(VietNamNet) – Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 với tinh thần “hai không” có kết thúc không cao đúng như dự đoán. Hơn 300.000 thí sinh sẽ phải tham gia vào kỳ thi lần 2 và không có cơ hội dự thi vào ĐH, CĐ năm nay.
Sau khi Bộ GD-ĐT vừa kết thúc thống kê nhanh về số liệu của cuộc thi, sáng nay, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng.
Hạn chế nhiều yếu tố “giả tạo”
- Thưa ông, với tỷ lệ thí sinh trượt tốt nghiệp chiếm 1/3 tổng số học sinh tham gia dự thi trên cả nước, ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Ông Nguyễn An Ninh.
Tỷ lệ năm nay thấp hơn nhiều so với năm trước và phần nào đã phản ánh kết quả thực chất của kỳ thi quốc gia.
Kết quả khác hẳn những con số của năm trước, đặc biệt với một số tỉnh có điều kiện giáo dục chưa tốt.
Kỳ thi của những năm trước tồn tại nhiều yếu tố “giả tạo”, thực chất không phải như những gì họ đạt được.
Những địa phương có chất lượng giáo dục tốt, kỷ cương dạy học, thi tốt vẫn giữ được tỷ lệ, đảm bảo được chất lượng như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội,…
- Vậy tác dụng lớn nhất của kết quả này là gì và nó sẽ ảnh hưởng ra sao đến quá trình dạy và học sau đó?
Qua đây, cả hệ thống giáo dục nhận ra thực chất của việc dạy và học. Những kết quả thực cho chúng ta một bức tranh cụ thể của hệ thống dạy học ở các vùng miền, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Hệ thống giáo dục sẽ phải nhìn nhận đúng mức. Kết quả này sẽ đòi hỏi các địa phương cần tìm ra giải pháp từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan đến chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông. Dạy, học và thi cử phải nghiêm túc. Kiểm tra, đánh giá phải đạt được chuẩn mực theo đúng chương trình chuẩn đã ban hành.
Cách làm nghiêm túc với học thật, thi thật dần dần sẽ lập lại được chất lượng.
- Theo ông, chất lượng này mất khoảng bao lâu chúng ta mới có thể lập lại được?
Tùy theo từng địa phương, có thể có địa phương làm được ngay, nhưng có địa phương còn phải đầu tư về giáo viên, CSVC… mất nhiều thời gian hơn. Chất lượng kém cần có giải pháp quyết liệt để nhanh chóng lấy lại chất lượng thực của dạy và học.
Ôn bài trước khi vào phòng (chụp tại HĐT Lương Thế Vinh, TP.HCM) - Thu Hương |
Thi lần 2: Vẫn như lần 1
- Hơn 300.000 thí sinh sẽ phải học lại và thi lại vào lần 2, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ này khá cao và lần 2 Bộ nên “nới tay”?
Mục đích của Bộ tổ chức kỳ thi lần 2 để vớt những học sinh có điểm gần đỗ, thiếu ít điểm (khoảng 26, 27 điểm). Sau thời gian ôn tập thêm trong hè, những học sinh đó sẽ đạt điểm tốt nghiệp và có thể học nghề, học trường chuyên nghiệp hoặc thi ĐH trong năm sau.
Quan điểm của Bộ là thi lần 2 làm như lần 1. Không “tháo khoán” để học sinh còn thiếu ít điểm thì cố gắng lên.
- HS nào đạt trung bình đã đỗ trong lần 1, nhưng nếu đề thi lần 2 vẫn như lần 1 thì khả năng đỗ thêm chắc chắn sẽ không nhiều, còn những HS khác không có chỗ để “đúp”, Bộ có cân nhắc tiêu chí “hạ chuẩn” trong lần này?
Đề thi lần 2 chắc chắn tương đương lần 1. Không có lý nào chúng ta cấp bằng cho HS như nhau mà những HS thi lại lại được làm bài dễ hơn. Cùng một cái bằng thì kết quả phải tương đương nhau. Nếu các em không đạt được chuẩn trình độ mà chúng ta vẫn cấp bằng thì càng không đúng.
- Ông có lời khuyên nào cho những thí sinh sẽ thi lại trong lần 2?
Bộ sẽ tổ chức kỳ thi lần 2 tương đương kỳ thi lần 1 với tất cả các khâu ra đề, tổ chức thi, sao in, chấm… Khuyên các em cố gắng tập trung học tập, bồi dưỡng kiến thức còn thiếu hụt để đảm bảo được kết quả thi tốt nhất đúng với năng lực của mình.
Chúc các em thành công!
- Vâng, xin cảm ơn ông!
Bảo Anh (thực hiện)