Bài 1:

TP.HCM:Phí đỗ ôtô “bèo”, xe “nằm” cản đường xe "đi"

Cập nhật lúc 14:45, 12/08/2010 (GMT+7)

- Việc cho phép ôtô đậu xe dưới lòng đường trên một số tuyến đường thuộc các quận trung tâm TP.HCM càng làm tình trạng ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng. Đáng nói, do mức phí đậu xe quá "bèo", nhiều chủ phương tiện mặc nhiên coi lòng đường là bãi đậu xe, để xe “nằm dài” suốt ngày.

TIN LIÊN QUAN

Vượt "chướng ngại vật"

Mỗi buổi sáng chở con đi học ngang qua đường Bùi Thị Xuân, chị Ngọc (nhà ở Q.3) đều toát mồ hôi khi phải lách qua dòng xe cộ chật như nêm.

“Đoạn đường chưa đến 1km nhưng khu vực này có tới 3 trường học. Nhiều phụ huynh lại đưa rước con bằng xe hơi, dừng đỗ trước cổng trường nên thường xuyên xảy ra kẹt xe. Chưa kể ở đây cho phép đậu xe có thu phí nên các bác tài cứ cho xe ra vào liên tục, càng làm giao thông tại đây ùn tắc hơn” - chị Ngọc than thở.

Tình trạng tắc đường ở trung tâm TP.HCM ngày càng nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, các tuyến đường có thu phí đậu xe ở quận 1, quận 3 như Trương Định, Trần Cao Vân, Thái Văn Lung, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh… luôn trong tình trạng quá tải.

“Nhiều lần chạy vòng vòng cả buổi hoặc phải đậu xa nơi làm việc mới có chỗ trống. Tôi vừa cho xe ra là xe khác đã “canh me” vào ngay” - anh Minh, nhân viên của một công ty có trụ sở tại đường Sương Nguyệt Anh (Q.1) nói.

Không chỉ người đi đường mà công nhân viên chức của các cơ quan Nhà nước cũng phải than trời vì tình trạng xe đậu tràn xuống lòng đường chắn hết lối đi.

Mới đây, Sở Ngoại vụ TP có công văn đề nghị bỏ bãi đậu xe có thu phí trên đường Alexander Rose do khu vực này thường xuyên ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này.

Theo Sở GTVT, TP.HCM có hơn 70 tuyến đường tổ chức thu phí đỗ xe trên vỉa hè, lòng lề đường. Ngành giao thông TP cũng thừa nhận tình trạng xe đậu tràn lan gây tắc đường. Tuy vậy, Sở GTVT cho rằng tổ chức đỗ xe thu phí dưới lòng, lề đường là giải pháp tình thế trong điều kiện thiếu bãi đậu xe trầm trọng như hiện nay.

Mức phí “bèo”, xe “nằm dài” cả ngày lẫn đêm

Ở nơi "đất chật, người đông" như TP.HCM, lùng mỏi mắt mới có thể tìm được chỗ đậu xe ôtô "lộ thiên" với giá dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức phí đậu ôtô ở một số tuyến đường trung tâm TP với giá 5.000 đồng/lượt khiến các tài xế cho xe đậu ngoài đường cả ngày, lẫn đêm.

“Mỗi ngày họ đóng 5.000 đồng rồi tha hồ để xe từ sáng đến đêm. Một số tài xế còn không đóng, nhân viên thu phí vừa tới thì họ lên xe, vờ lái xe đi nơi khác. Có tài xế còn “quái chiêu” hơn khi dùng vé giả” - chị Hà, nhân viên thu phí ở Q.1 cho biết.

Mới đây, UBND Q.1 đã báo cáo về tình hình thực hiện thí điểm thu phí đỗ xe ôtô trên địa bàn sau 5 năm áp dụng (2005 - 2009). Theo đó, tổng cộng 33 tuyến đường trên địa bàn quận đang tổ chức thu phí đỗ xe với chiều dài khoảng 8,5km.

Trong 5 năm tiến hành thu phí đối với ôtô đậu trên vỉa hè, lòng lề đường, tổng số tiền Q.1 thu được hơn 34,4 tỷ đồng. Trừ đi chi phí về nhân công, vật tư, tuyên truyền… số tiền mà UBND Q.1 nộp ngân sách TP suốt 5 năm khoảng 33 tỷ đồng.

Phí giữ xe ôtô ở lòng lề đường chỉ 5.000 đồng/lượt khiến nhiều chủ phương tiện "mượn đường làm bãi đậu xe". Ảnh: Thái Phương

Làm một phép tính đơn giản, nếu mỗi ngày 1 xe ôtô trả 5.000 đồng/lượt đậu xe dưới đường thì một tháng, số tiền phải đóng là 150.000 đồng. Còn nếu mua vé tháng lại càng rẻ hơn,chỉ 100.000 đồng/tháng.

Ngược lại, mức phí đỗ xe ở một số cao ốc văn phòng, khách sạn lớn ở trung tâm TP khoảng 100.000 đồng/lượt, hoặc tính theo giờ. Chẳng hạn, khách sạn Sheraton, Q.1 giá gởi xe máy là 10.000 đồng lượt trước 11h trưa và tăng thêm 15.000 đồng sau thời gian này. Phí đậu xe ôtô là 100.000 đồng trước 11h và tăng thêm 120.000 đồng sau thời gian này. Nếu giữ xe tháng tại đây, khách hàng sẽ phải trả 400.000 đồng/tháng/xe gắn máy và xe ôtô là 300USD (tương đương gần 5 triệu đồng, tính theo tỉ giá USD hiện tại).

Tương tự, giá giữ xe ở khách sạn Caravelle, Q.1 là 10.000 đồng/lượt ban ngày và 15.000 đồng lượt/đêm đối với xe máy. Đối với ôtô, mức phí thấp nhất ban ngày là 100.000 đồng/lượt và tăng lên 150.000 đồng/lượt vào ban đêm. Sự chênh lệch quá cao giữa bãi giữ xe ở các toà nhà, cao ốc so với giá giữ xe ngoài đường càng khiến ôtô tràn ra đường.

Tăng phí đậu xe sẽ giảm kẹt xe?

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông, trường ĐH GTVT TP cho rằng, cần áp dụng cách tính mức phí đỗ xe tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm thành phố và kiểm soát chặt chẽ việc đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tiến hành cưỡng chế, xử phạt các đối tượng vi phạm. Số tiền thu được dùng để đầu tư cho các hoạt động quản lý đô thị ở địa phương.

“Việc nâng mức phí đỗ xe lên phù hợp với giá trị sử dụng diện tích trong khu vực trung tâm sẽ khiến các nhà đầu tư hào hứng xây dựng bãi đậu xe hơn. Đồng thời, nâng mức phí đậu xe sẽ khiến người sử dụng xe hơi cân nhắc lựa chọn sử dụng phương tiện này một cách hiệu quả, phù hợp với khoảng cách và mục đích chuyến đi” - ông Hùng phân tích.

Thiếu bãi đậu xe, nhiều chủ phương tiện đậu ôtô trái phép trên vỉa hè đường Lê Quý Đôn, tranh cả lối đi với người đi bộ. Ảnh: Thái Phương

UBND Q.1 cũng vừa có văn bản kiến nghị UBND TP cho phép tính phí theo giờ đối với các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Cụ thể, đỗ xe từ 1-3 tiếng là 10.000 đồng; từ 3-6 tiếng là 20.000 đồng và đỗ trên 6 tiếng là 30.000 đồng. Trên đường Hàm Nghi, nếu cho phép xe 50 chỗ đậu, UBND Q.1 cũng đề nghị áp dụng tính phí theo giờ với mức giá như hai tuyến đường trên.

UBND TP đã giao các sở, ban, ngành nghiên cứu lại mức phí đậu xe ở các tuyến đường và sẽ kiến nghị Bộ Tài chính cho phép TP.HCM thu phí đậu xe theo giờ và tăng lên theo thời gian. Giải pháp này nhằm vừa hạn chế kẹt xe, vừa có thêm nguồn thu đầu tư cho cơ sở hạ tầng TP.

  • Thái Phương

Ý kiến của bạn

Các tin khác