221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
891642
"Triết lý giáo dục": Không cần thiết!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Triết lý giáo dục': Không cần thiết!
,

(VietNamNet) - "Hiện nay, cần nhất  là triết lý “can đảm giã từ đặc quyền đặc lợi” mà rất nhiều người đã từng được tọa hưởng trong biết bao nhiêu năm trời. Việc cần làm không phải là xây dựng triết lý mà là là tháo gỡ, dỡ bỏ tất cả những gì đang cản trở tiến trình tự đổi mới của nền giáo dục". 

Độc giả Phạm Hoàng Hải bày tỏ ý kiến sau khi nhà sử học Dương Trung Quốc đặt giả thiết "cần có một triết lý giáo dục". Dưới đây là bài viết của ông Hải. 

SV nhận giải thưởng Loa Thành năm 2006. Ảnh: Phạm Hải

Có lẽ đã từ mấy thể kỷ gần đây, chưa một lần, dân ta có được một “triết lý giáo dục” nào khả dĩ đã được áp dụng để dù chỉ một lần, đưa đất nước đi đến phồn vinh.  

Ngay cả các bậc tiền bối sáng suốt và đầy nhiệt huyết như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu - đã suốt một đời xả cả thân mình tìm đường làm cách mạng giáo dục, bôn ba hải ngoại học hỏi nhờ cậy, gửi lưu học sinh ưu tú đi du học nước ngoài...- cũng chưa một lần thành công trong công cuộc “đổi mới tư duy giáo dục” cho dân tộc mình.  

Bây giờ, chúng ta lại ngồi trong phòng kính máy lạnh, nói về “triết lý giáo dục” cao xa, liệu có tạo được cú hích nào làm đổi hướng được đoàn tàu giáo dục trì trệ, lạc hậu và chất đầy sức nặng của bao cấp, giáo điều, độc quyền, quan liêu và lụy thành tích, lụy bằng cấp như hiện nay? 

Sự thay đổi tự thân 

Nói như vậy không có nghĩa là giáo dục đã hết phương cứu chữa. Ngược lại, chỉ trong một thời gian không lâu nữa, nhất định sẽ có sự chuyển mình rõ rệt.  

Lực đẩy của tiến trình này nằm rất ít ở các hội thảo về triết lý, mà đang được sinh ra từ chính cuộc sống năng động, từ những đòi hỏi cấp bách về những sản phẩm giáo dục “có thể dùng được”.

Ngay bây giờ, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư đã phải đau đầu tìm lực lượng lao động trẻ được đào tạo đúng và đủ. 

Lúc đầu, tức là thời gian hiện nay đây, đa số các doanh nghiệp đành giật gấu vá vai. Lời giải tất yếu của bài toán này là rồi sẽ đến lúc chính các chủ doanh nghiệp phải tìm cách tham gia vào quá trình đào tạo lao động cho mình, hoặc chí ít thì cũng gây sức ép lên các nhà trường để tìm ra nguồn nhân lực đủ trình độ, nếu không muốn thất bại trên thương trường. Giống như các câu lạc bộ bóng đá nghèo không thể mua được các cầu thủ ngoại thì tự mình phải mở trường luyện cầu thủ trẻ để dùng, nếu không muốn đóng cửa câu lạc bộ. 

Một thí dụ đã thấy như là FPT đã phải mở riêng trường ĐH cho mình. Nhiều tỉnh lao vào mở trường ĐH cố gắng có được lực lượng lao động cho địa phương. Rồi đến lúc, các doanh nghiệp sẽ có đơn đặt hàng cho các nhà trường; đến lúc uy tín giáo dục của mỗi trường sẽ gắn liền với chất lượng đào tạo con người của mình và cũng sẽ tạo ra thu nhập càng ngày càng cao của nhà trường. 

Rõ rệt nhất là, bây giờ khi các lao động đi Hàn Quốc chỉ được tuyển khi đủ tay nghề, lập tc, các trường dạy nghề mọc ra như nấm. Người đi học cần phải học sao cho đủ giỏi tay nghề mà vượt qua các cuộc tuyển lựa của các ông chủ Hàn chứ không học để mà lấy cái bằng về khoe. Họ đã tự mình tìm ra cái triết lý “thực học thực nghiệp” đã bao năm nằm phủ bụi trong các trước tác của các bậc tiền bối.  

Chẳng những tự tìm ra triết lý cho mình, họ còn tận lực thực hành cho bằng được cái triết lý đã có tự cổ xưa này, để mà dủ sức cạnh tranh mưu sinh trong một xã hội đã hết bao cấp.  

Tại sao đang từ cái triết lý “học để lấy bằng cấp” họ lại đột ngột chuyển ngay sang cái triết lý “thực học thực nghiệp” nhanh như vậy, trong khi các nhà triết lý chưa kịp dạy dỗ gì cho họ cả? 

Sự thức tỉnh này không chỉ thấy có trong xuất khẩu lao động mà nó đang định hình dần dần  nhưng chắc chắn trong HSSV, phụ huynh. 

Trước đòi hỏi của doanh nghiệp, phụ huynh và HS, các trường sẽ phải tự nhìn lại mình và tự thay đổi cung cách đào tạo sao cho ra được các sản phẩm mà xã hội yêu cầu. 

Lúc này, chính các trường học phải thay đổi “triết lý giáo dục của mình” nếu không muốn bị đứng ra ngoài dòng chảy xã hội.  

Không cần xây dựng triết lý! 

Nói như vậy, chẳng lẽ không có một tác động nào vào tiến trình đổi mới giáo dục gần như là tự thân này? 

Ngược lại, đây là lúc mà nội lực của  một dân tộc được thử thách rõ nhất, là lúc mà những tác động chủ quan sẽ quyết định mạnh mẽ đến tiến trình đổi mới giáo dục nhanh chóng và rõ rệt nhất.  

Việc cần làm không phải là xây dựng triết lý mà là là tháo gỡ, dỡ bỏ tất cả những gì đang cản trở tiến trình tự đổi mới của nền giáo dục. Những việc này thì rất nhiều nhưng đại thể là nhanh chóng xóa bỏ độc quyền, chẳng hạn như cái việc độc quyền in tràn lan sách giáo khoa; độc quyền về tổ chức giáo dục đã tước đi quyền tự chủ của các nhà trường, đẩy trường học chạy theo thành tích giả dối, v.v... 

Một việc cũng cần làm ngay là "bịt" được các cánh cửa của bộ máy hành chính quan liêu bao cấp trì trệ, khiến cho người không có năng lực mà chỉ dùng các bằng cấp rởm không còn cơ hội tìm được chỗ đứng trong các công sở nhà nước để vừa ăn lương vừa hưởng lộc. Từ xưa đến nay, đây là cái lực hút mạnh nhất để thu hút các sản phẩm giáo dục sai lầm. Họ chỉ cần lấy được cái bằng là có thể ung dung thụ hưởng suốt đời. 

Còn về những “triết lý giáo dục”, cái cần nhất không phải là để dành cho người học mà chính là để dành cho những người làm công tác giáo dục.  

Hiện nay, cần nhất  là triết lý “can đảm giã từ đặc quyền đặc lợi” mà rất nhiều người đã từng được tọa hưởng trong biết bao nhiêu năm trời.  

Một triết lý nữa cũng cần được xây dựng đó là “phải tự biến đổi bản thân cũng nhanh và cũng tự giác như đất nước đang ào ạt chuyển mình trong giai đoạn sống còn hiện nay”.  

Đây là triết lý cho tất cả mọi người và chỉ có mỗi người mới tự biết rằng mình có trung thực nhìn thẳng vào mình hay không.

  • Phạm Hoàng Hải

Tháng 10/2007, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị "triết lý giáo dục". Quý độc giả có đóng góp ý tưởng gì cho nôi dung này, thư xin gửi về: lthanh@vasc.com.vn.

Theo bạn, những lập luận của tác giả Phạm Hoàng Hải có thỏa đáng?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,