(VietNamNet) - Ráo riết! Đó là những động thái mấy ngày qua của Chính phủ về chủ trương cho sinh viên vay vốn ưu đãi để học tập. Liệu, thực hiện tốt chủ trương này đã đủ "dọn đường" cho đà tăng học phí đang nóng dần lên?
Ảnh: Phạm Hải |
Ngày 6/9, Ngân hàng Chính sách xã hội gửi văn bản đề nghị rót thêm tiền để kịp làm việc này cho năm học mới.
9/9, ngày chủ nhật, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT-ĐT "đánh" công điện khẩn yêu cầu trường học, Sở GD-ĐT thống kê kịp thời số SV trúng tuyển năm nay, SV có hoàn cảnh khó khăn cần vay.
11/9, Văn phòng Chính phủ giao việc cho các bộ ngành chuẩn bị phương án về hạn mức, điều kiện và cách cho vay, thanh toán.
Từ 17 đến 21/9, dự kiến sẽ có cuộc họp đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì để chốt lại vấn đề.
Chương trình cho SV vay vốn có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới và hầu hết dành cho giáo dục trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, CĐ và ĐH. Ở nhiều nước, đề xuất giới thiệu chương trình này còn là chủ đề xuất hiện nhiều trong các cuộc tranh luận chính trị. Nó là mối quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách, bởi, có thể góp phần giải quyết một loạt những vấn đề chính sách căng thẳng của chính phủ.
Theo tính toán của GS Phạm Phụ (ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục), qui mô của quĩ cho vay đặc biệt này có khi phải lên đến 40-50% ngân sách nhà nước hằng năm cấp cho giáo dục ĐH thì mới thực sự đưa chương trình gần với mục đích "giải bài toán công bằng xã hội, tăng khả năng tiếp cận giáo dục ĐH của người nghèo" trong câu chuyện tài chính cho giáo dục ĐH.
Những "cung đường" cần dọn lối
29/9 là "hạn chót" của hàng loạt công việc để đảm bảo có được cơ chế thỏa đáng cho tiền vay đến tay SV. Tháng 9, cũng là mốc thời gian mà Bộ GD-ĐT dự kiến trình làng đề án học phí trước công luận (mà theo một "cam kết", đề án này lẽ ra đã "xuất đầu lộ diện" hồi tháng 7).
Liệu, những động thái ráo riết thúc đẩy nhằm đạt tới thành công của chương trình cho vay vốn ưu đãi học tập đã đủ dọn đường để đưa câu chuyện học phí đạt được sự đồng thuận trong xã hội?
Câu trả lời là chưa đủ. Bởi, học phí chỉ là một trong những kênh huy động tài chính cho giáo dục ĐH.
Việc cải cách tài chính này đòi hỏi năng lực sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, năng lực quản lý minh bạch các nguồn vốn, thay đổi phương thức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước, thay đổi cung cách quản lý tài chính ở từng trường ĐH...
Người dân sẵn lòng chắt bóp và chi trả để đầu tư cho con em mình được hưởng môi trường đào tạo xứng đáng.
Nhưng người dân cũng có quyền được biết học phí mà họ góp, thuế mà họ đóng...đang được chi tiêu thế nào.
Đầu năm 2006, chuyên gia thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc Vũ Quang Việt, với những thu thập và tính toán của riêng ông đã công bố "những con số giật mình" trong chi tiêu cho giáo dục. Những tính toán này thỏa đáng ở mức độ nào, ông cũng chưa nhận được phản hồi từ nơi cần thiết.
Cuối năm 2006, Chính phủ cho thanh tra các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế. Số tiền vay gần 2 tỷ USD đó được sử dụng ra sao, dư luận vẫn mong câu trả lời không chỉ dừng lại ở "báo cáo thanh tra" mà về mặt nguyên tắc, không được phép công khai.
Ngày 6/9, kiểm toán nhà nước công bố "một khoản ngân sách được sử dụng rất lãng phí là sự nghiệp khoa học công nghệ giai đoạn 2001-2005" với gần 10 tỷ đồng bị rút ra để chi vào việc khác, gần 54 tỷ đồng biến thành chi phí phục vụ quản lý Nhà nước. Người dân không thể không nghi ngờ, với số tiền nhà nước rót cho nghiên cứu, còn bị thất thoát như thế, thì liệu rằng, hàng loạt hoạt động huy động nguồn thu cho cơ sở giáo dục ĐH như công trình nghiên cứu, hợp đồng chuyển giao công nghệ, đơn đặt hàng giữa nhà trường với doanh nghiệp... đang được thực hiện ra sao?
Cùng với một đề án tài chính cho giáo dục ĐH được mong chờ là được soạn thảo kỹ lưỡng, người ta cũng hy vọng ở việc "đổi mới cơ chế quản lý" với hàng loạt đầu việc (kiểm định chất lượng các trường tiến tới xếp hạng các trường ĐH, chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của doanh nghiệp… ) không phải gạch đầu dòng lặp lại quá nhiều ở các văn bản chỉ đạo mà xuất hiện quá ít khi bắt tay làm cho "ra môn ra khoai".
Khi người trả tiền học biết rất ít là họ đang mua cái gì và thường có nguy cơ nhận được một chất lượng thấp hơn cái giá mà họ phải trả và kỳ vọng; khi “thị trường của niềm tin” này còn phó mặc cho vận may chứ không phải những câu trả lời thỏa đáng thì kiếm tìm đồng thuận là cả hành trình gian nan.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi tại phiên họp báo đột xuất ngày 30/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, "một tình huống đòi hỏi có chuyển biến mạnh thì giải pháp phải có tính chất không truyền thống. Bởi, giải pháp truyền thống sẽ đem lại sự chuyển động theo truyền thống. Tức là có va chạm, có đau đớn, thì trong một chừng mực nào đó, chúng ta phải chấp nhận".
Và, chuyện tăng học phí thực chất là giải bài toán tổ hợp nhiều chính sách đổi mới giáo dục ĐH, trong đó, cho SV vay vốn ưu đãi là 1 kênh quan trọng.
Người ta hy vọng những "tổ hợp chính sách" khác cũng được làm ráo riết như những việc triển khai chính sách vay vốn, với tinh thần "chấp nhận va chạm, đau đớn" để mang lại "những chuyển động mạnh" mà kết quả của nó là thay đổi thực sự chất lượng nguồn nhân lực - sản phẩm của đào tạo ĐH.
-
Hạ Anh
*********************
Ý kiến của bạn: