221
482
Vấn đề
vande
/giaoduc/vande/
938426
Cuộc sát hạch vượt tường
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Cuộc sát hạch vượt tường
,

(VietNamNet) - Với từng thí sinh, thành công nhất của mỗi kỳ thi là vượt qua được chính mình. Ở kỳ thi quốc gia, thành công nhất là phải tháo dỡ được những bức tường sâu trong nhận thức của con người chứ không phải loay hoay bịt lỗ hổng.  

Vẫn "sót" một lỗ hổng trên bức tường cao 3m, dài 270m tại Trường THPT Phùng Khắc Khoan? Ảnh: Lê Anh Dũng

Lỗ hổng trường thi

Chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT năm học 2006 - 2007 sẽ diễn ra vào ngày mai, 30/5, Hà Tây, đã chi 5 tỷ đồng xây tường "chống ném bài".

Chẳng hiểu thế nào, trên "bức tường chống tiêu cực" ở Trường THPT Phùng Khắc Khoan, lại sót một lỗ hổng bé bằng viên gạch. Anh phóng viên ảnh hay nhìn được những góc khác người cho rằng đây là một chủ ý để sót trong quá trình thi công. Hiệu trưởng trường thì thanh minh là do ai đó vừa đục ra mà chưa kịp trát lại. Chẳng biết, anh quan sát sai hay Hiệu trưởng thanh minh vụng?

Cũng là Hà Tây năm trước, trong khi ở Hội đồng thi THPT Phùng Khắc Khoan sùng sục với thang bắc tường, khi THPT  Quốc Oai vất vả với thanh chắn bằng tre, buộc thừng xung quanh trường thi để ngăn chặn đội quân tiếp ứng bên ngoài, thì ở nhiều nơi, nội tình còn nóng rẫy bội phần.

Đó là nơi đề toán lọt ra ngoài sau 10 phút dù ở cái trường ấy, bên ngoài không có cảnh bắc thang. Là hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A, nơi thầy giáo Đỗ Việt Khoa quay cảnh giám thị nhộn nhịp mang bài giải cho thí sinh dù phía ngoài tường vẫn hoàn toàn tĩnh lặng. Là hội đồng thi Trường THPT Đồng Quan, nơi thanh tra Bộ cùng với phóng viên, khi "vi hành đột ngột" đã kịp nhặt được những bài giải ném vội trong khuôn viên trường,  dù ở tường rào không ai qua lại.

Ở những điểm nóng ấy, đầu tư 5 tỷ hay xây tường 3m, liệu có bịt được lỗ hổng "thâm căn cố đế" mà chủ ý của con người tạo nên?

Lỗ hổng "tường người"

Để tiếp ứng "vòng trong" cho những bức tường 3m đã được chăng dây thép gai và mảnh sành, Bộ GD - ĐT đã dựng bức tường khác, cũng hùng hậu và hoành tráng không kém: Điều động 6.000 giảng viên ĐH và cán bộ coi thi tới các địa phương. Sự huy động này, là nỗ lực đáng ghi nhận khi lực lượng thanh tra chuyên trách lâu nay vốn đã mỏng người, lại thường vi hành kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".

Thế nhưng, giảng viên ĐH làm thanh tra vốn đã không phải nghiệp vụ của mình. Chưa kể, hầu như ở điểm thi nào cũng chứa chất nguy cơ đối phó từ phụ huynh, HS và có khi cả chính quyền sở tại, 2 thanh tra ngắn ngày đến "nằm vùng" liệu có tạo ra sự khác biệt về chất so với trước đây?

Giảng viên ĐH Huế Hà Văn Thịnh thì nhìn ra một lỗ hổng khác của "bức tường người" này: "có giảng viên bị kỷ luật về thi cử, đang kiện cáo tùm lum vẫn được cử làm thanh tra". Theo ông, nếu không có sự chuẩn bị, uốn nắn kịp thời, công tác thanh tra rất dễ bị biến thành chuyện hình thức.

Cùng với tăng người, ngay trong những ngày rốt ráo cho kỳ thi, quyết định tăng gấp 2  - 3 lần mức trần tiền coi thi cho giáo viên và thanh tra đã được tung ra (dù đến ngày 3//6 - khi hết kỳ thi, mới có hiệu lực).

Mừng cho các thầy cô giáo căng thẳng đối phó với thanh tra ngoài, lo lắng cho HS trong, làm cái sứ mệnh đương nhiên của một công chức nhà nước, đã có thêm chút động viên vật chất. Thực sự, không biết tăng lên bao nhiêu, các thầy cô mới quên đi nỗi sợ hãi bị học trò và người nhà hăm dọa tấn công sau từng buổi thi? Không biết tăng lên bao nhiêu, các thầy cô mới giảm lòng thương học trò không đúng chỗ ở kỳ thi bằng cách bao che, nương nhẹ? Và thực sự, có ngăn được sự tự nguyện của những phụ huynh muốn dùng vài trăm ngàn đồng hy vọng giúp con em mình dù hổng kiến thức vẫn được "phóng sinh" qua kỳ thi?

Ngoài 2 giải pháp "vật chất" tăng tiền, tăng người, liệu pháp tâm lý cũng đã được tính tới: Quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp lần 2. Đây là giải pháp "chống sốc" với những tỷ lệ được dự báo là "thấp, nhưng đúng thực chất" của kỳ 1 vì năm nay, Bộ không lấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp làm tiêu chí thi đua. Nhưng chẳng rõ, 2 tháng "nhồi vịt" dưới khí trời nóng bức có giúp lấp được lỗ hổng cho những HS trượt lần 1 vốn đã "mất gốc" từ những năm trước đó?

"Lỗ hổng" của Bộ trưởng

Kỳ thi tốt nghiệp  THPT năm học 2006 - 2007, với vị tư lệnh ngành Nguyễn Thiện Nhân, là sự kiện để đo lường xem cuộc vận động  "nói không với tiêu cực trong thi cử" mà ông khởi xướng sẽ được đáp trả thế nào. Cũng là sự kiện để nhìn lại công việc Bộ trưởng mà ông đã "khất" sẽ "sơ kết khi đủ một năm".

Quan trọng hơn, nó là dịp thử lửa xem ý tưởng khá hay ho trên lý thuyết - cắt kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia,  lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT - có cơ sở thực tiễn hay không.

Những số liệu, báo cáo, và dư âm của kỳ thi 3 ngày sắp tới và 2 tháng sau này sẽ là kết quả sát hạch về công việc Bộ trưởng.

Thế nhưng, cũng đã có kết quả "sát hạch" đến sớm hơn nếu xem như buổi đối thoại giữa Bộ trưởng với giáo viên tỉnh Hải Dương ngày 26/5 vừa qua là một kỳ "kiểm tra miệng".

Hiệu trường Trường THPT Ninh Giang Nguyễn Hữu Lực thật thà  "việc tổ chức thi cử nghiêm ở các kỳ thi CĐ, ĐH chúng tôi đã làm quen rồi. Còn ở bậc THPT đây là lần đầu tiên" (cả hội trường cười lớn). Nếu tổ chức nghiêm, tôi dám chắc rằng số tỷ lệ trượt của HS công lập là 50%, của HS dân lập có khi lên tới  70%".

Tiếp theo, thầy Lực đặt vấn đề: "Trong 2 tháng ôn để thi lần 2, các em trượt lần 1 đã mất gốc, liệu có trang bị đủ kiến thức để kịp đối đầu với 1 kỳ thi nghiêm túc? Nếu thi nghiêm túc như lần 1, tôi dám chắc rằng, tỷ lệ trượt lần 2 cũng khá lớn. Giả sử, trong 2 vạn HS Hải Dương mà trượt 1 vạn, thì sẽ giải quyết hậu quả trượt thế nào?"

Bộ trưởng Nhân -  thông lệ của tất cả các cuộc gặp gỡ nhân viên, đáp trả rất ngọn ngành, không bỏ sót câu hỏi nào - hôm đó, khi "gút" lại 10 vấn đề để trả lời tổng thể, đã quên mất câu hỏi của thầy Lực.

Và đây là câu trả lời của ông, khi được một phóng viên nhắc với:"Trước hết, tôi nghĩ rằng HS Hải Dương sẽ không trượt đến 1 vạn. Thứ hai, khi chưa có thực tiễn thì không nên khẳng định điều đó. Thứ ba, nếu khó thì chúng ta có thể điều chỉnh quy chế. Tôi nghĩ, cái khó của việc cấp cho các em có một tấm bằng không khó bằng việc trang bị cho các em có đủ năng lực vào đời....".

Dẫu không ai duy ý chí đến mức nghĩ rằng "trách nhiệm giải quyết hậu quả của 1 vạn HS trượt chỉ đặt lên vai ngành giáo dục", nhưng người ta đã thấy ngay "lỗ hổng" trong câu trả lời.

Một trong những tố chất của người làm công tác quản lý và ra chính sách là phải dự báo được tình hình. Không thể chỉ bám sờ sờ thực tiễn hay chạy theo thực tế kiểu chữa cháy "hỏng đến đâu sửa đến đó", nhất là với  1 cuộc sát hạch quan trọng thế này. Đó là chưa kể, giải pháp thi lần 2 đã được thực hiện khi GS Phạm Minh Hạc còn đương chức. HS trượt không biết giải quyết ra sao, lại thả nổi, nên mới có cơ sự thành tích "ảo" như bây giờ. Sao lại có thể trả lời "chưa có thực tiễn"?

Bịt lỗ hổng hay vượt tường?

Ở Hà Tây những năm 80, giám đốc một trại tâm thần đã có ý định phá những bức tường, hàng dây thép gai ngăn cách những người điên với xã hội bên ngoài. Bởi theo ông, cách chữa tốt nhất là để những người bệnh hòa nhập với môi trường của những người bình thường khác.

Còn đến giờ, những năm đầu của thế kỷ 21, giữa những mỹ từ sành điệu, công nghệ cao, hậu hiện đại, đẳng cấp quốc tế..., lại thấy lồ lộ những dây thép gai và tường 3m như một hiện thân sừng sừng về sự bất lực của nhận thức.

Mối quan hệ tương hỗ của các môi trường gia đình - nhà trường - xã hội để tạo nên nhân cách một con người đã trở thành thế đối kháng, chống chọi lẫn nhau.

Lỗ hổng bé bằng viên gạch ở Trường Phùng Khắc Khoan sẽ dễ dàng được bịt lại. Thế nhưng những lỗ hổng về kiến thức của học sinh, lỗ hổng trong nhận thức của người dân, phụ huynh, lỗ hổng trong tư duy của cả hệ thống giáo dục và lỗ hổng về trách nhiệm của xã hội...thì khó mà bịt ngày một ngày hai.

Kết quả thành công nhất của mỗi kỳ thi là vượt qua được chính mình. Và thành công của kỳ thi này là tháo dỡ những bức tường sâu trong nhận thức của con người chứ không phải loay hoay bịt lỗ hổng. Cuộc sát hạch này, chẳng của riêng ai.

  • Hạ Anh

********************************

Ý kiến của bạn:

Phạm Hoàng Sơn, Manchester, UK, email: hanoiuk@hotmail.co.uk
Hãy ủng hộ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
Mỗi người dân hãy giáo dục con em mình học và làm bằng thực lực, trung thực với kết quả nhận được và dám chịu trách nhiệm trước bản thân, không lách qua những khe hở của luật pháp để tư lợi. Có như vậy, sau vài chục năm, sau vài thế hệ người Việt Nam nữa, nước ta mới "hùng mạnh". Chỉ có ủng hộ Bộ trưởng thì ông và những người kế cận mới có thêm sức mạnh và niềm tin để từ từ thanh lọc những ung nhọt trong hệ thống. Và hơn nữa, có như vậy, dân tộc ta mới có thể đào tạo ra người dám nghĩ dám làm, chống lại hủ tục, chống lại những tư tưởng cá nhân, để gánh vác vai trò lãnh đạo đất nước.
 

Vũ Chí Việt, email: vuchiviet@yahoo.com.au
Đâu là giải pháp, trước hết phải tìm nguyên nhân
Nói đến thi cử, còn 1 vấn đề cần đặt ra ở đây, đó là vì, rất ít học sinh học đều hoặc có thể học đều tất cả các môn. Nên nếu kỳ thi nghiêm túc, ví dụ các học sinh khối A đảm bảo trượt các môn như Lịch sử, Sinh học hoặc có thể là môn Văn và ngược lại đối với các học sinh khác. Cho nên, cũng không có thể nói khi các học sinh trượt kỳ thi tốt nghiệp đều là yếu kém. Tôi tin chắc kỳ thi diễn ra trong kỷ luật thì không dưới 50% học sinh trượt tốt nghiệp.
 

Nguyễn Giang Ngọc, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, email: yama_oki@yahoo.com
Tôi cho rằng, điều mà Bộ Giáo dục Việt Nam chính là chống tiêu cực lại chính họ. Chúng ta cứ nói rằng, phải chống tiêu cực, phải xây dựng ý thức cho các học sinh nhưng liệu rằng, học sinh có phạm tiêu cực khi mà được các thầy cô dung túng?

 

Bức tường kia liệu có cần thiết khu mà chính những người cầm cân nảy mực mới là những người phải xây lại bức tường "chạy đua thành tích" trong lòng họ? Cái mà các học sinh của chúng ta cần đến là những kiến thức nhưng đó phải là những kiến thức có thể áp dụng vào thực tế chứ không phải là những kiến thức cao siêu thầy dạy cứ dạy, trò học cứ học nhưng học xong rồi thì không biết phải áp dụng những kiến thức ấy làm gì. Với mức độ kiến thức học sinh phải học như hiện nay thì đậu tốt nghiệp tám chín mươi phần trăm như các trường mà không có tiêu cực mới là chuyện lạ.
 

Nguyễn Đức Hiệp, email: makpaul.duchiep@gmail.com
Tại sao có gian lận trong thi cử? Tại sao có bệnh thành tích trong giáo dục? 2 căn bệnh trên lỗi đều là ở chúng ta, kể cả ở những học sinh, kể cả những bậc phụ huynh, kể cả thầy, kể cả Bộ, thậm chí kể cả xã hội. Khi nào bằng cấp còn là quy chuẩn để bước vào đời, khi nào cánh cửa ĐH còn làm che mờ đi những con đường vào đời khác, thì khi đó những vấn nạn trầm kha của ngành giáo dục còn.

 

Kỳ thi là gì? Kỳ thi là để sát hạch kiến thức của một người học sinh, là một cách để học sinh nhìn nhận lại kiến thức của mình, đánh giá phương pháp học của mình là đúng hay sai để từ đó rút ra những bài học cần thiết, nhưng như những gì đáng buồn mà chúng ta đã và đang thấy hiện nay, một số học sinh chưa nhận thức rõ ràng về kỳ thi mà luôn nghĩ rằng nó là một rào cản mà bằng giá nào cũng phải qua, cộng thêm với sự "tiếp sức" của những căn bệnh vốn đã được coi là ngấm vào tủy của ngành giáo dục, đó chính là những gì chúng ta đã thấy hiện nay.

 

Tôi đồng ý với bạn Hạ Anh về việc bít lỗ hổng trong nhận thức, giờ là lúc chúng ta phải đau xót nhìn thực trạng bằng một suy nghĩ nghiêm túc và đánh giá khách quan, đừng thực hiện vận động "2 không" mà vẫn phải tìm cửa hậu để "cứu vớt" những hậu quả của nó. Làm thế chỉ vừa tốn tiền của nhân dân, vừa cho thấy sự nửa vời của ngành giáo dục.
 

Đào Đức Hữu, Đặng Văn Ngữ, Huế, email: mientrungyeudau@yahoo.com
Tôi tin vào sự thành công
Tôi cảm thấy rất vui khi đọc được bài báo trên. Có thể nói rằng, chưa khi nào chúng ta có một kỳ thi THPT thu hút được nhiều người quan tâm đến như vậy. Tôi rất tán thành việc chúng ta siết chặt kỳ thi THPT, bởi hơn lúc nào hết, cái chúng ta cần bây giờ chính là chất lượng. Có thể năm nay, chúng ta sẽ phải chấp nhận một thực tế đau lòng, nhưng đó lại là một điều cần thiết. Do đây mới là năm đầu chúng ta thực hiên phong trào "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong học tập" nên có thể vẫn còn những thiếu sót, nhưng với sự nhận thức đúng đắn từ gia đình, nhà trường và xã hội, "vì sự nghiệp trăm năm trồng người", tôi tin là chúng ta sẽ dần khắc phục được những thiếu sót và có được một nền giáo dục vững mạnh trong thời kỳ hội nhập. 

 

Mạc Văn Trang, Hà Nội, email: Mactrang@fpt.vn
Giáo dục phải dựa vào lòng người...
Tôi rất đồng ý với bạn. Giáo dục phải dựa vào lòng người chứ không có tường cao, hào sâu nào ngăn được tiêu cực. Phải làm cho HS và cha mẹ HS thấy tác hại của tiêu cực; làm cho các GV hiểu trách nhiệm lương tâm nhà giáo; làm cho hiệu trưởng có quyền và chịu trách nhiệm, làm cho chính quyền và dân hiểu và chống tiêu cực vì con em họ... Tóm lại, chừng nào GD không thực chất, học chỉ cốt lấy bằng, chứ không phải để biết, để làm, để tồn tại... thì GD vẫn giả. Nhà trường mà rào như trại lính, như nhà giam là hỏng rồi, là GD tự sát rồi!!
 

Lê Quang Ninh, Mỹ Tho, Tiền Giang, email: quangninhtg@yahoo.com.vn
Xây tường trong nhận thức
Qua bài báo, tôi nhận thấy, cái cần xây ở Hà Tây là ý thức con người, xây tường cao bao nhiêu, tốn tiền bao nhiêu mà ý thức con người không thay đổi thì xây cũng uổng phí thôi. Ý thức ở đây là phải thay đổi từ những người lãnh đạo tỉnh Hà Tây, chứ không riêng là của ngành Giáo dục Hà Tây. Từ sự việc chi 5 tỷ cho xây tường quanh trường học, tôi nghĩ, cách nghĩ và cách làm này khó thành công. Người ta thường nói: "Tư tưởng không thông, bình tông không đeo nổi" là vậy đó. Phải thay đổi nhận thức, tư duy lại đi hỡi các vị có thẩm quyền.
 

 

Phạm Cường, Quận Gò Vấp, TP.HCM
"Vạn lí trường thành" tại Việt Nam: Sự xấu hổ về công tác thi cử
Chuyện xây bức tường đúng là khôi hài. Ngày xưa, chúng tôi thi thật là cam go, nhưng rất tự hào khi được bước chân vào giảng đường. Đó là những năm 1980. Bây giờ, xây “vạn lý trường thành” chống ném bài thi, làm tốn tiền thuế của dân. Không hiểu các hiệu trưởng có cảm thấy ngượng ngùng, các ngành ban khác như công an cũng không cảm thấy niềm tin của dân vào mình trong việc duy trì kỉ cương trong thi cử đã bị xói mòn khi chính họ cũng không thể đảm bảo được cho các trường?
 

LVD, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, email: doan_lv@yahoo.com
Tôi hoàn toàn đồng ý
Thiết nghĩ, việc làm của Bộ GD - ĐT là hoàn toàn hợp lý. Xã hội ta ngày nay đã có quá nhiều điều gian dối mà phần lớn là do lỗ hổng về giáo dục đạo đức cho con người từ thời niên thiếu. Nếu bây giờ không nghiêm túc trong các kỳ thi thì liệu đến bao giờ đây? Việc nghiêm túc trong các kỳ thi này đồng thời là lời cảnh tỉnh đối với lớp sau để các em cố gắng hơn. Đỗ hay rớt trong kỳ thi này không quan trọng vì nó phản ảnh đúng thực lực của các học sinh. Hiện nay, hiện tượng "Bằng thật, kiến thức giả" tràn lan trong xã hội, đó cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta về việc giáo dục học sinh, tương lai của đất nước. Thử hỏi nếu ta không nghiêm, liệu đến bao giờ mới có được những người trung thực?
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,