221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
513900
Từ "chiến thắng FXR" - động lực để sinh viên sáng tạo
1
Article
null
Từ 'chiến thắng FXR' - động lực để sinh viên sáng tạo
,

(VietNamNet) - Đêm 18/9, tại Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, VTV2, ĐHQG TP.HCM cùng Thành Đoàn TP.HCM đã tổ chức buổi gặp mặt và tuyên dương các thành viên Đội FXR - vô địch Robocon 2004 khu vực châu Á-Thái Bình dương.

Soạn: AM 143967 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Tin thắng trận vào ngày 11/9 đã lan rộng và làm nức lòng sáu triệu dân TP.HCM.

Đến tham dự buổi lễ có bí thư Thành uỷ Nguyễn Minh Triết, phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Tấn Phát, phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn và anh Võ Văn Thưởng - bí thư Thành Đoàn TP.HCM.

Phát biểu tại buổi lễ, TSKH Nguyễn Thiện Nhân, phó chủ tịch thường trực UBND TP,HCM cho biết: Ngày 11/9, tin chiến thắng từ Hàn Quốc đã nhanh chóng lan ra và làm nức lòng sáu triệu người dân Thành phố cũng như nhân dân cả nước. Lãnh đạo Thành phố cũng rất vui mừng và tự hào trước thành tích này.

"Chúc mừng FXR thi đấu thật ấn tượng!". "Chúc mừng các bạn! Các bạn đã đoạt chức quán quân. Hy vọng sẽ gặp lại các bạn trong cuộc tỷ thí tại Bắc Kinh vào năm 2005". "Kỹ thuật vượt bậc, chiến thắng vượt bậc!"... Đây là bút tích của các đội bạn Maylaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc... tham dự Robocon châu Á-Thái Bình dương ghi lại trên hộp quà dùng để thi đấu. Chiếc hộp này đã được phóng viên Nhật Hoa của VTV, người trực tiếp sang Hàn Quốc tác nghiệp, giới thiệu với các khán giả trong buổi lễ.

ThS Huỳnh Văn Kiểm cũng xin được tấm băng-rôn của cổ động viên (CĐV) Hàn Quốc mang dòng chữ: "We love Vietnam! FXR! You can do more than what you think!" (Chúng tôi yêu Việt Nam! FXR! Các bạn có thể làm được nhiều hơn những gì các bạn nghĩ!)

Soạn: AM 143971 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Các thành viên FXR nhận bằng khen và 150 triệu đồng tiền thưởng của Thành Uỷ, UBND TP.HCM.

Tại vòng thi đấu, Nguyễn Hải Linh là người bốc lá thăm thi đấu, tuyển Việt Nam đã lọt vào bảng D3 và sẽ thi đấu với các nước Nhật Bản, Sri Lanka. Khi được hỏi có cảm thấy tự tin sau khi biết mình sẽ thi đấu với Nhật, Hải Linh kể: Robot cản phá của Nhật rất độc đáo và nằm ngoài dự đoán trước đây. Con robot này được làm với kỹ thuật rất cao, có thể tự định hướng và di chuyển rất nhanh. Chỉ trong vòng 10 giây, nó đã có thể đến gần "Chức Nữ" và dùng một cánh tay trùm "Chức Nữ", ngăn cản không cho bất kỳ robot nào có thể tặng quà. Vì vậy, cả hai đội thi đấu sẽ phải phân thắng bại bằng cách ghi điểm. Song do di chuyển nhanh nên "gót chân A-sin" của robot này là chỉ cần một va chạm nhẹ thì sẽ lật đổ. Quý Ngọc (đội trưởng) đã bàn với các thành viên sẽ làm một "món quà" để tặng đội Nhật Bản. Ngay đêm hôm đó, cả đội đã thức đến 3 giờ sáng để chuẩn bị chu đáo "quà tặng" cho robot cản phá của Nhật. Đó là một cánh tay được cải tiến dài hơn, có thể thu vào hoặc vươn dài theo sự điều khiển. Robot cản phá này vì vậy đã ngăn được robot tự động của Nhật Bản, giữ cho nàng "Chức Nữ" có thể nhận quà đoàn tụ. Sau cuộc đấu, đội trưởng Nhật Bản đã cho biết: Khi thử sân, nhóm đã không quan sát kỹ và không thấy robot cản phá của Việt Nam, vì vậy đã khá tự tin mà không có chiến thuật chuẩn bị. Mọi thành viên khác của đội Nhật Bản cũng không ngờ robot cản phá của Việt Nam có thể cản phá hay đến như vậy... 

Tại lễ tuyên dương, Thành Uỷ TP.HCM đã tặng 100 triệu đồng cho trường ĐH Bách khoa TP.HCM và 150 triệu đồng cho đội tuyển. ĐHQG TP.HCM cũng trao tặng Đội FXR 30 triệu đồng. Đài Truyền hình Việt Nam tặng cho mỗi thành viên một màn hình tinh thể lỏng. Ngoài ra, bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong cũng đã ký quyết định tặng cho Đội FXR 400 triệu đồng.

Ngay từ lúc bắt đầu trận đấu, nhiều người đã nhận định: Việt Nam và Trung Quốc là hai đội nặng ký cho chức vô địch. Đội Trung Quốc mang đến sân thi đấu đến tám-chín robot và cùng cho tất cả chạy thử sân. Trong đội hình này, có một robot cản phá và "chuyên nghề" bắn rớt quà vàng trên tay đội bạn. Tối hôm đó, sau khi thảo luận và bàn bạc, Đội FXR đã thử tính toán đội hình ra sân của Trung Quốc để có chiến thuật ứng phó. Và hôm sau thi đấu, những con robot ra sân của đội Trung Quốc đã hoạt động đúng như dự đoán. Nhờ vậy, FXR đã knoct out thành công đội Trung Quốc.

Trong quá trình thi đấu, các thành viên trong Đội liên lạc và trao đổi với nhau qua một loại tai nghe tự chế. Loại tai nghe này được các thành viên học tập lại từ các bạn sinh viên (SV) trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và cải tiến thêm cho gọn nhẹ, chỉnh theo tần số FM. Tai nghe này tỏ ra hiệu quả không kém tai nghe xịn của các đội Nhật, Hàn Quốc.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc SV Việt Nam luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi Robot khu vực có gắn với triển vọng tự động hoá Việt Nam, TS Lê Hoài Quốc, trưởng Bộ môn Kỹ thuật Điều khiển, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: "Việc đoạt giải thưởng có ý nghĩa rất lớn đối với tuổi trẻ Việt Nam nói chung và đặc biệt có ý nghĩa với sinh viên ngành Tự động hoá nói riêng. Với đà chiến thắng này, sự say mê sáng tạo của sinh viên sẽ được thắp sáng thêm. Sinh viên có động lực sáng tạo, có ý thức tìm tòi, vận dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn".

Soạn: AM 143973 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Các thành viên của FXR tại lễ tuyên dương.

Anh Phạm Việt Tiến, Ban Khoa Giáo VTV, cũng cho biết: Ngay sau cuộc thi Robocon đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, sinh viên đã có nhiều sáng tạo đưa vào ứng dụng thực tế. Đó là máy bán hàng tự động, robot mổ chấn thương cột sống, robot  lấy sách và chuyển sách trong thư viện,...

Tuy vậy, TS Lê Hoài Quốc nói: "Mặc dù vậy, từ việc đoạt giải Nhất các cuộc thi khu vực đến quá trình tự động hoá sản xuất trong nước vẫn còn một khoảng cách khá xa, vì phải có sự đầu tư đồng bộ và rất tốn kém. Tuy nhiên, một khi SV đã có ý thức tìm tòi và sáng tạo thì những kiến thức họ tích luỹ được sau khi ra trường sẽ là một trong những nguồn lực để chuẩn bị cho quá trình tự động hoá."

Phỏng vấn nhanh ThS Huỳnh Văn Kiểm, chỉ đạo viên Đội FXR

- Thầy đánh giá thế nào về cuộc thi này, về đội Việt Nam so với các đội bạn (tâm lý, kỹ thuật, tinh thần đồng đội...)?

Soạn: AM 144041 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
ThS Huỳnh Văn Kiểm, chỉ đạo viên của Đội tuyển FXR, người hai lần dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thi đấu đoạt chức vô địch.

- ThS Huỳnh Văn Kiểm: Cuộc thi Robocon châu Á-Thái Bình dương là một cuộc giao lưu về kỹ thuật, giao lưu bè bạn giữa các trường ĐH  thuộc các nước trong khu vực châu Á. Một số đội tham gia đã qua nhiều kinh nghiệm thi đấu, Việt Nam là một trong số những đội đó. Chất lượng robot của các đội thi đấu gần như ngang ngửa nhau, tuy nhiên quá trình thi đấu nhiều đội đã không có kết quả cao.

Đội FXR là một trong những đội có ý thức ngay từ đầu là đi thi phải đoạt giải thưởng. Do có sự chuẩn bị khá chu đáo, tâm lý của các thành viên thi đấu rất tự tin. Các đội bạn ngay từ đầu cũng đánh giá rất cao về robot FXR. Trong quá trình thi, các thành viên FXR đã có thể hiện tinh thần đoàn kết và kỷ luật rất cao. Các trận đấu đều được các em bàn bạc và phối hợp khá ăn ý. Ngay trong trận đấu  đầu tiên, Việt Nam đã gặp robot Nhật Bản là một đội rất mạnh nên gây sức ép tâm lý cho các thành viên. Rất may là chúng ta đã vượt qua!

- Đâu là những nét sáng tạo của năm robot Việt Nam lần này? Chúng có đặc điểm gì nổi bật để có thể chiến thắng được robot của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc?

- Đặc điểm lớn nhất của các chú robot lần này là đã có tính chuyên nghiệp rất cao. Hầu hết các robot đều được tính toán lập trình để đảm bảo về mặt chiến thuật, đồng thời các robot không có những chi tiết thừa. Ngoài ra, robot FXR còn kế thừa và sáng tạo thêm từ những ý tưởng hay của các đội thi đấu Robocon trong nước. Điểm sáng tạo được xem là bứt phá của FXR là dùng giác hút (để treo móc áo quần ở trong... toa-let) và bơm chân không vào đầu hút để giữ chặt quà, khiến cho robot Trung Quốc rất nhiều lần giựt quà vẫn không thể lấy được.

Hay như đêm trước ngày thi đấu vòng chung kết với Trung Quốc, các bạn đã có ý tưởng làm cần câu cho robot cản phá bằng một...  loại ăng-ten radio. Con robot này đã cản phá rất thành công robot cản phá của Trung Quốc, góp phần quan trọng mang lại chiến thắng.

- Với tư cách là một người hướng dẫn Đoàn thi đấu đoạt giải thưởng rất vinh dự cho đất nước, đâu là các kỷ niệm đáng nhớ của thầy trong chuyến thi đấu này?

- Đáng nhớ nhất là những lúc lo lắng quên ăn quên ngủ tìm đấu pháp thích hợp cho từng trận. Và vui nhất có lẽ là lúc... chúng ta đoạt ngôi quán quân. Có lẽ đến lúc đó tôi mới thở phào và yên tâm là đã hoàn thành nhiệm vụ.

Lần trước đi thi đấu ở Nhật Bản, Đoàn Việt Nam thi đấu rất căng thẳng và thi xong là về nước ngay. Lần này, chúng tôi chuẩn bị mọi việc chu đáo hơn. Sau khi thi xong, Đoàn còn dành gần cả một tuần lễ để thi thăm đất nước Hàn Quốc, đến giao lưu với các trường ĐH để mở mang tầm nhìn. Chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến giao lưu với trường ĐH Pukyon, ĐH Korean Marintime (MU). Các giáo sư và các bạn sinh viên Hàn Quốc đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình và nồng hậu. FXR cũng làm quen được với rất nhiều các thành viên câu lạc bộ Robot của ĐH MU.

- Ngoài ý nghĩa rất lớn về giá trị tinh thần, việc đoạt chức vô địch có giá trị giải thưởng như thế nào?

- Giải thưởng mang tầm vóc quốc tế nên không có giá trị về mặt tiền bạc mà chỉ có giá trị danh dự. Ngoài việc đài thọ kinh phí đi và về (vé máy bay, chi phí khách sạn, xe đưa rước thi đấu...) và những chiếc cúp vô địch, Ban tổ chức không thưởng gì khác thêm cho đội đoạt ngôi quán quân.

- Xin cảm ơn thầy.

Thu Thảo (thực hiện)

Bài, ảnh: Thu Thảo

Tin, bài liên quan:

Robocon Việt Nam: Vô địch châu Á-Thái Bình dương!                 

Cú đúp của FXR: Vô địch Robocon 2004 VN và khu vực

FXR đã chuẩn bị ra sao cho "cú đúp"?

Đường đến vinh quang của FXR tại Hàn Quốc

Kể từ Daegu (Hàn Quốc): Tuyệt vời, những trận nốc ao!

FXR giao lưu với sinh viên Hàn Quốc

Đón Đội FXR: Lắm hình thức, ít nội dung!

Sáu trận thắng KO, FXR vô địch Robocon 2004! 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,