trọng bậc nhất: Xây dựng đội ngũ KH-CN

- Bộ trưởng có thể nói rõ về những đổi mới cần thực hiện đối với đội ngũ cán bộ KH-CN?

- Việc xây dựng đội ngũ cán bộ KH-CN có hoài bão, ước mơ, giàu lòng yêu nước, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ và có ý chí quyết tâm là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong quá trình xây dựng tiềm lực KH-CN của đất nước.

Điều chúng tôi mong muốn nhất là làm sao xây dựng được một cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả lực lượng cán bộ KH-CN; qua đó xây dựng và và phát huy đội ngũ này trong nhiệm vu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nói cách khác, phải chăm lo cho các nhà khoa học, các tổ chức KH-CN có điều kiện phát triển. Và ngược lại, đòi hỏi sự đóng góp có hiệu quả từ phía KH-CN cho sự phát triển đất nước nói chung, phát triển KH-CN nói riêng.

Hiện nay, Bộ KH-CN đang chỉ đạo tiến hành công tác thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ nhân lực KH-CN hiện có, cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH-CN nhằm xây dựng chính sách đầu tư theo quy hoạch phát triển đội ngũ và phát triển tổ chức KH-CN.

- Liệu cơ chế và chính sách phát huy đội ngũ KH-CN sắp tới có căn cứ vào tiến trình toàn cầu hoá và sự hội nhập của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

- Phải nói rằng chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH-CN và sự hình thành các doanh nghiệp KH-CN, cũng như sự đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động KH-CN trong chính doanh nghiệp của mình.

Để làm tốt điều này, chúng ta cần lưu ý tới một số khía cạnh: tính đồng bộ trong cơ cấu đội ngũ - đồng bộ về chuyên môn, trình độ, tuổi tác (đảm bảo sự kế thừa) cũng như đồng bộ giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; vấn đề quốc tế hoá các kết quả nghiên cứu nhằm đáp ứng đòi hỏi nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trong quá trình hội nhập; đầu tư cải thiện điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ hợp lý.

Bộ KH-CN cũng sẽ huy động các viện nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia cùng các trường đại học thúc đẩy quá trình phát hiện, bồi dưỡng lớp trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thông qua các chương trình ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH-CN nhằm thu hút trí tuệ, chất xám của các nhà khoa học, không phân biệt tuổi tác, trong nước hay nước ngoài. Các đơn vị chức năng của Bộ KH-CN, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đang khẩn trương tiến hành công việc này.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Quý Hoài (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,