Bài 1:

Sống trong “cánh đồng chết” ở Sài Gòn

Cập nhật lúc 11:32, 09/08/2010 (GMT+7)

- Không người thân, không bạn bè, lại mang trong mình những căn bệnh quái ác, họ về sống những ngày cuối đời trong một cánh đồng hoang vắng ở Sài Gòn.

TIN LIÊN QUAN



Nhiều người gọi nơi họ sống là “cánh đồng chết”. Cái tên nghe rờn rợn khiến không ai dám đến gần. Vì thế “cánh đồng chết” lại càng cách biệt với thế giới xung quanh.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, băng qua nhiều đồng cỏ vắng lặng, chúng tôi mới đến được “cánh đồng chết” ( thuộc xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM). Khác với hình dung ban đầu, nơi này không có vẻ gì ghê rợn, chết chóc, chỉ giống một trang trại nhỏ yên bình.

Khu nhà của những người mắc bệnh sống những ngày cuối đời.

Tại đây, có hơn 10 chòi lá nằm sát nhau, được bao quanh bởi một vườn rau xanh tốt, phía trước còn có một ao cá rộng, nước trong xanh. Mọi người đang say sưa làm việc, người thì đẩy đất, đắp mương, một số người thì ngồi trong chòi nói vọng ra trò chuyện ...

Một ông cụ ngồi trong chòi lá thoáng giật mình khi nhìn thấy chúng tôi, nhưng sau đó ánh mắt tỏ ra rất thân thiện. Chúng tôi bước vào chòi, sự ngần ngại qua nhanh, câu chuyện mỗi lúc một thân tình.

Ông cụ nói mình đã hơn 80 tuổi, tên Lý Tử nhưng mọi người thường gọi cụ là cụ Chảy, vì cái chân ông bị hoại tử cứ “chảy” ra mãi không chữa trị được. Ông cụ chỉ có một mình, trước sống bằng nghề bán vé số, giờ sức khoẻ yếu nên về đây sống được 3 tháng nay.

“Từ lúc vô đây, mọi người ai cũng quan đến tui, dù họ cũng bị bệnh nặng. Sống những ngày cuối đời như vầy là tui vui rồi”, ông cụ móm mém nói.

ông Huỳnh Công Dũng, 46 tuổi, bị lao phổi nặng vẫn chăm chỉ làm việc, vui sống.

Với một chân bị hoại tử nặng, ông Nguyễn Văn Hoàng, 47 tuổi sống ở chòi bên cạnh chỉ có thể ngồi một chỗ nhìn mọi người làm việc, nhưng lúc nào ông cũng pha trò, làm nơi đây luôn rộn tiếng cười.

Mất cha, mất mẹ tử nhỏ, phải sống lang thang bằng nghề bán vé số, ăn xin ông Hoàng bị lao phổi từ hồi nào không hay. Khi bác sĩ phát hiện được thì bệnh tình đã quá nặng, không thể chữa trị. Hiện cơ thể ông gần mất hết cảm giác đến nỗi bị ống bô xe máy chạm cháy bỏng chân cũng không hay.

“Tui vô đây được hai năm rồi, được chăm sóc kỹ lắm, nhưng cái chân vẫn không lành. Ngồi xe máy đạp chân lên ống bô mà cũng không biết, đến khi có người nhìn thấy ngón chân “bốc khói” kêu toáng lên, tui mới hay ” ông nói tỉnh bơ như nó không phải chân của mình.

Để thanh thản ra đi

Nhìn người phụ nữ mập mạp, khỏe mạnh đang ngồi nhặt rau, chuẩn bị bữa cơm chiều, không ai nghĩ cô Lan (40 tuổi) lại mang trong mình căn bệnh HIV. Tuy mắc bệnh không thể chữa trị được, nhưng hàng ngày cô vẫn vui vẻ nấu ăn cho mọi người, rồi phụ làm vườn, trồng rau, nuôi gà, thả cá.

“Tui lây bệnh từ chồng, cũng chẳng biết lây từ lúc nào vì cả hai đều làm công nhân. Lúc phát hiện bệnh thì bỏ nhau luôn, không biết giờ ông sống chết thế nào”, cô thoáng chạnh lòng rồi tự an ủi: “
Mình cố gắng sống vui vẻ những ngày cuối cùng để ra đi được thanh thản, có trách móc người thân thì cũng chẳng được gì”

Cô Lan không còn than trách về số phận của mình.

Khác hẳn với cái tên “cánh đồng chết” ghê rợn, những người ở đây gọi nơi đây bằng một cái tên rất nhẹ nhàng: “Nhà Cỏ”. Quản lý “Nhà Cỏ” hiện nay là thầy Hồng Ân và thầy Ngọc, hai con người đã từ bỏ cuộc sống riêng đến đây để giúp đỡ những người bệnh trong những ngày tháng cuối đời.

Nếu không có sự giới thiệu của những người ở đây thật khó để phân biệt các thầy với bệnh nhân vì họ cũng đang chân lấm tay bùn, lo đào mương, đắp đất sửa sang “trang trại”.

Anh Lê Văn Đông bị bệnh lao phổi vẫn sống rất lạc quan.

Thầy Ngọc đã gắn bó với “Nhà Cỏ” gần 7 năm nay từ khi nó mới thành, còn thầy Hồng Ân chỉ mới hơn 30 tuổi, nên lúc nào cũng cười đùa vui vẻ với mọi người.

Những người ở đây cho biết, lúc trước “Nhà Cỏ” có 68 người, họ đều mắc bệnh quái ác, hiểm nghèo. Giờ, nơi này chỉ còn 16 người. Đa số họ bị lao phổi, HIV nhưng đều cảm thấy an ủi vì được sống những ngày tháng cuối cùng trong sự yêu thương trước lúc thanh thản ra đi.

  • Anh Thiên- Cù Mến- Kim Thư

Các tin khác