221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
895696
Bằng tiến sĩ: Câu chuyện của ĐH Mỹ và Việt Nam
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Bằng tiến sĩ: Câu chuyện của ĐH Mỹ và Việt Nam
,

(VietNamNet) - "Trong khuôn khổ một số bài viết ngắn, tản mạn, tôi muốn trao đổi với các đồng nghiệp và bạn đọc VietNamNet về một số vấn đề về giáo dục ĐH đang được quan tâm nhiều. Tôi sẽ kể về một số điều tôi quan sát thấy về giảng dạy, nghiên cứu và quản lý ở các trường ĐH Mỹ, và liên hệ với điều kiện ở Việt Nam để đưa ra các nhận xét về việc có thể áp dụng những điều đó ở Việt Nam hay không; và nếu “có” thì với mức độ hoặc sự điều chỉnh như thế nào".

Với cách đặt vấn đề như thế, giáo sư toán học Vũ Quốc Phóng, Trường ĐH Ohio, Mỹ gửi tới VietNamNet các bài viết cho hai vấn đề đang là thời sự của giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay, đào tạo tiến sĩ và mở ĐH tư thục. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu các bài viết này.

Phần 1: ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Bài 1: Bằng tiến sĩ cũng linh động

f

Ở Mỹ, các trường ĐH nói chung được chia ra làm hai loại, ĐH nghiên cứu và ĐH đào tạo (là chủ yếu).

Nói chung, trường nào có các chương trình đào tạo tiến sỹ thì được gọi là trường ĐH nghiên cứu. Hiện nay, phần lớn các trường ĐH  ở Mỹ, kể cả các trường ĐH đào tạo, khi tuyển các chức vụ giáo sư để trở thành chính thức (tenure-track), đều yêu cầu ứng viên phải có bằng cuối cùng trong lĩnh vực mình (terminal degree, thường là PhD, D.Eng., Ed.D., M.D.,v.v… ) thì mới xét.  

Ở các trường ĐH đào tạo, việc giảng dạy được xem trọng nhất, nhưng nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo khác đóng vai trò quan trọng khi xét để trở thành chính thức (tenure) và khi xét thăng bậc (promotion).

Còn ở các trường ĐH nghiên cứu, thì kết quả nghiên cứu khoa học, thể hiện chủ yếu là qua các bài báo được công bố ở các tập chí ngành  và các báo cáo mời ở các hội nghị lớn, đóng vai trò rất quan trọng, hầu như quyết định, đối với việc trở thành giáo sư chính thức và để thăng bậc.  

Những ngoại lệ thú vị

Tuy vậy, không phải 100% GS ở tất cả các trường, kể cả các trường ĐH nghiên cứu, đều có bằng tiến sỹ. Nếu trong một lĩnh vực nào đó (thường là về kỹ thuật hoặc quản trị kinh doanh) mà số tiến sỹ không đủ, thì đôi khi trường phải chấp nhận thuê một người chỉ mới có bằng thạc sỹ.

Trong nhiều trường hợp (nhưng không phải tất cả), trường yêu cầu người đó trong thời gian thử thách (thường là 5-6 năm) phải lấy được bằng tiến sỹ.  

Việc không có quy định chặt chẽ bất di bất dịch nào cho phép các trường được mềm dẻo linh hoạt trong việc chọn người.

Nhiều chính khách, nhà ngoại giao, văn nghệ sỹ, các nhà báo kỳ cựu, các giám đốc các công ty lớn,…có kiến thức sâu rộng và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, nhưng không có bằng tiến sỹ. Các trường ĐH lớn rất thích mời những người này làm GS. SV cũng thích những người này giảng dạy, vì các bài giảng của họ thường lý thú và sinh động. Nếu cứ phải có bằng tiến sỹ mới được làm GS ĐH thì cửa vào ĐH sẽ không mở đối với họ. 

Một số trường hợp,  thậm chí có thể không có bằng tiến sỹ mà vẫn được làm hiệu trưởng ĐH, kể cả của các trường rất lớn và tiếng tăm.

Ông Joe B. Wyatt không có bằng tiến sỹ, và làm hiệu trưởng Trường ĐH Vanderbilt trong 18 năm, từ 1982 đến 2000. Người ta đánh giá rất cao những thành công xuất sắc của ông trong việc đưa Vanderbilt thành một trường ĐH lớn của Mỹ và quyên được rất nhiều tiền cho trường. Trong những năm đó, ông cũng nổi tiếng là hiệu trưởng có lương cao nhất của nước Mỹ (hơn 500 nghìn USD/năm vào thời bấy giờ). 

Bằng tiến sĩ: Yêu cầu tối thiểu

Ví dụ trên là một trong những ngoại lệ. Chúng không làm suy giảm tầm quan trọng của bằng tiến sỹ, hoặc trình độ tương đương, đối với giảng viên ĐH.  

Nói chung, bằng tiến sỹ chỉ là yêu cầu tối thiểu mà thôi. Trừ một số trường hợp đặc biệt (lại trường hợp đặc biệt!), còn hầu hết các GS mới được nhận vào đều phải qua thời hạn thử thách 5 hoặc 6 năm (có thể ít hơn hoặc miễn đối với những người đã qua các chức vụ GS ở các trường khác tương đương, hoặc những người có thành tích quá nổi bật để chứng minh cho khả năng của mình).  

Đối với các trường ĐH nghiên cứu, thử thách chủ yếu là xem người đó có thể nghiên cứu độc lập với kết quả tốt hoặc xuất sắc hay không? Để tạo điều kiện cho họ thể hiện mình, các trường hay có những chính sách ưu tiên cho những GS mới vào như phân công dạy ít hơn và cấp nhiều tiền hơn để phục vụ nghiên cứu (mua trang thiết bị, dùng để đi dự hội nghị,…).  

Trong thời gian thử thách này, nếu người đó không có đủ các bài báo đăng ở các tạp chí chuyên ngành có uy tín thì rất dễ không được trở thành GS chính thức (và sẽ bị thôi việc).

Bài toán lớn

Ở Việt Nam, số lượng cán bộ giảng dạy ĐH có bằng tiến sỹ quá ít (khoảng 13%). Trong số đó, tỷ lệ những người vẫn còn thường xuyên nghiên cứu khoa học rất bé.  

Thêm vào đó, đại bộ phận những người này lại sống ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Vì thế, khi các tỉnh nối đuôi nhau mở ĐH -điều theo tôi cần thiết và nên khuyến khích - thì một trong những bài toán khó nhất phải giải là lấy đâu ra số lượng giáo viên có trình độ và bằng cấp cần thiết.  

Bạn tôi là giáo sư toán ở Đà Nẵng nói rằng, cả thành phố Đà Nẵng chỉ có khoảng trên dưới 10 người có bằng tiến sỹ toán và đa số họ không có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu toán học, kể từ khi bảo vệ luận án, bởi vì họ phải dạy trung bình khoảng 40 giờ/tuần.

Nói chung, ngành toán có thể xem như một trong những ngành Việt Nam tương đối phát triển so với các ngành khác. Đà Nẵng là thành phố có xấp xỉ một triệu dân, là trung tâm kinh tế của miền Trung rộng lớn, nơi hiện nay đã có nhiều trường ĐH và trong tương lai sẽ mở thêm nhiều trường nữa. Từ đó có thể suy ra tình hình thiếu cán bộ giảng dạy trong các ngành khác và các địa phương khác như thế nào.  

Có lẽ điều này là bức xúc của nhiều người trong ngành giáo dục ở Việt Nam, thể hiện trong quyết tâm đào tạo 20 nghìn tiến sỹ từ nay đến năm 2015 của Bộ trưởng. Đây là một bài toán lớn của ngành giáo dục đại học.   

  • GS Vũ Quốc Phóng

Xem bài 2 >>Tiến sĩ không phải tiêu chí tối thượng

Đón đọc bài 3: Một kênh đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ hiệu quả

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin liên quan

,
,
,
,