221
482
Vấn đề
vande
/giaoduc/vande/
974984
2007 - 2008: Năm học "5 không"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
2007 - 2008: Năm học '5 không'
,

(VietNamNet) - Cùng với "bốn không" ở phổ thông, trong giáo dục dạy nghề, ĐH, phải "nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội". "Đã đến lúc phải xới vấn đề này lên, dù ảnh hưởng tới thu nhập của các trường" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rốt ráo như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet về "thông điệp của năm học mới".

Ngồi nhầm lớp: Chấm dứt sau 3 năm!

 

Phó Thủ tướng , Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân
Phó Thủ tướng , Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

- Thưa ông, cuộc vận động "hai không" mới chỉ kịp dấy lên được 1 năm, trong buổi giao ban tổng kết năm học tại Vũng Tàu vừa qua, ông lại đề xuất thêm "hai không" mới nữa của ngành giáo dục. Vậy, làm thế nào để những cuộc vận động này đạt hiệu quả?

 

 

- Muốn thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, còn hai điều phải làm tốt hơn. Đó là khắc phục hiện tượng ngồi nhầm lớp ở HS và chấn chỉnh một bộ phận nhà giáo có đạo đức chưa phù hợp với trách nhiệm, lương tâm của mình.

 Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các tỉnh cần rà xét chất lượng HS đầu năm học để đề ra giải pháp phù hợp.

Trong chuyến đi thực tế ở Nghệ An cuối tuần qua, tôi thấy, trước hết, phải nhận dạng tỷ lệ HS không đạt chuẩn đầu năm học. Từ đó, có tổ chức giảng dạy phù hợp.

Ví dụ, phân bố HS có trình độ còn yếu vào các lớp với tỷ lệ như thế nào để các em có thể hòa đồng trong  lớp học. Đồng thời, thầy cô giáo có chương trình bồi dưỡng ngoài giờ học chung trên lớp phù hợp.

Phương án thứ hai, ở những nơi HS chưa đạt chuẩn cao, có thể tổ chức lớp học riêng để tập trung những thầy cô giáo tốt nhất giúp các em, đồng thời phối hợp với gia đình.

Vấn đề tạo sự đồng thuận và quyết tâm của gia đình cùng nhà trường khắc phục học tập yếu kém là hết sức quan trọng. Một số nơi ở vùng sâu, vùng thôn bản Nghệ An có sáng kiến tốt: Đến 7h tối, có người đánh trống, gọi là "tiếng trống học bài". Nghĩa là, đến giờ đó, các gia đình quan tâm và nhắc nhở HS về vị trí học tập.

Một vấn đề quan trọng nữa là quan tâm đến đội ngũ giáo viên. Hiện nay, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ cơ chế lương mới của nhà giáo. Đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên làm việc, cũng như những giáo viên công tác tại vùng có điều kiện khó khăn có chế độ luân phiên.

Trong đợt sinh hoạt đầu năm, chúng tôi đề nghị, thầy cô giáo ở các trường tự xem lại, trong những năm học vừa qua, đặc biệt năm vừa rồi, mình đã chăm sóc, ứng xử học trò chưa đúng chỗ nào. Nếu thấy không thể khắc phục những hạn chế đó thì không nên ở lại trong ngành, có thể chọn việc khác. Chúng tôi tin rằng, với yêu cầu như vậy, các cơ sở sẽ phát huy sáng kiến để động viên và tôn vinh các thầy cô giáo.

Ông dự báo đến khi nào sẽ chấm dứt tình trạng HS ngồi nhầm lớp?

Về hình thức, kết thúc năm học 2007-2008, việc ngồi nhầm lớp sẽ chấm dứt nếu những HS không đạt chuẩn không được lên lớp.

Thực tế, tôi dự kiến tình trạng này sẽ chấm dứt sau 2 - 3 năm tới. Chấm dứt ở nghĩa, chẳng những không cho lên mà tỷ lệ yếu kém phải rất thấp.

Đối với những em tốt nghiệp lớp 9 mà ít khả năng vào lớp 10 thì sẽ hướng dẫn chuyển sang học nghề. Việc này còn gọi là tránh cả hiện tượng "ngồi nhầm trường", thay vì ngồi trường phổ thông thì sang trường nghề thì vẫn có đường phát triển.

Xem xét sửa luật!

Thưa ông, "sang trường nghề thì vẫn có đường phát triển" có là khẩu hiệu hay không khi mà thực tế hiện nay, SV học ĐH xong còn có không ít trường hợp khó khăn để tìm được việc làm?

Việt Nam là nước thu nhập còn thấp, điều kiện kinh tế còn hạn chế. Xã hội không cần tất cả HS phổ thông tốt nghiệp ĐH.

Cơ cấu của những nước như chúng ta hiện nay thông thường đòi hỏi khoảng trên 20% nhân lực có trình độ ĐH, CĐ. Như vậy, bình thường, đa số HS sẽ không vào học ĐH, mà học ở trình độ sơ cấp, trung cấp nhưng được đào tạo tốt vẫn có việc làm, có thu nhập.

Trước hết, phải thống nhất nhận thức trong xã hội. Đó là học một phần theo nguyện vọng của cá nhân, nhưng một phần theo nhu cầu và khả năng xã hội sử dụng lao động. Lúc đó, sẽ tránh được áp lực cho cả xã hội và cho cả bản thân.

- Số lượng HS trượt tốt nghiệp lớp 12 năm nay khá lớn. Vậy đâu là "đường phát triển" của các em?

Chúng tôi đã đưa ra 4 khả năng. Thứ nhất, một bộ phận quyết tâm học lại lớp 12 hoặc bổ túc.

Thứ hai, HS không có nhu cầu học hàng ngày mà theo học hàng tuần,  có thể đề nghị nhà trường tổ chức bồi dưỡng những môn còn yếu.

Thứ 3, chọn con đường ở nhà tự học, đến tháng 4 nhà trường mời HS đến bồi dưỡng tập trung sau đó thi.

Nhóm giải pháp thứ nhất là học gắn với chương trình phổ thông. Nhóm giải pháp thứ hai là tạo điều kiện và khuyến khích cho các em học nghề.

Như vậy, nếu tốt nghiệp lớp 9 bình thường có thể phải học 3 năm hoặc hơn nữa để vừa tốt nghiệp phổ thông vừa có bằng nghề. Nhưng với các em này, thời gian học sẽ rút ngắn đi, vì đã học rất nhiều môn trong quá trình đó.

Chúng tôi đang xem xét, nếu cần thiết, sẽ đề nghị Quốc hội điều chỉnh Luật. Ngoài những em tốt nghiệp THPT, những em đã hoàn thành chương trình phổ thông, ở những môn nội dung đào tạo trung cấp nghề đòi hỏi đều đạt được trung bình trở lên, có thể vẫn được học. Trong quá trình học tập, có thể học để lấy lại bằng phổ thông sau. Như vậy, rút ngắn thời gian đợi chờ của các em.

Để hỗ trợ HS học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, hiện nay Bộ GD-ĐT đang tập hợp dự kiến nhu cầu cả nước. Sẽ kiến nghị với Chính phủ nếu cần thiết, hỗ trợ một phần học phí để các em sớm học nghề. Sau khi có việc làm, có thể hoàn trả sau.

Khả năng thứ tư, HS không đi học mà trực tiếp tham gia lao động, đặc biệt ở nông thôn và miền núi.

 "Nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội"

Vậy, để cân đối cho 80% HS còn lại không theo lên ĐH, việc dạy nghề phải được chú trọng. Ông đánh giá thế nào về hệ thống trường nghề của ta và hướng phát triển trong những năm tiếp theo để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội?

 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT đến thăm và trò chuyện với HS Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt - Hàn, Nghệ An

Hệ thống các trường dạy nghề trong 5 năm trở lại đây có nhiều tiến bộ. Nhưng xét về tổng thể, rõ ràng các trường TCCN của ngành GD-ĐT, các trường nghề của ngành lao động chưa đáp ứng hai nhu cầu của doanh nghiệp.

 

 

Về số lượng, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các bậc dạy nghề trung cấp nói chung khoảng 27-28%. Như vậy, trên 70% số người lao động Việt Nam đi làm mà không học bất cứ một cái gì với nghề mình định làm.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đặt yêu cầu đề xuất phương án đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 50%.

Về mặt chất lượng, những năm gần đây, với quy mô hàng tỷ đôla nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, các ngành cơ khí, những ngành gắn với công nghệ cao, điện tử…đều than phiền, tìm được lao động có trình độ đào tạo nghề nghiệp phù hợp là rất khó khăn.

Như vậy, vấn đề đặt ra là đào tạo của ta chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội.

Chúng tôi dự kiến sẽ làm việc chung với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ -TB -XH để thảo luận chủ đề: "Làm thế nào tổ chức được đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và của xã hội".

Thứ ba, không thể chỉ nhà nước lo vấn đề đào tạo nghề nghiệp mà phải gắn với doanh nghiệp. Sắp tới, phải tìm được mô hình phù hợp. Ví dụ, phải đẩy mạnh mô hình các doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo, trực tiếp đứng ra lập trường, tạo điều kiện thực tập cho SV.

Chúng tôi sẽ bàn với 2 Bộ khảo sát thực tiễn để trong quý 4 định hướng được các mô hình và xây dựng được một chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Để trong 3 năm, từ 2008 đến 2010, sẽ tạo đột phá trong việc đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Hiện nay, Bắc Giang đang có mô hình "hình thành trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp". Trong tháng 9, sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm ở các tỉnh phía Bắc về xung quanh mô hình này và từ đó sẽ xây dựng một chương trình quốc gia để Chính phủ thông qua.

Thông điệp cho năm học 2007-2008 là gì, thưa ông?

- Ngành giáo dục phát huy những chuyển biến của năm 2006-2007, tiếp tục nhận trách nhiệm trước xã hội, phải cung cấp cho xã hội những HS đạt được chuẩn về kỹ năng, tri thức, hành vi để có thể trở thành công dân tốt.

Còn đối với các thầy cô trong các trường ĐH và các em SV, năm nay có một thông điệp mới. Đó là, đã đến lúc, chúng ta phải suy nghĩ sâu hơn, nghiêm túc hơn nữa về trách nhiệm của mình cung cấp cho xã hội nhân lực để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Nếu cấp bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ cho những người học không đạt chuẩn tri thức, kỹ năng của lĩnh vực này, tức là khi hành nghề họ không có điều kiện đáp ứng nhu cầu nghề của mình mà lại có cái bằng đó, thì chúng ta có lỗi với xã hội.

Đã đến lúc phải nói không với việc đào tạo không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và của xã hội.

Nếu làm điều này, có thể phải giảm quy mô của việc đào tạo tại chức, giảm quy mô của các trường đào tạo không đạt chuẩn.

Trong năm học này, ở các trường ĐH, CĐ cả nước sẽ có đợt sinh hoạt: có thể và cần phải đào tạo theo nhu cầu của xã hội hay không.

Đây là điều không đơn giản! Bởi việc một số nơi, một số chương trình đào tạo không đáp ứng nhu cầu, chạy theo số lượng để có học phí đã kéo dài. Nếu chấn chỉnh mạnh mẽ, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập nhà trường.

Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc phải xới vấn đề này lên và chúng ta cũng giúp lại được nhà trường.

Nếu được thông qua, mức học phí năm tới sẽ cao hơn mọi năm. Trường có điều kiện thu để làm tốt hơn. Người học sẽ có nguồn vay để đóng tiền học.

- Cảm ơn ông!

  • Bảo Anh (thực hiện)

*********************

Ý kiến của bạn:

Pham Dinh Cuong,  ĐH Vinh, Email: phamdinhcuong300885@gmail.com

Tôi rất vui khi Bộ GD-ĐT đã có những đổi mới trong năm năm tới. Tôi rất quan tâm đến vấn đề này . Nếu có thể, các dự án của Bộ GD-ĐT có thể cho các bạn SV tham khảo và đóng góp ý kiến cùng.Vì chúng em là những thầy cô giáo trong tương lai. Những gì bây giờ Bộ thay đổi thì sau này chúng em sẽ phải làm, làm thật tốt. Chúng em cũng rất quan tâm đến chất lượng đào tạo, không những trong môi trường chúng em đang học mà ở cả các cấp dưới nữa. Bộ GD-ĐT phải giao trách nhiệm kiểm tra trình độ của từng giáo viên cho các Sở GD-ĐT. Chúng ta làm vấn đề này phải kiên quyết, quan trọng là chất lượng dạy và học của HS.Nếu như những giáo viên nào không có năng lực thì không nên để trong nghề mà hãy dành cho các bạn trẻ có năng lực thì chúng ta sẽ có hy vọng thay đổi nền giáo dục một cách rõ nét được. Hiện nay, tôi vẫn thấy có rất nhiều thầy cô giáo không có năng lực về giáo dục, tuy rằng các thầy có kiến thức có thể là rất tốt nhưng mà khả năng truyền đạt cho HS hiểu và tiếp thu là rất kém, nên chất lượng dạy học sẽ không được cao. Khi quan tâm đến giáo dục là phải quan tâm một cách toàn diện. So với đời sống xã hội bây giờ thì với số tiền lương như vậy, bất cứ một giáo viên nào cũng không thể quan tâm đến giáo dục một cách triệt để. Họ phải làm thêm các nghề phụ để chi tiêu cho cuộc sống. Việc đó cũng ảnh hưởng đến giáo dục rất nhiều.

Trần Mạnh Cường, Đống Đa, Hà Nội, Email: mbo_tqm@yahoo.de

Phó Thủ tướng đang ở trên 1 chiến tuyến vô cùng ác liệt: chống lại cả một văn hoá ưa hư danh của xã hội Việt Nam truyền thống. Những gì mà Phó Thủ tướng Nhân đề xuất cho giáo dục Việt Nam là rất đúng đắn, rất hiện đại và có tầm nhìn hướng đến tương lai. Song, ông sẽ phải đấu tranh rất vất vả để đạt được sự nhận thức mới của cả xã hội về vấn đề giáo dục - vấn đề chiến lược của bất cứ quốc gia nào. Nếu thành công, những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam sẽ được từng bước bộc lộ rõ trong vòng 5-7 năm tới và sẽ trở thành nguồn vốn chính trị quan trọng cho Phó Thủ tướng Nhân. Chúc ông thành công với nhiệm vụ tốt đẹp và cao cả của mình.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,