221
482
Vấn đề
vande
/giaoduc/vande/
963760
Thứ trưởng Giáo dục: "HS giỏi quốc tế không phải "gà nòi"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thứ trưởng Giáo dục: 'HS giỏi quốc tế không phải 'gà nòi'
,

(VietNamNet) - "Chúng ta không đào tạo "gà nòi" mà thực tế, các thí sinh thi quốc tế ngày càng giỏi. Đó là một thế hệ mới giỏi toàn diện, khả năng ngoại ngữ và tin học tốt hơn, thể lực tốt hơn, tự tin hơn".

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 48 tại Việt Nam, cho biết như vậy ngay sau khi kết quả kỳ thi được công bố tối 28/7, trong cuộc trao đổi ngắn với VietNamNet vào lúc sắp chuyển giao sang ngày mới.

"Khởi đầu tốt sẽ trở nên vô nghĩa nếu không maraton cả cuộc đời"

abc
Thứ trưởng Trần Văn Nhung: "Thi HSG quốc tế là để chọn hạt giống tốt."
Đến giờ phút này, ông đánh giá thế nào về khâu tổ chức của VN tại IMO 48?

IMO 48 tổ chức tại VN đã tạo nên một ấn tượng rất đặc biệt.

Trước hết là số đoàn tham dự lớn kỷ lục, lên tới 95 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó có một số đoàn như Campuchia, Arập Xeút lần đầu tham dự hay đoàn Bắc Triều Tiên trở lại sau nhiều năm vắng bóng.

Đề thi năm nay vừa đảm bảo độ khó, vừa đảm bảo tính công bằng, khách quan. Hàng năm, thường có khoảng 4, 5 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 nhưng năm nay không có em nào, điểm cao nhất là 37.

150 bài toán do 50 nước gửi tới đã được các giám khảo VN phối hợp với chuyên gia nước ngoài để chọn ra 20 bài vào danh sách ứng cử. 95 trưởng đoàn đã cùng bàn thảo để chọn ra 6 bài phù hợp nhất cho 2 buổi thi. Chúng ta đã làm việc này với thái độ khách quan. Bằng chứng là ngay cả đoàn HS VN cũng không làm được bài 3 và bài 6, hai bài khó nhất.

Dư luận quốc tế đánh giá nước chủ nhà tổ chức khoa học, hợp lý từ chỗ ăn ở, đi lại, tham quan với thái độ trọng thị và mến khách.

Việc bố trí cho các đoàn đi tham quan vịnh Hạ Long là rất hợp lý bởi chuyến đi đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế. Hy vọng vịnh Hạ Long sẽ giành được nhiều phiếu bầu trong cuộc bình chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới đang diễn ra trên internet.

Từ khâu tổ chức IMO 48, sẽ rút kinh nghiệm cho kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2008.

Ông nhận xét gì về thành tích của đội tuyển VN năm nay?

Là nước chủ nhà, đội VN thực ra lại gặp một số bất lợi như nhiều thầy giỏi phải làm công tác giám khảo nên không được tham gia huấn luyện đội tuyển. Trong điều kiện đề khó như năm nay, các em vẫn giành được 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, là kết quả đáng mừng, phản ánh đúng chất lượng của đội.

Tổng điểm toàn đoàn Việt Nam cũng chỉ xếp sau Nga và Trung Quốc. Đây là thành tích tốt nhất trong lịch sử các lần tham dự IMO của đoàn Việt Nam.

Chúng ta rất trân trọng thành quả này nhưng tôi cũng dặn các em HS rằng, đây chỉ là kết quả ban đầu. Muốn trở thành tài năng lớn, phải kiên trì phấn đấu trong suốt cuộc đua maraton của cuộc đời. Một điểm khởi đầu tốt sẽ trở nên vô nghĩa nếu các em không cố gắng phát huy.

Thưa ông, đối với các kỳ thi Olympic quốc tế, đang tồn tại cách nhìn: chúng ta đang đào tạo "gà nòi", chỉ biết đi thi đấu và giành huy chương. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

Đó là một nhận định cực đoan. Trên thực tế, mỗi khi muốn tập trung "chiến đấu" vì mục đích gì đó, chúng ta luôn phải dành nhiều thời gian và tâm sức cho nó. Chẳng hạn như thi IMO, thì tất nhiên các em phải tập trung ôn luyện trong thời gian tương đối. Nhưng vốn đã có tố chất thông minh, thì, sau khi đạt mục đích trước mắt, các em có thể chuyển sang bổ khuyết những gì thiếu sót.

Chúng ta không đào tạo "gà nòi" mà thực tế, các thí sinh thi quốc tế của ta ngày càng giỏi. Đó là một thế hệ mới giỏi toàn diện, khả năng ngoại ngữ và tin học tốt hơn, thể lực tốt hơn, tự tin hơn.

Những HS sau khi đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế sẽ nhận được những sự khuyến khích gì từ phía Bộ GD-ĐT, thưa ông?

Đội tuyển dự Olympic Toán Việt Nam 2007. Ảnh: Bích Ngọc (TTXVN)
Đội tuyển dự Olympic Toán Việt Nam 2007. Ảnh: Bích Ngọc (TTXVN)
Các kỳ thi học sinh giỏi nằm trong chiến lược nguồn nhân lực của nước ta trong thời kỳ mới. Chúng ta có lớp chuyên Toán đầu tiên năm 1964 và cử HS đi thi quốc tế lần đầu năm 1974.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo cần xem xét lại chiến lược, phương pháp luận, chương trình, sách giáo khoa cho hệ thống trường chuyên, lớp chọn để điều chỉnh cho phù hợp.

Chúng ta biết rằng, những người giỏi chỉ có thể có đóng góp quan trọng nếu có được 1 ê kíp phối hợp tốt. Vì thế, những kỳ thi như IMO chỉ là khâu đầu tiên để ta chọn ra hạt giống tốt, sau đó, sẽ phải gieo vào mảnh đất màu mỡ và thu hoạch để sử dụng hợp lý.

Bộ GD-ĐT sẽ cấp học bổng cho tất cả những thí sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi quốc tế đi du học ở nước ngoài. Thậm chí, những em có tài năng đặc biệt sẽ được cử đi những trường hàng đầu thế giới như ĐH Cambridge (Anh), ĐH Harvard (Hoa Kỳ), ĐH Bách khoa Paris (Pháp)... Bộ sẵn sàng đầu tư tiền bạc để các em được đào tạo ở những "lò" tốt nhất.

Các em sẽ phải ký cam kết quay trở về nước sau khi học xong nhưng đó chỉ là cam kết ước lệ. Tất cả phụ thuộc vào trách nhiệm của các em với sự phát triển của quê hương, đất nước.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Lan Hương (thực hiện)

Tin, bài liên quan:

Diễn biến kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại Việt Nam:

Gặp những gương mặt đoạt giải Olympic Toán học quốc tế qua các thời kỳ:

Loạt bài của GS Toán ĐH Toulouse Nguyễn Tiến Dũng, người từng đoạt giải trong thi Olympic Toán quốc tế:

Những tranh luận:

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó TGĐ Công ty FPT: Toán học vị Toán học hay Toán học vị nhân sinh?
GS Hà Huy Khoái, Viện trưởng Viện Toán học: Muốn có ứng dụng, phải có lý thuyết

*************

Ý kiến của bạn về quan điểm của Thứ trưởng Trần Văn Nhung:


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,