Dịch heo tai xanh bùng phát tại khu vực phía Nam

Cập nhật lúc 20:44, 13/08/2010 (GMT+7)

- Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 200.000 liều vắc xin heo tai xanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có loại vắc xin nào đem lại hiệu quả cao.

TIN LIÊN QUAN

Chưa có vắc xin phòng bệnh heo tai xanh

Ngày 13/8, trong cuộc họp khẩn cấp phòng chống dịch heo tại xanh tại khu vực phía Nam, ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú Y cảnh báo dịch heo tai xanh đang phát triển hết sức phức tạp và bùng phát tại các tỉnh, thành phía Nam. Có khả năng khu vực Nam Bộ sẽ tiếp tục xuất hiện một đợt dịch heo tai xanh mới. Cho đến nay vẫn chưa có vắc xin nào có hiệu quả cao trong việc phòng bệnh heo tai xanh.

Nhận định về nguyên nhân của đợt dịch này, ông Năm cho rằng có thể do việc vận chuyển heo giống từ các tỉnh miền Bắc và Trung vào miền Nam để tiêu thụ. Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao cũng là yếu tố àm dịch bệnh dễ phát sinh, đặc biệt là các bệnh về hô hấp.

Ngoài ra, công tác giám sát, phát hiện dịch còn nhiều bất cập. Khi có dịch xảy ra, nhiều hộ chăn nuôi tự mua thuốc điều trị, không khai báo dịch. Đến khi dịch lan rộng không kiểm soát được người dân mới báo cáo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương.

Phải công bố dịch

Heo tai xanh được phát hiện. Ảnh: CCTY.
Heo tai xanh được phát hiện. Ảnh: CCTY.

Tình trạng nhiều hộ chăn nuôi bán chạy heo bệnh cũng là nguyên nhân làm dịch lây lan. Ông Năm cho biết, khi thị sát, có tình trạng một số người dân rao bán heo bệnh chỉ với giá 500.000 đồng, trong khi 100 kg thịt heo bình thường có giá khoảng 2.500.000 đồng.

Trước diễn biến như trên, Cục Thú Y cho rằng các địa phương có dịch phải công bố dịch tại những địa bàn xảy ra dịch và tổ chức bảo vệ vùng chưa phát dịch.

Các cơ quan chức năng kiên quyết không để người dân vận chuyển gia súc ra khỏi ổ dịch, quản lý chặt đàn heo mắc bệnh, giao trách nhiệm giám sát dịch ở từng thôn, ấp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y.

Riêng đối với những trang trại cần cách ly, điều trị heo bệnh, xử lý lợn bị bệnh nặng và chết theo đúng hướng dẫn và vệ sinh tiêu độc chuồng trại, khu vực nguy cơ cao.

Heo tiêm phòng vẫn mắc bệnh

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu người dân nên xử lý xác heo bệnh theo phương pháp ủ hiếu khí vi sinh vật bởi sắp tới đồng bằng sông Cửu Long vào mùa mưa lũ, không thuận tiện cho việc tiêu hủy bằng cách đào hố chôn.

Ông Nguyễn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương cho biết virus gây bệnh heo tai xanh năm nay giống hệt chủng virus heo tai xanh của năm 2007. Ông Tùng nói, sắp tới, Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho Việt Nam 200.000 liều vắc xin heo tai xanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có loại vắc xin heo tai xanh nào đem lại được hiệu quả cao. Bằng chứng cho thấy nhiều con heo đã được tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh.

Từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 2 đợt dịch heo tai xanh. Đợt 1 bắt đầu từ tháng 3, đợt 2 được phát hiện từ ngày 11/6.

Đợt dịch heo tai xanh thứ 2 bắt đầu từ Sóc Trăng, sau đó lan ra Tiền Giang, Bình Dương, Long An, Lào Cai, Quảng Trị…

Cho đến thời điểm này, 16 tỉnh, thành trên toàn quốc là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Hậu Giang có dịch heo tai xanh chưa quá 21 ngày. Trong đó, Đắk Lắk là một trong những nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất với 44.203 con heo mắc bệnh và 3.997 con heo bị tiêu hủy.

Dịch heo tai xanh không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cũng đang trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia lân cận. Cụ thể, heo tai xanh đã xảy ra tại 7/9 huyện ở Viên Chăn của Lào làm cho 630 con heo bị ốm và 2216 con heo chết.

  • Thanh Huyền

Ý kiến của bạn

Các tin khác