– “Nó ăn như hạm đội. Hình như nó không biết no, cứ bỏ con tôm, con cá nào vào là nó liền xé thịt nhai ngấu nghiến” anh Khanh, dân chài trên sông Sài Gòn kinh hãi, kể.
Chiều rằm tháng 6/2010, trong đám đông đi viếng chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM) có một cô gái trẻ, mặt buồn rười rượi ghé điểm bán cá - rùa trước chùa mua mấy con rùa nhỏ xinh rồi thả xuống sông Sài Gòn.
Không ngờ, con vật tưởng chừng tội nghiệp mà cô vừa phóng sinh chính là rùa tai đỏ - một loài rùa sát thủ.
“Hung thần mặt đỏ”
“Dân chài tụi tui gọi rùa tai đỏ là “hung thần mặt đỏ” hoặc “rùa má đỏ”. Loài rùa này giờ ở sông Sài Gòn nhiều lắm. Hình như nó xuất hiện càng nhiều thì tôm cá càng ít đi”, anh Huỳnh Văn Khanh (nhà ở phường An Phú Đông, quận 12) tặc lưỡi.
Cô gái vô tình thả rùa tai đỏ ra sông. Ảnh: Thiếu Huyền |
Anh Khanh kể, cách đây hơn 1 năm, lần đầu tiên bắt được một con rùa tai đỏ thấy đẹp đem về nuôi nhưng chỉ được vài ngày đã phát hoảng nên cho người khác. Sau đó, người này cũng hoảng quá nên thả ra sông Sài Gòn.
“Nó ăn như hạm đội. Hình như nó không biết no, cứ bỏ con tôm con cá nào vào là nó liền xé thịt ăn nhai ngấu nghiến", anh Khanh kinh hãi, kể.
Rùa tai đỏ (trên đầu có 2 vệt đỏ) rất hung dữ, lúc đói chúng xơi thịt cả đồng loại. (Trong ảnh: rất nhiều rùa tai đỏ ở chùa Ngọc Hoàng). Ảnh: Thiếu Huyền. |
Gần đây, nhiều hôm, thả lưới từ mờ sáng đến tối mịt nhưng anh Nguyễn Văn Thuận, dân chài ở sông Sài Gòn ( đoạn gần bán đảo Thanh Đa, Q. Bình Thạnh) cũng chỉ bắt được mấy con cá sát.
Nhìn lũ con nheo nhóc ngồi đợi cơm trên thuyền, anh thở dài thườn thượt: “Thả lưới giờ thất bát quá. Nước sông càng ngày càng dơ, cá tôm thì biến đi đâu hết sạch. Thả lưới trúng chỗ có rùa má đỏ, cá lau kính, thì coi như công cốc”.
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản TP.HCM nói, hiện chưa có đơn vị nào khảo sát, đánh giá về số lượng rùa tai đỏ ở sông Sài Gòn cũng như sự tàn phá của nó. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh sự xuất hiện của rùa tai đỏ đang đe dọa đến sự đa dạng sinh học của sông Sài Gòn.
Thả lưới cả ngày nhưng anh Thuận, dân chài ở sông Sài Gòn chỉ bắt được mấy con cá sát. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo khảo sát của một nhóm sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hiện tại chùa Quan Âm (Q. 5), chùa Ngọc Hoàng ( Q. 1), chùa Giác Huệ (Q. 7), chùa Một Cột (Q. Thủ Đức) ... đang lưu giữ rất nhiều rùa tai đỏ do người dân mang đến phóng sinh. Chỉ riêng chùa Ngọc Hoàng số rùa tai đỏ đã lên đến hàng ngàn con.
Hàng tháng theo âm lịch, vào các ngày rằm, mùng một, rất nhiều người mang rùa tai đỏ thả ra sông Sài Gòn để phóng sinh.
“Thuỷ quái” mặt đen
Chẳng đắn đo nhiều, ông Ba Kính, dân chài (nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức) quyết định bán chiếc ghe đã gắn bó gần cả đời với ông.
“Dân chài bây giờ mạt nghiệp rồi, sông Sài Gòn có còn con tôm, con cá nào đâu mà bắt. Mấy tháng rồi, ngày nào thả lưới ngoài đụng "cá quỷ" cũng chỉ được mấy con cá sát, bán được hơn chục ngàn đồng”, ông Kính ngao ngán.
Một người dân chài bắt được cả đống cá lau kính. Giống cá này có hai bọc trứng nên sinh sản rất nhanh. Ảnh: Nhật Tân. |
Dù đã bỏ nghề, nhưng ông Kính vẫn còn ám ảnh khi nói về cá lau kính trên sông Sài Gòn. Ông gọi loài cá này là “cá quỷ” vì nó đen xì xì trông rất gớm ghiếc.
Do bắt được cá lau kính bán cũng chẳng ai mua nên mỗi lần thả lưới trúng lũ cá này, ông Kính thường đập đầu cho đến chết rồi treo lơ lửng trên mấy cây dừa nước trên sông cho hả giận.
Ám ảnh lũ cá lau kính nên mỗi khi bắt được, ông Ba Kính (trái) thường đập chết treo lên cành cây cho hả giận. Ảnh: Nhật Tân. |
Nhiều lần, theo ghe dân chài thả lưới ở sông Sài Gòn ( khu vực từ cầu Bình Lợi đến cửa sông Vàm Thuật) chúng tôi cũng nổi da gà khi thấy “cá quỷ” mắc lưới nhiều vô số kể. Có người, trong một ngày bắt được cả trăm con.
TS Nguyễn Tuần, Viện nghiên cứu và nuôi trồng Thuỷ sản II, cho rằng, rùa tai đỏ và cá lau kính là sinh vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm, sự tàn phá của chúng cũng chẳng khác nào ốc bươu vàng.
Song! không chỉ có cá lau kính, rùa tai đỏ, trên các con sông ở Sài Gòn còn có nhiều “sát thủ” khác…
Không chỉ ăn tôm cá và những sinh vật nhỏ hơn, rùa tai đỏ còn xơi thịt cả đồng loại. Chính bản chất, hung dữ, ăn tạp và sinh sản cực nhanh nên tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã đưa loài rùa này vào danh sách 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Cá lau kính cũng là loài ăn tạp và sinh sản rất nhanh. Dù không ăn thịt các loài cá khác nhưng chúng thường ăn hết thức ăn ở khu vực chúng sinh sống nên chỗ nào có chúng, những loài cá khác cũng khó tồn tại. Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP.HCM, rùa tai đỏ và cá lau kính nhập vào TP.HCM bằng con đường “tiểu ngạch”, chủ yếu do người đi du lịch mang từ các nước về. Ban đầu,chúng được nuôi làm kiểng,nhưng sau đó người dân thấy chán nên thả ra sông. |
-
Thiếu Huyền - Nhật Tân( Còn nữa...)