-Dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, những ca bệnh liên tiếp gia tăng.
Ngày 16/9, bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã nhận định như trên.
Mỗi ngày, có khoảng 34 bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám được phát hiện bị sốt xuất huyết. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị nội trú cho 117 trường hợp mắc căn bệnh này. Trong số đó, có khoảng trên 10 ca nặng, bị sốt xuất huyết độ 3, độ 4 phải nằm phòng cấp cứu thở máy.
Từ đầu tháng 9/2010 đến nay, bệnh viện đã phát hiện gần 600 trẻ có chẩn đoán ban đầu bị sốt xuất huyết. Như vậy, các ca bệnh sốt xuất huyết trong tháng 9 đang tiếp tục lũy tiến, có khả năng đến cuối tháng sẽ tăng đến ngưỡng trên 1000 ca.
Một bệnh nhi sốt xuất huyết nặng đang được cấp cứu. Ảnh: Thanh Huyền. |
Giải thích cho việc giữa TP. mà vẫn nhiều người bị sốt xuất huyết, bác sĩ Vinh cho rằng phần lớn bệnh nhi sinh sống ở những quận, huyện vùng ven có nhiều kênh rạch, là môi trường muỗi sinh trưởng và phát triển. Còn tại trung tâm TP., trẻ sốt xuất huyết ít hơn nhưng vẫn gặp do có nhiều công trình xây dựng. Tại đó, tồn tại nhiều vũng nước, xó xỉnh nên dễ trở thành nơi lý tưởng cho loăng quăng và muỗi sinh sôi.
Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cũng đang điều trị cho 143 bệnh nhi sốt xuất huyết, trong đó có 30 ca bị biến chứng về hô hấp. Phòng cấp cứu ở khoa Sốt xuất huyết của bệnh viện này đang tích cực cứu chữa cho khoảng 10 bé sốt xuất huyết nặng.
Các bác sĩ cảnh báo mỗi người dân đều phải tự phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách vệ sinh sạch sẽ nơi ở, không để những vật chứa nước làm điều kiện cho loăng quăng phát triển. Khi thấy người thân trong gia đình có biểu hiện sốt cao khó hạ, mê man, li bì, đau bụng, chảy máu chân răng, máu cam thì cần đưa đến bệnh viện ngay để được cứu chữa kịp thời. Bệnh sốt xuất huyết không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn gặp cả ở người lớn. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể bị các biến chứng nặng nề dẫn đến phù phổi cấp, suy hô hấp và…tử vong.
-
Thanh Huyền