- Thiên tiểu thuyết 1Q84 - dài 3 tập dày hơn 1.600 trang, khiến nhiều người cho rằng văn của Murakami chỉ hay nhất khi ông… viết ngắn lại.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tác giả Rừng Na Uy lại gây ồn ào
Sau 5 năm ở ẩn, nhà văn Nhật Haruki Murakami, tác giả Rừng Na Uy, tung ra thiên tiểu thuyết mới 1Q84, có độ dày tổng cộng lên tới hơn 1.600 trang.
Văn chương của Haruki Murakami được xem là một hiện tượng của văn hóa toàn cầu, tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 35 ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt. |
Ngay lập tức, hai tập đầu tiên đã đạt được lượng tiêu thụ khổng lồ cũng như nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình vào thời điểm tháng 5/2009.
1Q84 lôi cuốn người đọc dõi theo câu chuyện về hai người trẻ ở Tokyo bị đẩy vào “phiên bản khác của năm 1984”. Aomame, một huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ nhận làm thêm các phi vụ ám sát và Tengo Kawana, giáo viên một trường luyện thi, làm bán thời gian công việc viết văn và biên tập.
Trải dài trên một dung lượng lên tới 1.055 trang, hai nhân vật chính bám chặt lấy nhau, chia sẻ chung sự sùng bái thầm kín đối với một giáo phái mà họ tưởng tượng, gợi nhớ đến giáo phái Aum và các giáo phái tương tự xuất hiện ở Nhật trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Sự kiện ra mắt 1Q84 đã gây sốt trên thị trường xuất bản của nhiều nước Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. |
Mặc dù số trang dày cộp, nhưng cái kết mà Murakami cung cấp vẫn để lại những câu hỏi lớn không lời đáp: Độc giả không biết chuyện gì sẽ xảy ra với Aomame và Tengo, sự sụp đổ cuối cùng của niềm tin dị giáo không được giải thích rõ. Cũng như, quyền năng kiểm soát "phiên bản năm 1984" lạ lùng của những “người tí hon” - một ẩn dụ của tính hai mặt, giữa “người thức nhận và người thực thi”, “người mẹ và con gái” - đã không được phác thảo một cách rõ ràng.
Trong tập 3, Murakami nhặt lại những chi tiết đã bỏ lửng ở hai phần trước. Nếu ở phần trước, ông dẫn truyện bằng cách thay đổi qua lại góc nhìn của hai nhân vật Aomame và Tengo, thì lần này là Ushikawa. Đây cũng là điểm rất đặc trưng trong tiểu thuyết của Murakami, ông tạo ra các nhân vật chính trần thuật lại câu chuyện, nhưng hoàn cảnh sống của họ gần như hoàn toàn độc lập và cô đơn. Aomame náu mình trong căn hộ an toàn, giấu kín sự cuồng tín với giáo phái, giết thời gian bằng những bài tập thể dục, nấu ăn và đọc sách của Proust. Tengo hàng ngày đi lại giữa phòng trọ và bệnh viện để chăm sóc cha, buổi sáng ngồi viết tiểu thuyết, buổi chiều đọc to cho người cha đang hôn mê nghe những gì đã viết… |
Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ông quyết định ra mắt thêm phần 3 của tiểu thuyết vào mùa hè năm nay, nâng tổng số trang của trọn bộ lên tới 1.657 trang, dài nhất trong sự nghiệp của ông cho tới nay. Lần ra mắt này gây rất nhiều ồn ào trong ngành công nghiệp xuất bản của Nhật.
Murakami biết cách giấu kín nhiều chi tiết trong sách, giống như cách ông chọn ngày bất ngờ để ra mắt tiểu thuyết, điển hình là Kafka bên bờ biển hồi năm 2002. Tập 3 của 1Q84 không nằm ngoài “chiêu” quảng cáo này khi ông chọn thời điểm ra mắt vào lúc nửa đêm tại các hiệu sách ở Tokyo.
Kết quả, chưa đến hai tuần 1Q84 đã bán được 1 triệu bản, làm tăng thêm sự háo hức của người hâm mộ ông ở nước ngoài.
1Q84 được dự báo sẽ gây sốt tại Việt Nam
Danh tiếng của Murakami đang ngày càng một lan xa, đó là điều không thể bàn cãi. Chuyện tất yếu là ông không còn “hào phóng” cho phép các nhà xuất bản nước ngoài cắt gọt truyện của ông khi chuyển ngữ.
Trước đây, các nhà xuất nước ngoài thường “cắt thẳng tay” những cuốn dài hơi của ông như Nhảy nhảy nhảy hay Biên niên ký chim vặn dây cót.
Lý do, biên tập viên muốn che đậy khuyết điểm lớn nhất của Murakami trong tư cách một nhà văn - đó là tốc độ dẫn dắt câu chuyện. Người đọc phải thực sự kiên nhẫn khi ông xây dựng bối cảnh hiện thực cho tác phẩm một cách chậm đều. Các nhân vật đi lê thê trên phố để cật vấn về ý nghĩa cuộc sống và những mất mát, nhấm nháp cốc rượu nhẹ, nghe những bản nhạc phát ra trên máy.
Ở một điểm rơi nào đó của câu chuyện, ông mới “tung đòn” phá vỡ nhịp điệu nhàm chán bằng một bí ẩn lạ lùng, làm thay đổi thế giới mà ông đã hư cấu, thường gây sốc cho độc giả.
Trong tập cuối, không có bất ngờ nào xuất hiện, trừ vài trường đoạn có thể xem là gây được hồi hộp. Vài chương đầu tiên, Murakami “hâm nóng” lại câu chuyện bằng chuỗi hành động. Và do được trần thuật bởi ba nhân vật riêng biệt, Murakami đưa người đọc tới cùng một khám phá nhưng dưới ba góc nhìn khác nhau.
Thiên tiểu thuyết 1Q84 được dự báo sẽ gây sốt tại Việt Nam với bản tiếng Việt mà công ty truyền thông Nhã Nam đang chuẩn bị ấn hành. |
Murakami đã trình bày kết cục thực sự đối với các tuyến nhân vật chính của câu chuyện nhưng một lần nữa, ông lại thất bại trong việc làm giàu thêm chất liệu thần thoại về một vũ trụ hoán đổi, khiến rất nhiều câu hỏi còn vướng lại khi trang cuối cùng đã khép (dù có lẽ không kịch tính như trang cuối của tập 2). Độc giả phải chấp nhận rằng nhân vật Aomame và Tengo là những người tốt vì rất ít chi tiết cho thấy giáo phái mà họ theo là không tốt.
Còn nếu là “fan” của loạt phim truyền hình Lost, độc giả lại có thêm thất vọng vì nó có cùng một kiểu kết thúc giống phim. Murakami đã vứt bỏ nhiều bí mật mà ông đã tạo dựng trong tập 1 và 2, và thay vào đó, chọn cách tập trung vào mối quan hệ cá nhân giữa các nhân vật chính, đặc biệt là quan hệ giữa Tengo và người cha nằm viện. Murakami có vẻ như thoát ra ngoài những trang sách để hướng về cái kết, tìm ra một kết cục để mọi thứ buông trôi.
Chia một cuốn tiểu thuyết ra thành 3 tập không là điều bất thường trong văn chương Nhật. Nhiều cuốn đã từng được in thành nhiều phần để độc giả dễ cầm tay. Nhưng qua thiên tiểu thuyết 1Q84, người ta bắt đầu cho rằng Murakami chỉ tài năng nhất khi ông… viết ngắn.
-
Minh Chánh (theo JapanTimes)