Làm gì để doanh nghiệp không “ngại” báo chí ?
- Nhiều diễn giả tham dự buổi toạ đàm “Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp” cho rằng cần tạo dựng sự bình đẳng trên cơ sở công khai, trung thực giữa nhà báo và doanh nghiệp.
>> Báo chí đã cho thấy không khí xã hội dân chủ
Sáng 28/10, Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM, Hội Nhà báo Việt Nam, Cục báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) và CLB Doanh nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Làm thế nào để khắc phục tình trạng thông tin sai sự thật đối với doanh nghiệp, doanh nhân; cải chính và hậu cải chính”
Doanh nghiệp “ngán” báo chí (!)
Phát biểu mở đầu, ông Phạm Quốc Toàn, Phó chủ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: nhìn chung nhiều doanh nghiệp (DN) rất đồng thuận với báo chí nhưng cũng không ít DN rất “ngán ngại” báo chí. Tình trạng “né” báo chí…buộc nhà báo phải tìm nguồn khác để đưa tin, dẫn tới việc đưa tin không chính xác, gây thiệt hại cho DN.
Ông Toàn đặt câu hỏi: “Nếu là DN làm ăn đàng hoàng, minh bạch thì làm gì phải sợ nhà báo ?”
Tuy nhiên, ở góc độ thực tế, bà Phan Thị Tuyết Mai – Giám đốc Công ty Tài Nguyên Seafood lại đưa ra ví dụ vì sao DN lại “ngại” nhà báo như vậy. Câu chuyện của bà Mai xoay quanh một bài báo “khen” quá lời về công ty của bà trên tờ báo T (chuyên về kinh tế). Người viết báo đã không gặp phỏng vấn, nhưng lại trích lời bà để “ca” hết lời về dự án của công ty – mà theo bà là "chưa đến “tầm” như vậy" !!
Bà Phan Thị Tuyết Mai đang bày tỏ bức xúc về thông tin sai lệch trên báo chí...
“Bài báo ra xong, tôi phải gọi điện cho các thành viên HĐQT thanh minh là tôi không nói điều đó. Nếu phóng viên gặp tôi, trao đổi thẳng thắn thì đâu đến nỗi một bài báo khen DN lại làm chúng tôi “khổ” đến vậy…”
Tiếp lời bà Mai, ông Văn Đức Mười - Giám đốc Công ty Vissan nhắc lại câu chuyện “nóng hổi” cách đây hơn 2 tuần, khi công ty ông tham gia chương trình bình ổn giá của TP. Một tờ báo B. không biết lấy thông tin từ đâu đăng nội dung công ty Vissan tăng giá 5% đối với sản phẩm thịt heo ? Bức xúc vì tin không chính xác, ảnh hưởng uy tín DN, ông gọi điện đến toà soạn đề nghị đính chính. Tuy nhiên, đính chính chờ mãi không thấy, chỉ thấy một dòng trong bài viết khác, đại ý là “trao đổi với ông Mười, biết công ty Vissan chưa tăng giá…”
Về phía DN mình, ông Trần Mạnh Châu – Tổng giám đốc công ty Phát triển nhà Sài Gòn cho rằng: nhiều phóng viên chưa tuân thủ đúng quy trình tác nghiệp, dẫn tới sai sót khi thông tin trên mặt báo. Ông đặt câu hỏi: “Thử hỏi có bao nhiêu bài phỏng vấn được người được phỏng vấn đọc lại và ký tên theo Luật báo chí…(?) Phải nói là rất ít. Tôi sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi phỏng vấn nếu các phóng viên “sòng phẳng” như vậy !!”
Buổi toạ đàm rất cởi mở, chân tình...được cho là có ích cho cả DN và các cơ quan báo chí.
Cần lắm sự bình đẳng, trung thực...
Ông Bùi Huy Lan – nguyên Cục phó cục Báo chí VN cho rằng: “nỗi sợ” của một số DN với báo chí là có thật. Tuy nhiên, nếu báo chí có đưa tin sai, thậm chí có tiêu cực, nhưng cũng có DN mờ ám làm ăn không đàng hoàng; có tư tưởng mua chuộc phóng viên, thao túng thông tin…
Ông Lan cho rằng, để hạn chế việc này cần phải tạo dựng được mối quan hệ bình đẳng giữa các DN và nhà báo. DN có nhiệm vụ cung cấp thông tin một cách chính xác và đầy đủ cho báo chí, không thiên vị giữa các báo lớn với báo nhỏ. Các cơ quan báo chí cũng có trách nhiệm với thông tin, bằng cách kiểm chứng thông tin, đưa hay không không đăng vào thời điểm nào để có lợi cho người đọc…
Bà Đặng Thị Vân An – Phó cục trưởng Cục báo chí (Bộ TT&TT) cho rằng: điều quan trọng là DN và báo chí cần hiểu được nghề nghiệp của nhau để làm việc thuận lợi hơn, thông tin nhiều chiều, tránh xảy ra những sai lầm đáng tiếc. Muốn vậy, báo chí và DN cần chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình, nhưng trên tất cả là tính xác thực của thông tin. Bởi quyền được thông tin và thông tin chân thực luôn là những gì độc giả và dư luận xã hội đòi hỏi.
-
T.Thiện