-Người chồng đi làm đồng, bắt được cóc đem về cho vợ nấu cháo. Vợ thấy trứng cóc ngon, tiếc của bỏ cả vào nồi cháo. Sau khi ăn cháo cóc, người mẹ bị ngộ độc, riêng hai con nhỏ (4 tuổi và 15 tháng) tử vong.
Chị C. được chuyển từ bệnh viện địa phương lên khoa Bệnh Nhiệt Đới của Bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 14h5’ ngày 5/9.
Chị C. chưa hết bàng hoàng vì nỗi đau mất con. Ảnh: Thanh Huyền
Tuy tính mạng không còn nguy hiểm nhưng chị C. vẫn chưa hết bàng hoàng, khóc lóc thảm thiết bởi không tin sau khi ăn nồi cháo cóc, 2 đứa con thơ của chị đã ra đi mãi mãi.
“Đứa con gái 4 tuổi của tôi than đói bụng. Đúng lúc đó chồng tôi bắt được con cóc, đem về. Tôi lột da cóc, rửa sạch nấu cháo. Thấy trứng cóc ngon quá, bỏ đi uổng nên tôi cho cả vào nồi cháo. Đứa con gái tôi sau khi ăn được hai chén cháo thì khó thở, tím môi, đi tiêu không tự chủ và chết ở trung tâm y tế"- chị C. kể. "Tôi cho con ăn, mới kịp húp nửa chén cháo nên may mắn thoát chết”.
Chị C. cho biết thêm, sau khi đứa con đầu qua đời khoảng 1 tiếng, đứa con kế mới 15 tháng tuổi cũng tử vong trên đường chuyển viện.
Theo bác sĩ Bính chưa có thuốc đặc trị đối với người bị ngộ độc cóc. Ảnh: Thanh Huyền
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khuyến cáo, tuy thịt cóc là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng nhưng da, gan, trứng và mật cóc lại chứa chất kịch độc. Thông thường khi chế biến cóc, người ta chỉ lấy thịt, còn các bộ phận khác đều bỏ không ăn. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho người ngộ độc thịt cóc. Nếu mức độ ngộ độc nặng, độc tố xâm nhập vào hệ thần kinh, tuần hoàn thì nạn nhân sẽ tử vong. Độ tuổi nạn nhân càng nhỏ nguy cơ tử vong càng cao.
-
Thanh Huyền