221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
1260228
Thứ trưởng giáo dục "hồi âm" đề xuất của Ngô Bảo Châu
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thứ trưởng giáo dục 'hồi âm' đề xuất của Ngô Bảo Châu
,

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói gì về đề xuất của GS Ngô Bảo Châu và hơn 500 ý kiến độc giả VietNamNet "để thực hiện việc thượng tôn học tập"?

Mô tả ảnh.
Ảnh: An Bang.

Lời tòa soạn: Từ câu chuyện "Trò đánh thầy ngất", nhiều giáo viên đã chia sẻ nỗi niềm "người thầy "tám không" khi gặp nhiều rào cản hữu hình hay vô hình. Đã có những cảnh báo, không phải 3 đến 10 năm nữa, mà ngay cả hiện nay, đã, đang và sẽ không thể tuyển được người giỏi làm nghề dạy học. Thậm chí, để tuyển đủ chỉ tiêu, không ít trường sư phạm đã lấy điểm trúng tuyển chỉ "nhỉnh" hơn điểm "sàn" - chuẩn tối thiểu vào ĐH chút đỉnh. Chia sẻ với nghề giáo sự vất vả, áp lực, thu nhập thấp... song nhiều độc giả khác cũng cho rằng, nghề giáo có nhiều thuận lợi hơn những nghề khác. Câu chuyện về nghề giáo, những áp lực hiện tại và nguy cơ tương lai được bạn đọc sôi nổi thảo luận trong hai tuần qua.

Có một sự kiện thú vị, cũng vào những ngày đầu tháng 1, Nhà toán học Ngô Bảo Châu - người được tạp chí “Thời đại” (Time) xếp công trình là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009 - vừa chấp nhận lời mời làm giáo sư tại trường ĐH Chicago. Trước đó, khi trả lời VietNamNet, GS Ngô Bảo Châu đã nói "thực hiện việc thượng tôn học tập, "việc cần làm đầu tiên là xây dựng lại vị trí xã hội của người thầy. Việc cải cách chính sách lương bổng cho giáo viên là cấp thiết hơn nhiều so với việc viết lại sách giáo khoa, mua lại chương trình giảng dạy ở nước ngoài".

Hơn 500 phản hồi của bạn đọc VietNamNet đã được chuyển tới Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Dưới đây là "đối thoại với lãnh đạo Bộ GD-ĐT" mà VietNamNet đã bắc cầu cùng bạn đọc

Mô tả ảnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (phải) và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại hội thảo đánh giá sách giáo khoa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5/2008). Ảnh: Bảo Anh

Nhiệm vụ của giáo viên khó hơn trước

Nhiều giáo viên khuyên con cái không theo nghề của họ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Nhiều giáo viên khuyên con cái không theo nghề của họ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

- Thưa ông, gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên phải chịu quá nhiều áp lực với lãnh đạo, phụ huynh về thành tích học tập của HS. Trong khi, HS dường như ngày càng hư hơn, được bố mẹ dung túng hơn nên nhiều giáo viên không còn mấy mặn mà với nghề...

- Theo tôi, “bệnh thành tích” hiện nay vẫn còn ở đâu đó. Nhưng quan điểm chỉ đạo của ngành là chống “bệnh thành tích”. Những chỉ tiêu đưa ra đòi hỏi giáo viên phải thực hiện như trước đây đã được xóa bỏ, nên không thể nói giáo viên đang chịu áp lực vì “bệnh thành tích”.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của giáo viên bây giờ khó hơn trước. Ví dụ, về giáo dục đạo đức, trong một xã hội đang phát triển nhanh, nhiều quan niệm về giá trị thay đổi, chưa đạt được sự thừa nhận thống nhất trong xã hội; cùng một hành vi, nhưng có người bảo thế là được, có người lại chê.

Do đó, định hướng giá trị của học sinh nói riêng, thanh thiếu niên và cả xã hội nói chung có phần "mờ”. Điều này dẫn đến việc giáo dục đạo đức trong nhà trường sẽ gặp phải nhiều xung đột giữa thầy và trò hơn, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn.

Chúng ta cũng không nên "chê" bố mẹ, bênh con mà đó là do quan niệm về giá trị chưa thống nhất. Thực ra, bố mẹ nào cũng muốn con cái của mình tốt. Vì họ quen nghĩ thầy giáo phải thế này nhưng thực tế lại khác, chưa thống nhất được nên có sự phản ứng.

Hơn nữa, trước đây, mục tiêu đào tạo nặng về trang bị kiến thức, không đề cao yêu cầu rèn luyện "tự học" nên việc truyền thụ đơn giản hơn. Chuyển từ trọng tâm là dạy kiến thức sang dạy phương pháp tư duy; đổi mới phương pháp, thói quen dạy học là điều không dễ với từng người cũng như với cả đội ngũ giáo viên hiện nay.

Một yếu tố nữa là, trước đây thông tin ít, giáo viên thậm chí chỉ dựa vào SGK cũng dạy được. Bây giờ, trong nhiều trường hợp, do chuẩn bị bài không tốt, giáo viên có thể nói lại điều HS đã biết rồi hoặc lạc hậu so với thời sự, gây tranh cãi, hoặc làm giảm hứng thú học tập của học sinh.

Thực tế đòi hỏi thay đổi nhanh hơn trước nhưng giáo dục có tính ổn định nhất định nên việc thích ứng sẽ bị chậm hơn nhiều thứ khác. Trong khi yêu cầu ngày càng cao với giáo viên, chúng ta cũng nên có sự cảm thông nhất định.

Vậy theo ông, những khó khăn khách quan trong việc thích ứng với yêu cầu mới sẽ gây hệ lụy gì? Nếu cần cảm thông thì cảm thông đến mức độ nào?

Tôi đã nói, việc thay đổi để thích ứng với cái mới là khó khăn của từng người và của cả đội ngũ. Điều đó thể hiện ở chỗ, đội ngũ giáo viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong chừng mực nào đó, phải chấp nhận thực tế này. Cũng phải nhìn nhận rằng, cả đội ngũ đang rất cố gắng để đổi mới thì phải động viên. Nếu cứ thấy chưa đạt yêu cầu là chê, trong khi không xét đến điều kiện thực tiễn, đặc điểm của ngành thì sẽ làm thui chột động lực của họ.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Minh Nhựt.

Không phải ai cũng coi vật chất là mối quan tâm hàng đầu

- Áp lực ngày càng cao, nhưng lương lại không kịp tăng theo áp lực. Ông có cho rằng, chỉ trong vài năm nữa, những người giỏi sẽ không vào ngành sư phạm?

- Mấy năm trước, học phí là một khoản tiền đáng kể, việc miễn học phí cho SV sư phạm đã giúp cho điểm trúng tuyển vào sư phạm rất cao. Nhưng mấy năm nay, điểm này đã thấp dần đi.

Nguyên nhân, có thể hiểu là ý nghĩa của việc miễn học phí ngày càng thấp vì giá trị của học phí không “to” như trước nữa. Học phí giữ nguyên trong khi mức sống và giá cả đều cao hơn nên học phí không còn quan trọng, lại thêm công ăn việc làm khó kiếm nên ít người giỏi lựa chọn vào ngành này hơn.

Tuy nhiên, nếu khẳng định những người giỏi không ai muốn vào sư phạm thì lại không hẳn đúng. Người ta có những nhu cầu khác nhau, tuy ai cũng muốn được tôn trọng, được đánh giá đúng về bản thân nhưng không phải ai cũng coi vật chất là mối quan tâm hàng đầu.

- Ông nói vậy nhưng trong nhiều phản hồi gửi về VietNamNet, rất nhiều giáo viên cho rằng bản thân họ và hầu hết các đồng nghiệp đều khuyên con cái không theo nghề này...

- Sự thật là có những người như vậy. Lại có cả những giáo viên đã động viên con cháu nối nghiệp mình nhưng con cháu không theo.

Tuy nhiên, cùng với nhu cầu được xã hội tôn trọng thì đam mê nghề dạy học, yêu thương trẻ em mới là những yếu tố quyết định phẩm chất và nâng cao năng lực nghề nghiệp của nhà giáo.

Thực tế là, còn rất nhiều thầy, cô giáo lăn lộn với nghề, sống cho HS và vì HS. Biết bao giáo viên hằng ngày vẫn đi dạy buổi sáng, buổi chiều, kèm cặp HS yếu kém, hoặc bồi dưỡng HS giỏi, buổi tối lại lặn lội vào thôn bản vận động HS đã bỏ học quay trở lại trường mà không có thù lao.

Ở nhiều địa phương, HS tiểu học được học 2 buổi/ngày mà không phải đóng học phí vì giáo viên dạy thêm nhưng không nhận thêm lương. Hay trong những đợt bão lụt các năm vừa qua, nhiều giáo viên đã cùng nhân dân địa phương tình nguyện sửa chữa trường lớp, bỏ tiền túi để giúp đỡ HS của mình,...

Tiêu cực chỉ là rất ít

- Trong loạt bài về nghề giáo đăng tải thời gian qua, một vấn đề nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình của độc giả là hiện tượng "trượt biên chế vì đấu không tới giá" - nói về những tiêu cực trong thi tuyển biên chế vào ngành giáo dục. Ông nghĩ sao trước phản ánh này?

- Trong những năm vừa qua, nhiều ngành khác có chính sách ưu tiên nhận con em trong ngành vào làm việc nhưng ngành giáo dục chưa bao giờ có. Chuyện này, chúng tôi cũng không đòi hỏi. Lý do là vì muốn đảm bảo chất lượng giáo dục là trên hết.

Với quan điểm nhất quán như vậy, việc thi tuyển vào ngành nếu có tiêu cực thì chắc chỉ là rất ít, nhưng dù ít cũng vẫn là điều không thể chấp nhận.

Mô tả ảnh.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: Lê Anh Dũng

Không "đào tạo theo nhu cầu"

- Những năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển vào một số ngành sư phạm khá thấp và liên tục giảm, có thí sinh chỉ cần đạt hơn 4 điểm/môn là có thể trúng tuyển. Tuy nhiên, các trường sư phạm lại liên tục tăng chỉ tiêu. Theo ông, điều này có bất hợp lý?

- Thời gian qua, các trường sư phạm đào tạo theo năng lực của mình mà chưa quan tâm đến nhu cầu xã hội, cụ thể là nhu cầu của ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục, từ đó đưa ra nhu cầu đào tạo giáo viên cho địa phương. Các trường sư phạm căn cứ vào đó để xác định chỉ tiêu đào tạo.

Đến nay, có một số địa phương đã làm được nhưng nhiều địa phương chưa làm được nên vẫn còn tình trạng thiếu thông tin cho công tác chỉ đạo và thực hiện.

Thưa ông, nhiều bất cập về "áp lực người thầy" được người trong cuộc lý giải nguyên nhân từ thu nhập. Về chuyện lương của giáo viên, có khá nhiều ý kiến đa chiều. Độc giả tranh cãi, có người nói lương giáo viên cao, nhưng cũng có người bảo thấp so với mặt bằng xã hội. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Lương theo thang bảng của giáo viên thì không thấp. Nhưng thực tế, cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn. Thấy rõ thực tế này, các cấp chính quyền địa phương, nhân dân đã rất quan tâm đến thu nhập của đội ngũ nhà giáo và có sự giúp đỡ, ủng hộ, nhất là vào những dịp lễ tết. Nhiều địa phương đã có chính hỗ trợ lương giáo viên mầm non ngoài biên chế...

Có điều, những cái này chưa thành chính sách của Nhà nước nên sự quan tâm không đồng đều giữa các địa phương dẫn đến nơi này có, nơi kia không. Nếu từ thực tiễn đó quy định được cụ thể thành chính sách nhà nước thì mới ổn định và có tác dụng động viên cao hơn.

Hiện nay, Quốc hội đã có nghị quyết thông qua việc giáo viên được hưởng chế độ thâm niên công tác và các giáo viên chuyển về công tác trong các cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong những năm đầu.

Ngành đang tham mưu cho Chính phủ có những nghị định để thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

- Xin cảm ơn ông!

"Phải cố gắng giữ học trò lại"

Đuổi học học sinh là giải pháp tồi tệ nhất mà đôi khi nhà trường buộc phải áp dụng. Phải nghĩ rằng bị đuổi học thì các em đi đâu? Bởi, em ấy có thể "phá" ở lớp, nhưng đuổi em ra xã hội thì có khi còn "phá" hơn. Do đó, trong ứng xử, trong giảng dạy, giáo viên phải cố gắng để giữ học trò lại.

Nhưng đừng “khoán trắng” cho giáo viên và nhà trường, thời gian học sinh ở trường ít hơn ở gia đình và ngoài xã hội. Hơn nữa, tác động giáo dục trong mỗi môi trường có ưu thế riêng, phải coi trọng tất cả.

Trước đây, môi trường học đường "đóng", học sinh nghe thầy cô nhiều hơn. Nay nhà trường "mở cửa", nhiều yếu tố xã hội tác động, ảnh hưởng đến môi trường học đường, nhân cách con người hơn. Do đó, áp lực cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ khó khăn hơn trước.

(Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển)

  • Thực hiện: Bảo Anh - Lan Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,