Bi kịch “thừa mặn, thiếu ngọt” ở hạ nguồn
– Lũ đầu nguồn không về khiến cho nhiều khu vực ở Bạc Liêu thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nuôi cá không được, trồng lúa cũng không xong...
Ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, dù huyện chỉ mới xuống giống được hơn 8.000 ha (50% diện tích theo kế hoạch) nhưng có trên 1.000 ha lúa bị thiệt hại vì bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.
“Lúa - tôm” cũng khóc
Đã cuối tháng 10, vậy mà trên kênh Quảng Lộ - Phụng Hiệp, tại khu vực ngã tư Ninh Quới (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu), nơi dẫn nước từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau chỉ cao hơn mực nước biển 0,2 m. Năm ngoái, cùng thời điểm này, dù khô hạn nhưng mực nước kênh luôn cao hơn mực nước biển từ 0,4 đến m 0,45 m.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, mực nước kênh thấp, khiến cho việc xả mặn để trồng lúa ở Bạc Liêu và Cà Mau gặp nhiều khó khăn.
“Năm rồi, tui lỗ gần 20 triệu đồng vì lúa trồng trên đất nuôi tôm bị mất trắng do thiếu nước ngọt. Năm nay, tui đã chuẩn bị giống đâu vào đó rồi nhưng không dám gieo sạ vì nồng độ mặn trên ruộng còn quá cao”, ông Lâm Văn Chanh ( ấp 21, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, Bạc Liêu), một trong những nông dân đang áp dụng mô hình sản xuất “lúa – tôm” (mùa khô nuôi tôm, mùa mưa trồng lúa) phân bua.
Lũ đầu nguồn không về, nhiều kênh dẫn nước ngọt ở Bạc Liêu bị khô cạn, lúa chết khô vì nhiễm mặn. Ảnh: Trung Liêu |
Do nguồn nước ngọt ở Bạc Liêu ngày càng suy giảm nên mô hình “lúa – tôm” đã được áp dụng rộng rãi ở vùng phía bắc của tỉnh. Song đến thời điểm này, ông Đặng Tấn Hoài - Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai cho rằng, vẫn chưa thể bắt dân gieo xạ vì sự thất bại gần như chắc chắn, do độ mặn quá cao.
Theo những nông dân có kinh nghiệm, với độ mặn dưới 3%o (phần ngàn) cây lúa có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, nước ở các khu vực nuôi tôm hiện nay có độ mặn trên 10%.
Xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai có diên tích thực hiện mô hình "lúa - tôm" là 3.000 ha. Đây là xã thừa nước mặn, thiếu nước ngọt, vì nằm dọc theo các cống xả trên tuyến QL 1A, cuối nguồn nước ngọt. Năm ngoái, do thiếu nước ngọt nên toàn bộ diện tích lúa trồng trên đất tôm của xã Phong Thạnh bị mất trắng.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Giá Rai, trong năm 2009, có hơn 12.000 ha lúa gieo sạ trên đất nuôi tôm bị mất trắng do khô hạn. Vụ lúa năm nay, nông dân ở đây lại đối mặt với bi kịch cũ: thiếu nước.
Ông Mai Chí Tính – Chủ tịch UBND huyện Giá Rai cho biết mặc dù huyện đã điều chỉnh kế hoạch trồng lúa trên đất tôm từ trên 5.000 ha xuống còn 2.000 ha, thế nhưng không chắc thực hiện được.Đa số nông dân đều không muốn gieo sạ trong điều kiện thời tiết diễn biến quá bất lợi.
Xuống giống 3 - 4 lần đều tiêu
“Những năm trước vào thời điểm này ruộng lúa của tui ít nhất cũng được 1 tháng tuổi, vậy mà năm nay …”, chỉ tay về ruộng lúa đã chết lụi, ông Danh Sung (ấp Đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), ngao ngán.
Dân nuôi cá “treo mùng” Không chỉ có cây lúa, người nuôi tôm, nuôi cá ở tỉnh Bạc Liêu cũng đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước ngọt. Tại các xã Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A của huyện Hồng Dân, là những nơi có nghề nuôi cá lóc mùng (nuôi trong mùng lưới) trên các sông, rạch khá phát triển nhưng hiện nông dân đang lo sốt vó vì nước trên các trục kênh ngày càng cạn kiệt. Hậu quả của tình trạng này, là nguồn nước bị ô nhiễm làm cho cá dễ bị nhiễm bệnh và tăng trọng chậm. Gần 50 hộ dân thực hiện mô hình này trên địa bàn hai huyện Hồng Dân và Phước Long đã phải “treo mùng” vì dịch bệnh. Chị Nguyễn Kim Hồng ở xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân - người mới thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn vay để nuôi cá lóc mùng buồn rầu cho biết chắc gia đình sẽ lại đói nghèo như trước vì hiện chưa biết phải làm gì sau khi “treo mùng”. |
Cách đây hơn một tháng, thấy đã quá trễ lịch thời vụ nên ông Sung quyết định mạo hiểm xuống giống với hy vọng trời sẽ mưa nhưng lúa sạ xuống chỉ mới lên mầm đã chết hết do nước trong ruộng còn quá mặn.
Tính từ đầu vụ đến giờ ông Danh Sung đã sạ đến 4 đợt, song lần nào cũng bị thiệt hại. Hiện nay, ông đã xin mạ về cấy tiếp nhưng lo âu nếu nắng nóng lại tiếp diễn, không biết diện tích mạ mới cấy có sống được hay không?
Chẳng riêng gì ông Danh Sung, hầu hết diện tích lúa trồng trên đất nuôi tôm của nông dân lân cận đều rơi vào trường hợp tương tự.
Ông Lại Văn Huỳnh, ở gần nhà ông Sung buồn rầu vì đã sạ đến lần thứ 3 trên 14 công đất, kết quả lúa chỉ còn sống lưa thưa chưa đầy 2 công (2. 000 m2).
So với Giá Rai, huyện Hồng Dân và Phước Long (Bạc Liêu) là hai huyện có điều kiện thực hiện mô hình "lúa - tôm" tương đối thuận lợi hơn.
Tuy vậy, cho đến thời điểm này số diện tích được gieo sạ đạt khá thấp so với yêu cầu kế hoạch. Hàng năm, khoảng trung tuần tháng 8 dương lịch là nông dân đã cải tạo đất và xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Thế nhưng, năm nay đến thời điểm này, nông dân vẫn chưa cải tạo được bởi lượng mưa rất ít và nước trên các trục kênh, nhất là các kênh nội đồng độ mặn vẫn còn khá cao.
Ông Nguyễn Văn Lẹ (ấp Ninh Thạnh 2, xã Ninh Hoà, huyện Hông Dân) có 2,5 ha vuông tôm cho biết, mấy năm trước vào thời điểm này là trong vuông của ông lúa đã xanh tốt. Năm nay, do không có nước ngọt nên ông chưa thể cải tạo ao vuông để xuống giống.
“Do lũ thượng nguồn không về cộng với tình trạng nắng nóng kéo dài, nhiều khả năng sẽ có hàng ngàn ha ở địa phương này không thể trồng lúa trên đất nuôi tôm, do thiếu nước ngọt”, ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, nhận định.
Theo ông Hiếu, dù huyện chỉ mới xuống giống được hơn 8.000 ha (50% diện tích theo kế hoạch) nhưng đã có đến trên 1.000 ha lúa bị thiệt hại vì bị nhiễm phèn mặn.
Kế hoạch bất khả thi
Theo kế hoạch, năm 2010, diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu là 29.000 ha. Thời vụ xuống giống được xác định gói gọn trong tháng 9 dương lịch. Vậy mà tính đến ngày 21 tháng 10, tỉnh mới xuống giống được 20.000 ha (chưa tính diện tích lúa bị thiệt hại).
Ông Phan Minh Quang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho hay nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở tỉnh này chủ yếu dựa vào nước mưa và nước từ dòng sông Hậu (thông qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp).
Tuy nhiên, do năm nay lũ không về nên mặc dù Công ty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã mở hết các cống dọc theo tuyến Quốc lộ 1A xả nước mặn để dẫn ngọt nhưng lượng nước được kéo về không được bao nhiêu.
Nước quá mặn nên tôm nuôi cũng chết. |
Điều đáng lo ngại nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là nhiều tuyến kênh của vùng sản xuất lúa tôm trong tỉnh có độ mặn vẫn còn khá cao.
Trên các trục kênh của huyện Giá Rai, Phước Long độ mặn đo được khoảng 10%o. Các giống lúa hiện nay không thể phát triển được với độ mặn như vậy.
Ông Quang, nhận định: "Bạc Liêu là tỉnh cuối nguồn nước ngọt, trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn do lượng nước ngọt được dẫn về từ sông Hậu ngày càng ít, cộng với thời tiết ngày càng bất lợi".
Theo ông Quang, Chính phủ cần tăng cường đối thoại với các quốc gia trong khu vực để đảm bảo có sự phân chia lợi ích nguồn nước từ sông Mê Kông một cách hài hòa. Nếu không, ĐBSCL nói chung và vùng bán đảo Cà Mau sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiếu nước ngọt trầm trọng.
Bài 4: Trung Quốc ngăn đập, miền Tây ’đói’ lũ?
-
Trung Liêu