-"Tuyển dụng cán bộ phải có một động cơ hết sức trong sáng. Cách đây 3-4 năm có hiện tượng, làm ở Bộ giúp em mình thi vào, thế thì hỏng và không thể tuyển được người xứng đáng", Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Việc tuyển dụng hiện nay có nhiều cái khác trước. Cái hơn trước là ở chỗ công khai quy trình: ngày nộp đơn, ngày sát hạch, tiêu chuẩn dự tuyển... Nói chung có nhiều tiến bộ.
GS Phạm Minh Hạc
Nhưng việc tuyển cán bộ ở nhiều cấp từ TW đến địa phương trong vài năm nay bộc lộ rất rõ những khó khăn. Thậm chí, có thời điểm ở một địa phương, có tới hàng trăm, thậm chí cả ngàn người xin ra khỏi biên chế đi làm việc khác. Trong đó có cả những người có chức vụ khá cao ở địa phương như Phó GĐ Sở...
Các cơ quan của Nhà nước có trách nhiệm phải có đánh giá, phân tích vấn đề này.
Giáo dục - đào tạo là ngành "dạy và học" - công việc chính là chữ nghĩa. Do đó, chuyên môn thể hiện rất rõ rệt, tức là những người làm ở Bộ phải am hiểu, tường tận và phải có một trình độ chuyên môn về việc dạy và học.
Bộ GD-ĐT có nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất là chức năng tham mưu. Đã tham mưu thì phải có trình độ, hiểu biết kinh nghiệm thực tế để có thể giúp Chính phủ quản lý ngành GD-ĐT.
Thời còn làm Bộ trưởng, theo nhận xét của tôi, thì những cộng sự đều có trình độ tốt và có kinh nghiệm giảng dạy và quản lý. Mỗi người đều "am tường" 3 nội dung: nắm vững đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước; hiểu thực tế giáo dục Việt Nam và có kinh nghiệm nước ngoài.
Như vậy, chuyên viên của Bộ là người làm các công việc cho quản lý nhà nước trong ngành GD-ĐT. Mỗi một công việc ở Bộ ảnh hưởng đến 23 triệu HS - 23 triệu gia đình, khoảng 69 triệu người.
Khó khăn, tồn tại của ngành hiện nay phần nào phản ảnh chất lượng đội ngũ cơ quan Bộ GD-ĐT.
Mới nhất, trong báo cáo của Bộ về GD ĐH gửi Quốc hội kỳ họp vừa qua đưa nhận định "từ 1975 đến nay, không quản về chất lượng ĐH...". Điều đó cũng phản ánh chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc tuyển dụng theo kiểu "cha truyền con nối" cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm giảm chất lượng đội ngũ.
Theo tôi, hiện tượng này xuất hiện ở châu Á rất rõ và người ta khuyến khích như ở Nhật, Singapore... Ở Singapore nếu có "cha truyền con nối" thì họ khuyến khích bằng việc bán nhà giá ưu đãi hoặc khuyến khích ở gần.
Còn ở Việt Nam hiện tượng "cha truyền con nối" thể hiện rất rõ ở một số nghề thủ công... các nghề khác chưa rõ rệt lắm. Nếu có hiện tượng "cha truyền con nối" thì cũng hay. Tuy nhiên, các nghề khác khó "cha truyền con nối" như làm khoa học chẳng hạn, để con theo nghề còn ít lắm.
Chuyện nối nghiệp cha anh thì nên khuyến khích nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Đó là có đạt các tiêu chuẩn đề ra không? Có làm được việc tham mưu cho Nhà nước không?...Vấn đề này phải được đặt lên hàng đầu vì Bộ GD-ĐT là cơ quan của những chuyên viên đạt chuẩn, có chuyên môn và có chức năng tham mưu.
Thời tôi làm quản lý, khâu tuyển là chọn những người đã dạy ở phổ thông và học tiến sĩ ngành đó..., đưa lên làm ở vụ một vài năm rồi lên vụ phó, vụ trưởng. Thế nên, với các bộ môn thì hỏi chỗ nào người ta cũng thuộc vì biết bài đó ở chỗ nào.
Thời tôi làm Bộ trưởng, có khoảng 10 cháu là con em của các vụ trưởng, vụ phó vừa tốt nghiệp đưa về Bộ. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm đứng lớp, chưa có thực tế cơ sở nên tôi đã điều động các cháu về cơ sở công tác. Sau đó tuyển dụng lại, ai đạt các điều kiện thì nhận về Bộ.
Rõ ràng, nếu chưa có thời gian trải nghiệm, chưa lên lớp, chưa làm quản lý thì về Bộ không thể làm được.
Nói như thế để thấy, cách làm trong sáng thì chọn được cán bộ tốt. Tuyển dụng cán bộ phải có một động cơ hết sức trong sáng. Chứ cách đây 3-4 năm có hiện tượng, làm ở Bộ giúp con em mình thi vào, thế thì hỏng và không thể tuyển được người xứng đáng.
-
GS Phạm Minh Hạc