- “Nạn nhân” của các vụ tai tiếng – ca sĩ Duy Mạnh, Mỹ Lệ, Thu Minh…đồng thanh nhất trí như vậy trong cuộc bàn tròn nghệ sĩ ứng xử với xì căng đan.
- Mỹ Lệ giãy nảy khi thấy mình ảo tưởng?
- Xì căng đan Vàng Anh và sự "xâm lăng" văn hóa
- Khi Sao bị "vạch áo cho người xem...?"
“Thu Minh: Tôi không vô học”,“Duy Mạnh đạo nhạc…Campuchia?”,“Kinh Quốc: Người yêu tôi phải đẹp như Tăng Thanh Hà”…Những cái tít kiểu như trên đang ngự trị nhan nhản khắp các trang tin điện tử, luồn lách trong mọi ngóc ngách của đời sống mạng internet và chễm chệ trên bìa các ấn phẩm giải trí.
Tất cả chúng đều có thể trở thành nguyên nhân làm bùng nổ những vụ điều tiếng, cãi vã, gọi nôm na là xì căng đan trong đời sống văn nghệ.
Giải ăn mặc phản cảm năm 2008 của tạp chí Mốt gây ầm ĩ khi bị phản ứng bởi ca sĩ Mỹ Lệ, Anh Khoa – đại diện ca sĩ Thu Minh, luật sư Trương Đình Tùng, MC Thanh Bạch |
Vẫn biết dù muốn hay không, xì căng đan luôn tồn tại như một mặt tất yếu của làng giải trí. Nhưng sự lấn át mạnh mẽ của nó trước các nội dung nghệ thuật nghiêm túc trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong vài năm gần đây, đã ở mức báo động đỏ. Đây cũng là nguyên cớ để báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm Nghệ sĩ ứng xử với xì căng đan với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà báo, luật sư, chuyên gia tâm lý.
Sống chung với…xì căng đan
“Ca sĩ làm ra một sản phẩm âm nhạc như CD, live show nhưng chưa chắc được độc giả chú ý, cái mà mọi người quan tâm bây giờ là ca sĩ nào đang cặp với ai, gia đình nào sắp li dị…”, ca sĩ Mỹ Lệ - người gây ầm ĩ trong làng giải trí năm 2008 vì bị “dính” đề cử giải ăn mặc phản cảm – lên tiếng.
Nghệ sĩ hài Minh Béo cho rằng, ngoài sản phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ, khán giả luôn có nhu cầu được biết về cuộc sống riêng tư của họ. Nhưng việc thoải mái phơi bày đời tư hoặc đôi khi lỡ lời trong cách ăn nói với báo chí đã khiến không ít người nổi tiếng “dính” vào chiếc bẫy xì căng đan, gây rất nhiều ảnh hưởng cho cuộc sống riêng tư và những người thân của họ.
Đơn cử, diễn viên Kinh Quốc không thể ngờ là câu nói đùa của anh sau khi kết thúc buổi phỏng vấn rằng “người yêu tôi phải đẹp cỡ Tăng Thanh Hà”, đã được người viết giựt lên thành tít trong bài viết. Để bây giờ, cô gái nào có ý định đến với anh đều phải e dè vì…”em không được đẹp như Tăng Thanh Hà”, theo như lời anh chia sẻ tại tọa đàm.
Để đối phó tai nạn kiểu này, ca sĩ Thu Minh, Duy Mạnh, Mỹ Lệ…thường chọn cách trả lời phỏng vấn báo chí qua email hoặc yêu cầu cho xem lại bài phỏng vấn trước khi đăng, để mọi thông tin, phát ngôn đều được kiểm soát trên “giấy trắng mực đen”. Nhưng theo Thu Minh thì “ngay cách làm này đôi khi cũng không ăn thua vì người viết tay này gửi bài cho xem lại nhưng tay kia đã gửi về tòa soạn”.
Các tạp chí, ấn phẩm giải trí và trang tin điện tử được ca sĩ Mỹ Lệ cho là thủ phạm chính gây ra nhiều vụ xì căng đan. Chị nêu ví dụ, một tờ tạp chí gọi điện cho chị và “ép” chị phải thanh minh cho kết luận của họ là: Ca sĩ Mỹ Lệ bị…ảo tưởng.
Nhưng mặt khác, một bộ phận không nhỏ giới nghệ sĩ đã cố tình tạo xì căng đan cho mình trên truyền thông bằng những “thủ đoạn” như nói xấu đồng nghiệp, dọa kiện cáo, tung ảnh nóng hay phơi bày chuyện riêng tư. “Một ca sĩ trẻ phát biểu trên báo là giới ca sĩ bây giờ thác loạn lắm, tôi hỏi lại cụ thể là ai thác loạn thì người đó không trả lời được”, ca sĩ Duy Mạnh bức xúc.
Trong một xì căng đan khác, các phóng viên, nhà báo tự thu thập chữ ký, xác nhận bình chọn để làm rõ kết quả giải ca sĩ trẻ triển vọng Làn Sóng Xanh 2008 |
Bình tĩnh xử lý hay im lặng chìm xuồng?
Đây là hai kiểu phản ứng chung nhất khi người nổi tiếng phải đối mặt với những tai tiếng liên quan đến chuyện đạo đức, lối sống và nhân cách cá nhân.
Nghệ sĩ sân khấu Đức Hải nêu kinh nghiệm: “Từ hồi tôi làm nghệ sĩ tới giờ thì chưa có xì căng đan nào nhưng tin đồn thì nhiều lắm. Dù nghệ sĩ là những người rất nhạy cảm, dễ khóc dễ cười, nhưng điều quan trọng là phải bình tĩnh để xử lý các tình huống một cách văn hóa nhất và phải có trách nhiệm với nội dung thông tin, phát ngôn của mình”.
Luật sư Lê Quang Vi: Trong trường hợp nghệ sĩ tự tạo xì căng đan cho chính mình, pháp luật không có quy định chế tài đối với hành vi này. Đây là hành vi thuộc về đạo đức xã hội, thể hiện trình độ văn hóa của người đó. |
Nghệ sĩ hài Minh Nhí đồng quan điểm này và cho rằng anh đã thực sự bình tĩnh khi đối diện với tin đồn “Minh Nhí trốn đi Mỹ”. “Với tôi, bình tĩnh là số một, để xem xét cái gì mình đúng, cái gì mình sai, nếu đúng thì mình cứ tự hào, sai thì phải sửa”, anh nói.
Và anh giải quyết bằng cách đến từng nhà lãnh đạo có trách nhiệm để trình bày hoàn cảnh, đưa ra bằng chứng giấy tờ chủ quyền nhà, xe để cho thấy mình “không trốn đi Mỹ” như lời một số tờ báo.
Khác với nhiều nghệ sĩ cố gắng đến từng tọa soạn để phân trần vụ việc, người mẫu Trang Trần, nghệ sĩ hài Minh Béo hay ca sĩ Quang Hà chọn cách im lặng để mọi thứ…chìm xuồng.
Với các vụ xì căng đan có “dính” tới pháp luật, mọi thứ sẽ phức tạp hơn. Dù trong nhiều vụ việc, nạn nhân có thể viện đến các điều luật về bảo vệ quyền nhân thân, bảo vệ bí mật đời tư…để can thiệp. Nhưng đến nay, vẫn rất ít vụ việc mà hai bên thủ phạm và nạn nhân phải kéo nhau đến tòa án. “Nói thẳng, em cũng không muốn gây thù chuốc oán với báo chí vì thành công của em hôm nay cũng có phần nhờ báo chí”, ca sĩ Thu Minh nêu quan điểm.
Nhưng tất cả các ý kiến đều đồng tình cho rằng: Dù ai thắng ai thua, ai được ai mất sau những xì căng đan, thì vụ việc cũng đã gieo những ảnh hưởng xấu đến các bạn trẻ luôn coi người nổi tiếng là thần tượng.
-
Bài, ảnh: Minh Chánh